Y học

Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh: Người viết những câu chuyện nhân văn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

HỒNG DUNG 01/05/2025 06:03

Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh - Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ kiêm Trưởng Đơn vị Truyền thông và Dịch vụ khách hàng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM là một phụ nữ hiền hậu và tận tụy vô bờ bến với công việc, với bệnh nhân.

Chị đã dành hơn 24 năm cuộc đời để chăm sóc và mang lại niềm vui cho các bệnh nhi. Từ một cô gái quê nghèo vượt khó đến một nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học và người truyền cảm hứng, hành trình của chị là câu chuyện về nghị lực và tình yêu nghề sâu sắc dành cho những mầm non kém may mắn.

chi-ranh-1.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh

Quá khứ khó khăn và ý chí vươn lên

ThS Nguyễn Thị Rảnh sinh ra tại Long An trong một gia đình đông con, có đến 11 anh em, chị là người con thứ 9. Thời thơ ấu của chị Rảnh gắn liền với những khó khăn của vùng quê nghèo trong giai đoạn hậu chiến tranh. “Hồi nhỏ, tôi nhớ ba chở đi hợp tác xã mua tem phiếu, xếp hàng dài để mua dầu đốt đèn, thức ăn. Thời đó khổ lắm, gia đình ở vùng sâu vùng xa nên chỉ có thể mua được ít, cũng không đủ ăn”, chị kể. Những ký ức về sự thiếu thốn, cảnh gia đình tần tảo làm ruộng hay chèo ghe đã hun đúc trong chị ý chí mạnh mẽ để vượt qua nghịch cảnh.

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại Long An, chị lên TP.HCM thi vào Đại học Sư phạm, chuyên ngành Sinh học. Tuy nhiên, năm 1993, khi đang là sinh viên năm 3, chị nhận tin mẹ mắc bệnh nặng – co giật và teo não. Gia đình phải bán hết ruộng vườn, xưởng đóng ghe và cả ngôi nhà để chữa trị bệnh cho bà. Bệnh không thuyên giảm nên ba chị Rảnh đã đưa vợ mình lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

cung-dong-nghiep-chong-dich-tai-bv-da-chien-cu-chi.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh cùng đồng nghiệp tham gia chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi

Lúc này, chị vừa học vừa đi dạy kèm, gom góp từng đồng học bổng để phụ ba thuốc thang cho mẹ, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Cuối cùng, chị quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình. “Tôi bán hủ tíu với bạn bè, thuê nhà trọ gần bệnh viện để tiện chăm mẹ. Thấy các bác sĩ, điều dưỡng tận tụy với bệnh nhân, tôi bắt đầu mơ làm nghề y để có điều kiện chăm sóc gia đình tốt hơn”, ThS Rảnh chia sẻ.

Năm 1996, khi sức khỏe mẹ tạm ổn, chị thi đậu Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương 3 (nay là Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược TP.HCM), ngành Điều dưỡng. “Tôi được nhận học bổng, tuy nhiên vẫn phải đi dạy kèm để trang trải chi phí sinh hoạt”, ThS Rảnh nói. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1999 đến cuối năm 2000. Đến tháng 2/2001, chị chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi chị tìm thấy niềm đam mê thực sự khi được chăm sóc trẻ em.

Góc thư giãn” - quà tặng tuổi thơ dành cho bệnh nhi

Bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Rảnh được phân công về khoa Sốt xuất huyết. “Tôi xin làm Khoa Sơ sinh vì thích trẻ con, nhưng sếp bảo: “Em về Sốt xuất huyết đi, vì khoa đang thiếu người". Tôi bắt nhịp nhanh nhờ kinh nghiệm làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy và từ đó gắn bó luôn”, chị nhớ lại.

ThS Nguyễn Thị Rảnh làm việc tại Khoa Sốt xuất huyết từ năm 2001 đến 2013, sau đó chuyển sang khoa Nội Tổng quát 2, nơi chị đảm nhận vai trò Điều dưỡng trưởng từ năm 2013 đến 2022. Trong đại dịch COVID-19, chị đã tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến Củ Chi, quản lý đội ngũ y tế với tinh thần trách nhiệm cao. Đến tháng 6/2022, chị được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ kiêm Trưởng Đơn vị Truyền thông và Dịch vụ Khách hàng, Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp.

Công việc của chị không chỉ dừng ở chuyên môn mà còn mở rộng sang các sáng kiến cải thiện trải nghiệm bệnh nhân. Chị luôn trăn trở khi thấy các bệnh nhi phải chịu đau đớn vì bệnh tật và thiếu không gian vui chơi.

goc-thu-gian.jpg
“Góc thư giãn” do ThS Nguyễn Thị Rảnh sáng kiến xây dựng
goc-thu-gian-1.jpg

“Có tận mắt chứng kiến các bé vật vã vì chích thuốc, không có chỗ chơi để quên đi cơn đau, tôi thấy xót xa vô cùng”, chị tâm sự. Từ trăn trở ấy, chị đã tạo nên những thay đổi đáng kể, không chỉ cho bệnh nhi mà còn cho cả môi trường bệnh viện và những gia đình chịu mất mát.

Một trong những đóng góp nổi bật của ThS Nguyễn Thị Rảnh là sáng kiến xây dựng “Góc thư giãn” tại khoa Nội Tổng quát 2 vào năm 2020. Khi khoa chuyển sang tòa nhà mới, hành lang chật hẹp đầy giấy tờ và hồ sơ bệnh án. Chị liền nảy ra ý tưởng biến một góc nhỏ thành thư viện mini. “Tôi muốn các bé có nơi đọc sách, tô màu, quên đi nỗi đau. Bệnh viện không chỉ là nơi điều trị mà còn nên là nơi các bé cảm thấy vui”, chị chia sẻ.

Chị tự bỏ tiền túi, cùng bạn bè quyên góp, mua sách thiếu nhi như “Thám tử lừng danh Conan”, “Doraemon”, truyện cổ tích, sách lịch sử và sách song ngữ Anh - Việt. Chị còn tận dụng bình nước bỏ đi làm chậu cây, để trồng cây cảnh tạo không gian xanh mát: “Tôi vào máy tính thiết kế dòng chữ “Góc thư giãn dành cho các bé”, thuê thợ đóng kệ sách. Mỗi chiều rảnh, tôi đi tiệm sách cũ để mua sách cho các bé”, chị kể. Đầu tháng 6/2020, thư viện mini chính thức “khai trương”, trở thành nơi yên bình cho các bé, từ các khoa Sốt xuất huyết, Hô hấp đến Thận nhân tạo.

Sáng kiến này không chỉ mang lại niềm vui cho bệnh nhi mà còn giúp phụ huynh thư giãn. ThS Nguyễn Thị Rảnh còn tổ chức các buổi tô tượng, vẽ tranh hàng tuần, tạo cơ hội cho các bé vừa điều trị vừa sống đúng với tuổi thơ. “Có bé tay còn kim chích mà vẫn say mê tô màu. Nhiều phụ huynh đọc sách về chăm sóc con, dinh dưỡng… nhìn cảnh này, tôi cảm thấy thương và nhẹ nhõm hơn”, chị nói. Sáng kiến được Sở Y tế công nhận và nhân rộng trong bệnh viện, trở thành mô hình tiêu biểu về chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi.

lop-yoga(1).jpg
Chương trình yoga buổi trưa cho nhân viên bệnh viện để cải thiện sức khỏe do Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh đề xướng.

Xoa dịu nỗi đớn đau, mất mát bằng sự thấu hiểu sâu sắc

Bên cạnh việc mang niềm vui cho các bệnh nhi đang điều trị, ThS Nguyễn Thị Rảnh còn dành tâm huyết cho những em bé kém may mắn, không thể vượt qua bệnh tật. Một trong những dự án đầy ý nghĩa của chị là tu bổ nhà đại thể của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi đưa tiễn các bệnh nhi trong những giây phút cuối cùng.

“Thật lòng, tôi thấy nhà đại thể trước đây tuy đã được sửa chữa nhưng vẫn thiếu sự "ấm cúng". Tôi muốn làm điều gì đó để nơi này mang lại sự an ủi cho gia đình bệnh nhân. Tôi xin phép Ban giám đốc, phối hợp với khoa Giải phẫu bệnh cải tạo nhà đại thể, biến nơi từng rất lạnh lẽo thành một không gian khang trang, sạch sẽ và ấm áp. Tôi muốn người nhà bệnh nhi cảm thấy được chia sẻ, không còn nỗi sợ hãi. Đây không chỉ là nhà xác mà là ngôi nhà ấm áp cuối cùng cho các con”, chị nói.

Chị trang bị thêm bộ bàn thờ, 1 bên là đức Phật A-di-đà và 1 bên là đức Chúa Giê-su để gia đình cảm nhận sự gần gũi và thanh thản. Một trường hợp khiến chị nhớ mãi là có em bé từng điều trị cách đây 9 năm, khi đó gia đình không có điều kiện điều trị, chị đã hỗ trợ rất nhiều cho con nhưng sau cùng, chị lại gặp con tại nhà đại thể. Gia đình ôm chị khóc... “Lúc đó, tôi giúp họ lo hậu sự, hỗ trợ thêm chi phí để đưa bé về quê. Chỉ mong chia sẻ phần nào nỗi đau của họ...”, ThS Nguyễn Thị Rảnh trầm giọng.

Chị cũng đặc biệt quan tâm đến những nhân viên làm việc tại nhà đại thể – công việc thầm lặng nhưng đầy vất vả. “Các anh làm việc bất kể giờ giấc, đôi khi cả đêm để hỗ trợ gia đình bệnh nhi. Công việc của họ còn chịu nhiều định kiến nên tôi muốn có thêm sự hỗ trợ để họ cảm nhận được sự quan tâm. Tôi mong rằng các nhà đại thể không chỉ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mà ở mọi nơi đều trở nên khang trang, ấm áp, không còn là nơi đáng sợ mà là ngôi nhà cuối cùng an ủi những linh hồn nhỏ bé”.

Tình yêu nghề luôn rực cháy

Không chỉ là một điều dưỡng tận tâm, ThS Nguyễn Thị Rảnh còn là một nhà nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài giá trị. Hai công trình nổi bật là “Đánh giá kiến thức, thái độ của thân nhân bệnh nhi hen suyễn” và “Giáo dục sức khỏe để giảm gánh nặng bệnh tật”. Những nghiên cứu này giúp nâng cao nhận thức của phụ huynh, giảm tỷ lệ tái nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhi mắc bệnh mãn tính. “Nếu phụ huynh biết cách phòng bệnh, các bé sẽ ít phải nhập viện, gia đình cũng bớt khó khăn”, ThS Rảnh giải thích.

Chị còn đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến, như quy trình phun thuốc giãn phế quản cho bệnh nhi hen suyễn, sắp xếp dụng cụ y tế theo mô hình 5S và chương trình yoga buổi trưa cho nhân viên bệnh viện để cải thiện sức khỏe. “Tôi muốn mọi thứ trong bệnh viện đều hiệu quả, từ chăm sóc bệnh nhân đến môi trường làm việc”, chị nói. Những sáng kiến này đã giúp chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố 5 năm liên tục.

hien-mau(1).jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh tham gia gần 20 lần hiến máu

Với ThS Nguyễn Thị Rảnh, nghề điều dưỡng là một sứ mệnh. Chị nhấn mạnh vai trò của điều dưỡng: “Bác sĩ đưa ra phác đồ nhưng điều dưỡng là người trực tiếp theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường. Có khi bệnh nhi suy hô hấp, nhịp thở tụt nhanh, điều dưỡng phải xử lý ngay”. Chị luôn nhắc nhở nhân viên: “Làm nghề phải có tâm và tầm. Mọi quyết định phải hướng đến điều tốt nhất cho bệnh nhi”.

“Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh là đại diện của sự tận tâm và sáng tạo trong ngành điều dưỡng. Với chị, mỗi bệnh nhi là một mầm sống quý giá và mỗi nỗ lực là cách góp phần xây dựng tương lai tươi sáng hơn. Tên chị - Rảnh - không chỉ là mong ước của cha mẹ về một cuộc đời sung sướng mà còn là minh chứng cho một trái tim luôn “rảnh rỗi” để yêu thương, sẻ chia và cống hiến”.

BS.CKII PHAN NGỌC DUY CẦN
Trưởng Khoa điều trị trong ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

Ký ức về một bé gái 10 tuổi mắc bệnh suy tủy khiến chị không thể quên. “Bé tỉnh táo, nằm đọc sách và nói muốn làm bác sĩ như tôi. Nhưng hôm sau, bé không qua khỏi. Tôi tự nhủ phải làm hết sức để không còn nuối tiếc”, chị nghẹn ngào. Những câu chuyện như vậy là động lực để chị cống hiến, từ chăm sóc bệnh nhi đến hỗ trợ gia đình vượt qua mất mát.

Ngoài công việc, chị giảng dạy thỉnh giảng tại Trường Đại học Hồng Bàng, truyền cảm hứng cho thế hệ điều dưỡng trẻ. “Đi dạy giúp tôi mở rộng kiến thức. Tôi muốn các bạn trẻ hiểu nghề điều dưỡng là cách mang lại hy vọng cho cộng đồng” chị nói.

ThS Nguyễn Thị Rảnh đối với gia đình còn là 1 người con hiếu thảo. Dù bận rộn, chị luôn dành thời gian cho mẹ – người hiện 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. “Mẹ là động lực lớn nhất của tôi. Tôi muốn mẹ có cuộc sống đầy đủ, được đi du lịch khắp nơi, là gia đình đông anh em, tôi may mắn được học hành cao hơn các anh chị và luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn và luôn nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng mẹ và mẹ luôn tự hào về con gái của mẹ”, ThS Nguyễn Thị Rảnh tâm sự.

chi-ranh-va-me.jpg
ThS Nguyễn Thị Rảnh hạnh phúc du lịch cùng mẹ

Năm 2025, ThS Nguyễn Thị Rảnh vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và 2 đề tài nghiên cứu khoa học đứng tên chủ nhiệm. Chị cũng được Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động TP.HCM vinh danh vì đóng góp cho công đoàn và cộng đồng. “Tôi hạnh phúc không chỉ vì giải thưởng mà vì được đồng nghiệp, bệnh nhân tin yêu”, chị chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh: Người viết những câu chuyện nhân văn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO