Ngộ độc bánh mì ở Long Khánh, Đồng Nai, một bệnh nhi tử vong
Dù được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bệnh nhi nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh (Đồng Nai) đã tử vong.
Sau ăn bánh mì, 547 ca nhập viện, 1 bệnh nhi tử vong vì ngộ độc thực phẩm
Ngày 3/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi 5 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tử vong sau thời gian điều trị tích cực.
Trước đó, bệnh nhi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau hội chẩn liên viện, ngày 4/5, bệnh nhi được chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) do tình trạng rất nặng.
Bệnh nhi nhập khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương não, lọc máu, hồi sức, thở máy. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi 5 tuổi đã không qua khỏi.
Tiệm bánh mì Băng nằm ở địa chỉ 148/18 Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai); mỗi ngày kinh doanh trên 1 ngàn ổ bánh mì. Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại tiệm.
Theo báo cáo của đại diện tiệm bánh mì Cô Băng, trong ngày 30/4, tiệm phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt và khoảng 500 ổ bánh mì thịt từ 6h - 8h ngày 1/5. Sau ăn bánh mì khoảng 4 đến 8 giờ thì xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt… Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà và nhập viện vào sáng 1/5.
Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.
Tính đến 16h30 ngày 09/5/2024, ngày thứ 9 sau khi ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm đầu tiên liên quan đến cơ sở bánh mì trên địa bàn TP. Long Khánh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận tổng số 547 trường hợp nhập viện. Và đến ngày 3/6, 1 bệnh nhi liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP. Lông Khánh đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế Công cộng TP.HCM thực hiện ghi nhận: 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli, 09/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do Viện Y tế Công cộng TP.HCM thực hiện ghi nhận: 04/08 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua phát hiện vi khuẩn Salmonella. Sở Y tế Đồng Nai kết luận nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào?
Theo BS. Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai), Salmonella là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất do thực phẩm không an toàn, có khoảng 550 triệu người mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến thực phẩm mỗi năm, trong đó có 220 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong thời gian qua ở Việt Nam.
Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có các triệu chứng được đặc trưng là sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi nôn mửa. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ 6 - 72 giờ (thường là 12–36 giờ) sau khi ăn phải Salmonella và bệnh thường kéo dài 2 -7 ngày.
Các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn Salmonella tương đối nhẹ, đa số người bệnh đều tự hồi phục mà không phải điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi, tình trạng mất nước có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Con người thường bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn phải thực phẩm bị nhiễm Salmonella có nguồn gốc động vật (chủ yếu là trứng, thịt, thịt gia cầm và sữa), một số thực phẩm khác như rau xanh bị ô nhiễm phân, cũng có liên quan đến sự lây truyền của bệnh. Sự lây truyền từ người sang người cũng có thể xảy ra qua đường phân-miệng.
Một số trường hợp khác có thể nhiễm Salmonella khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm cả vật nuôi trong gia đình (gà, vịt, lợn, bò…). Những con vật bị nhiễm bệnh này thường không có dấu hiệu bệnh tật.
5 chìa khóa đảm bảo thực phẩm an toàn, phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngộ độc thực phẩm do Salmonella người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo WHO, có 5 chìa khóa để đảm bảo thực phẩm an toàn, phòng ngộ độc thực phẩm, cụ thể:
Giữ vệ sinh
Rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm và thường xuyên trong quá trình chế biến thực phẩm. Rửa tay sau khi đi vệ sinh. Rửa sạch toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm. Giữ sạch thực phẩm và khu vực bếp để tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Để riêng thực phẩm sống và chín
Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm và hải sản sống với các thực phẩm đã nấu chín. Sử dụng riêng các đồ dùng nhà bếp như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. Để thực phẩm trong các dụng cụ chứa có nắp để tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và chín.
Nấu và chế biến đúng cách
Đun nấu kỹ thực phẩm, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản. Đun kỹ thức ăn còn dư lại từ bữa trước.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Làm lạnh ngay tất cả thực phẩm đã chế biến và thực phẩm dễ hỏng (dưới 5oC). Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ cao (trên 60oC) trước khi ăn.
Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
Sử dụng nước sạch hoặc nước đã qua xử lý để chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau quả, đặc biệt là rau quả ăn sống. Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn an toàn như sữa tươi tiệt trùng. Chọn mua thực phẩm tươi, nguyên dạng. Không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.