Đời sống

TP.HCM đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Thanh Huy 18/07/2024 - 11:48

Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.

thuc-pham.jpg
TP.HCM ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Ảnh minh họa

Theo đó, TP.HCM đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh trong lựa chọn, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị biến dạng (phồng, bẹp, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn), các loại thực phẩm nghi ngờ biến chất (có mùi vị, màu sắc khác thường, ôi thiu…).

Việc thông tin, tuyên truyền đặc biệt cần tập trung vào các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, thức ăn đường phố, các sự kiện, lễ hội… tập trung đông người ăn.

Cùng với đó, kết hợp nhiều hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông xoay quanh các nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, lựa chọn thực phẩm an toàn. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể - xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Mặt khác, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học, bệnh viện, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao duy trì việc vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm; đảm bảo các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, chủ động giám sát mối nguy, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết phòng ngừa các sự cố mất an toàn thực phẩm; cảnh báo kịp thời các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Trong đó cần tập trung vào các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể, căn tin, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, thức ăn đường phố, các sự kiện, lễ hội… tập trung đông người ăn; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá, nước uống đóng chai, đóng bình. Kiên quyết xử lý nghiêm, công khai thông tin, hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không chấp hành đúng các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm và công khai thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO