GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng Một đời cống hiến vì y học và cộng đồng
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ở tuổi 82, vẫn khoác áo blouse trắng làm việc mỗi ngày. Là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành sản phụ khoa Việt Nam, bà không chỉ ghi dấu ấn khi tiên phong đưa phẫu thuật nội soi phụ khoa về nước mà còn để lại di sản nhân văn thông qua chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản, góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở những vùng sâu, vùng xa.
Bà luôn quan niệm rằng, đã làm trong ngành y – nhất là sản phụ khoa – thì không chỉ cần bắt kịp thế giới về kỹ thuật mà còn phải chăm lo sức khỏe cho nhân dân ở tuyến cơ sở. Hành trình hơn 60 năm cống hiến của bà là câu chuyện về đam mê nghề y, sự quyết liệt với khoa học và tình yêu mãnh liệt dành cho đất nước.

Tuổi thơ nghèo khó và giấc mơ làm bác sĩ
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại miền Nam Việt Nam, nơi cha bà làm công nhân đồn điền cao su và mẹ tần tảo nuôi tám người con, bà từng tưởng không qua khỏi vì bệnh nặng. "May nhờ một bác sĩ cứu chữa, từ đó tôi mơ được làm bác sĩ để chữa bệnh cho trẻ em nghèo", bà kể. Ký ức về những bữa ăn chỉ có khoai luộc chấm mắm nêm, hay những lần nhặt khoai thừa trên ruộng, đã tôi luyện trong bà ý chí kiên cường.
Vượt qua khó khăn, bà đỗ vào Trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Trong thời gian này, bà gặp chồng tương lai – một mối tình gắn liền với quyết định lớn về quê hương. Ngày 30/4/1975 – ngày miền Nam giải phóng, bà đứng trước cơ hội định cư tại Pháp cùng chồng, nhưng đã chọn ở lại, mang theo ba con nhỏ vào trực tại Bệnh viện Từ Dũ, sẵn sàng mổ, cấp cứu những ca sinh khó – nơi bệnh nhân đang cần bà, và nơi bà tin mình thuộc về.
Bà kể, quyết định ở lại không chỉ là lựa chọn cá nhân mà còn là trách nhiệm với bệnh nhân và đất nước. Bà từ chối định cư tại Pháp hai lần, chấp nhận ly hôn để chồng có thể xây dựng cuộc sống mới. “Tôi không muốn ông ấy cô đơn cả đời vì lựa chọn của tôi”, bà nói. Một mình nuôi ba con trong thiếu thốn, bà vẫn kiên trì làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và mang lại cuộc sống tốt đẹp cho các con.

Tiên phong đưa phẫu thuật nội soi phụ khoa về Việt Nam
Đầu thập niên 1990, khi ngành y tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, bác sĩ Phượng – khi ấy là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – đã tiên phong đưa phẫu thuật nội soi phụ khoa hiện đại về nước.
Theo đó, năm 1990, nhờ mối quan hệ với GS Trần Đình Khiêm – một Việt kiều tại Pháp – và sự ủng hộ của Viện sĩ, Anh hùng Lao động, TS.BS Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ đón một đoàn bác sĩ Pháp đến thực hiện những ca phẫu thuật nội soi đầu tiên. Họ bóc khối u buồng trứng, cắt tử cung, xử lý thai ngoài tử cung... “Tôi thấy kỹ thuật này rất gọn, ít chảy máu, không mở rộng ổ bụng nên giảm nhiễm trùng, hạn chế dính ruột và chỉ để lại sẹo nhỏ – khoảng 1cm, gần như hòa lẫn với rốn”, bà chia sẻ.
Thấy tiềm năng lớn, bà đề xuất triển khai nội soi tại Từ Dũ. Nhưng rào cản là chi phí máy móc: một bộ máy nội soi khi ấy trị giá hàng chục nghìn USD – con số khổng lồ. May mắn thay, GS Khiêm thuyết phục được một bệnh viện tại Nice (Pháp) thanh lý máy còn mới, hãng Storz (Đức) tài trợ vận chuyển, giúp Từ Dũ sở hữu máy nội soi đầu tiên vào năm 1993.

Hành trình đào tạo và vượt qua phản đối
Bà xin học bổng đưa các bác sĩ trẻ Từ Dũ sang học tại Nice, Clermont-Ferrand (Pháp), dưới sự hướng dẫn của GS Bruhat – chuyên gia hàng đầu về nội soi phụ khoa. Các bác sĩ sau đó trở về và thực hiện những ca đầu tiên tại Từ Dũ, từ bóc u buồng trứng đến cắt tử cung.
Tuy nhiên, không ít bác sĩ lớn tuổi phản đối, cho rằng nội soi phức tạp, đắt đỏ, không thiết thực khi “mổ hở chỉ cần dao và kéo”. Họ cho rằng thao tác qua màn hình không bằng nhìn trực tiếp. Bà Phượng cứng rắn: “Thế kỷ 20 là thế kỷ cắt bỏ, nhưng thế kỷ 21 là thế kỷ sửa chữa và tái tạo. Nếu không theo kịp xu hướng, chúng ta sẽ tụt hậu”.
Bà ra chỉ đạo quán triệt: trong ba tháng, bác sĩ thường trú phải thành thạo nội soi; trong sáu tháng, bác sĩ có kinh nghiệm cao cũng phải làm được. Người đã học ở Pháp phải hướng dẫn đồng nghiệp. Với quyết tâm đó, đến hạn, mọi bác sĩ đều sử dụng thành thạo kỹ thuật, phẫu thuật nội soi dần trở thành tiêu chuẩn tại Từ Dũ. Cuối thập niên 1990, số ca nội soi tăng mạnh, bệnh nhân ít đau, hồi phục nhanh, không để lại sẹo lớn.
Không dừng lại ở Từ Dũ, bà mở rộng đào tạo nội soi cho các tỉnh, giúp hàng vạn phụ nữ tránh được các ca mổ hở nặng nề.
Khởi xướng mô hình cô đỡ thôn bản: Mang hy vọng đến vùng cao
Cùng với kỹ thuật cao, bà đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở. Năm 1990, bà ghi nhận tỷ lệ tử vong mẹ ở Tây Nguyên là 478/100.000 ca sinh, gấp nhiều lần TP.HCM. “Mồ côi mẹ, tương lai trẻ rất khổ. Người ta hay nói – mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giảm tỷ lệ này”, bà chia sẻ.

Bà đề xuất với Đảng ủy Bệnh viện đào tạo các cô gái dân tộc thiểu số thành cô đỡ thôn bản. Năm 1997, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Từ Dũ mở lớp đào tạo đầu tiên cho hơn 30 cô gái Tây Nguyên. Họ chủ yếu từ 16 tuổi trở lên, nhiều người không biết tiếng Kinh, không đọc được đồng hồ và chưa từng tiếp xúc với y tế.
Bà yêu cầu các nữ hộ sinh “cầm tay chỉ việc”. Bệnh viện chăm lo nơi ăn ở, cho nấu món ăn quen thuộc, tập dần ăn thịt kho, canh... Mua thêm mì gói, hướng dẫn cả cách dùng băng vệ sinh, đo nhiệt kế, rửa tay sạch trước khi khám, đỡ đẻ. Cuối tuần, tổ chức cho họ đi chơi Đầm Sen, Vũng Tàu, chợ Sài Gòn để đỡ nhớ nhà.
Khóa học kéo dài 6 tháng, dạy từ khám thai, dấu hiệu nguy hiểm, đến kỹ thuật đỡ đẻ an toàn. Cung cấp bộ dụng cụ inox, nồi hấp, đồng hồ, gương soi, bảng kiểm tra sản phụ...
Không ít thách thức nảy sinh. Có học viên không biết “hậu môn” là gì, phải hướng dẫn chi tiết. Một số nơi, phong tục mời thầy mo cúng khi sinh khiến sản phụ chuyển viện quá trễ. Bà kiên nhẫn giải thích, đào tạo cả trạm y tế xã để phối hợp.
Một kỷ niệm hài hước khiến bà nhớ mãi là vào dịp Tết, bệnh viện tặng quần áo và trang sức cho các học viên chuẩn bị về quê. Nhiều cô đỡ thôn bản lần đầu được mặc đẹp, đeo bông tai, dây chuyền… khiến các ông chồng ở quê ghen bóng ghen gió, nghi ngờ vợ được ai đó “tặng”, cấm không cho quay lại học tiếp. “Sau khóa đầu, tôi rút kinh nghiệm, tổ chức sao cho khóa học kết thúc trước Tết. Có bị ‘hiểu lầm’ thì cũng đã học xong, không mất học viên!” – bà cười tươi kể lại.
Sau mỗi khóa đào tạo, đội ngũ bệnh viện đều đặn hàng tháng đến từng xã thăm các học viên cũ, ôn bài, kiểm tra sổ ghi chép khám thai, đỡ đẻ do trạm y tế xác nhận, đồng thời tặng quà và tiền thưởng động viên. “Chúng tôi không muốn sau đào tạo lại để các em bị ‘bỏ quên’ giữa vùng sâu vùng xa,” bà chia sẻ.
Lan tỏa sâu rộng
Tới năm 2005, khi bà nghỉ hưu, chương trình đã đào tạo hơn 1.000 cô đỡ thôn bản cho Tây Nguyên, các tỉnh Duyên hải miền Trung. Sau đó, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới tiếp tục tài trợ mở rộng ra sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Các báo cáo từ Sở Y tế địa phương cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh giảm rõ rệt, nhiều nơi hoàn toàn không còn uốn ván rốn – một minh chứng cho hiệu quả của chương trình.
“Các già làng, cán bộ y tế, hội phụ nữ đều nói: nơi nào có cô đỡ, nơi đó ít xảy ra tai biến”, bà Phượng tự hào kể.
Đến nay, dù đã bước sang tuổi 82, Giáo sư Phượng vẫn đều đặn mỗi sáu tháng quay lại Gia Lai, Kon Tum… để kiểm tra công việc, thăm hỏi các học viên cũ, cùng họ ôn lại kiến thức, vận động thai phụ nên sinh con tại trạm y tế xã. Mỗi chuyến đi, bà mang theo quà gồm tiền, nhu yếu phẩm – tất cả đều được trích từ lương hưu của bà. Nhiều năm qua, bà còn vận động thêm các nhà hảo tâm để tặng cả xe máy cho những cô đỡ có thành tích xuất sắc. “Nhiều người nói vui tôi ‘mắc nợ’ các cô đỡ thôn bản, mà đúng là nợ thật – nợ ân tình”, bà mỉm cười.
“Mỗi lần gặp, họ ôm tôi khóc vì nhớ. Đó là nguồn động viên lớn nhất để tôi tiếp tục. Tôi muốn khuyến khích các em gắn bó với nghề, để tiếp tục giúp đỡ người dân trong cộng đồng”, bà xúc động chia sẻ.
Một đời tận hiến
Không chỉ ghi dấu với chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn là người tiên phong trong nhiều lĩnh vực y học hiện đại tại Việt Nam. Bà là người đầu tiên đưa kỹ thuật phẫu thuật nội soi phụ khoa về nước vào đầu những năm 1990, mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị sản phụ khoa, giúp hàng ngàn phụ nữ tránh được những can thiệp xâm lấn, biến chứng và đau đớn không cần thiết.

Năm 1997, bà thực hiện ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, đặt nền móng cho lĩnh vực hỗ trợ sinh sản sau này phát triển mạnh mẽ. Bà cũng dành gần 40 năm nghiên cứu và đấu tranh không ngừng nghỉ cho nạn nhân chất độc da cam, đưa vấn đề này ra cộng đồng quốc tế bằng tiếng nói khoa học và nhân đạo.
Những nỗ lực đó được ghi nhận bằng Giải thưởng quốc tế Ramon Magsaysay năm 2025 – được ví như “Nobel châu Á”. Toàn bộ số tiền thưởng 50.000 USD, bà dành trọn cho các hội nạn nhân da cam, tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ những mảnh đời yếu thế.
Bên cạnh chuyên môn, bà còn góp phần nâng cao y tế cơ sở qua nhiều chương trình thiện nguyện: xây phòng khám miễn phí, bếp ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo tại huyện Bù Đăng (Bình Phước)… “Tôi luôn nghĩ, dù nghèo khó đến đâu, người bệnh vẫn xứng đáng được chăm sóc một cách tử tế”, bà nói.
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng là biểu tượng sống động của tinh thần tận tâm, quyết liệt và sáng tạo trong ngành y học Việt Nam. Mỗi đóng góp của bà – từ ca phẫu thuật đầu tiên, lớp học vùng cao cho tới những chiếc xe máy tặng cô đỡ – đều bắt nguồn từ một trái tim nhân hậu và khát vọng làm điều tốt đẹp cho đất nước.
Với bà, chọn ở lại quê hương thay vì những lời mời hấp dẫn từ nước ngoài không phải là sự hy sinh, mà là vinh dự.
“Sống tốt, làm tốt, đất nước sẽ hùng cường”
– đó là triết lý sống mà GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn nhắn gửi tới thế hệ trẻ.