Y học

Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực phía Nam

An Quý 05/04/2024 21:07

Ngày 5/4, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị phát triển “Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng” và trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại khu vực phía Nam.

Từ khi Bộ Y tế phát động phong trào đăng ký hiến, mô tạng, tính đến nay, Đơn vị Điều phối Ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.

phat-trien-mang-luoi-tu-van-vien-van-dong-hien-mo-tang.jpg
Tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị phát triển “Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng” và trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại khu vực phía Nam.

Dựa vào kết quả cùng kinh nghiệm có được từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người quyết định thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam với mong muốn phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc.

Chi hội hoạt động trong mạng lưới phía Nam gồm 61 thành viên, trong đó 51 thành viên thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy; 1 thành viên Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang; 4 thành viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và 5 thành viên Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới - Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại khu vực phía Nam, TS.BS.CKII. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ niềm vinh hạnh vì nhận được sự tín nhiệm này.

don-vi-dieu-phoi-ghep-cac-bo-phan-co-the-nguoi.jpg
Đơn vị Điều phối Ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.

"Tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống," TS.BS.CKII. Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Theo TS.BS.CKII. Nguyễn Tri Thức, để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này.

Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, cũng như các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.

Do đó, chi hội sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời của người dân, cứu giúp những bệnh nhân không may có chỉ định ghép nhưng không có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng cũng như kéo dài sự sống.

mot-ca-ghep-da-tu-nguoi-cho-chet-nao-duoc-thuc-hien-tai-benh-vien-cho-ray.jpg
Một ca ghép da từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh tư liệu

Chia sẻ các điểm tiến bộ và khác biệt từ những mô hình của ngành ghép tạng ở các nước trên thế giới, hoạt động định hướng mạng lưới tư vấn viên trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam hy vọng sẽ luôn nhận được sự chung tay của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, đặc biệt lãnh đạo các Bệnh viện để chi hội tại khu vực phía Nam sẽ là “cánh tay” nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng hiến thiết thực, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, thông qua cổng đăng ký hiến mô - tạng tại TP.HCM (với sự tham gia thực hiện giữa 3 bệnh viện: Chợ Rẫy, Thống Nhất, Nhi đồng 2 trong phạm vi đề tài nghiên cứu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn (chiếm 60% tổng sổ đơn trên cả nước) đăng ký hiến tạng (nếu chẳng may qua đời) từ người dân trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại khu vực phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO