PGS-TS Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 'Mong tạp chí Khoa học Phổ thông tiếp tục là cầu nối của trí thức'

Hồng Thu - Như Ý| 03/02/2023 06:28

Tạp chí Khoa học phổ thông cần tiếp tục là cầu nối kết nối giữa nhà khoa học - nhà nước – doanh nghiệp, cũng như tăng tính tương tác giữa các bên, nâng cao khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống” - PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão - 2023, PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho Tạp chí Khoa học Phổ thông cuộc trò chuyện về một số vấn đề liên quan đến định hướng và sự phát triển của TP.HCM cũng như kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM đối với một cơ quan báo chí trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung các dự án trọng điểm

- Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những mũi nhọn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra. Gần đây,tại cuộc hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết TP.HCM sắp có “thư ký ảo” AI giúp lãnh đạo điều hành công việc nhanh hơn. Trong tiến trình này, TP.HCM có chỉ đạo gì thêm cho sở ngành không, thưa ông?

- Trong việc này, Sở Thông tin và Truyền thông phải đi đầu, là hạt nhân, đầu mối phối hợp cùng các sở, ban, ngành để đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng AI vào việc đổi mới, đặc biệt là hành chính công. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Khoa học và Công nghệ cần xác định, phân biệt rõ đặc điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI với ứng dụng công nghệ thông tin về bản chất là như thế nào. Phải xác định rõ được điều này mới thực sự đưa AI vào ứng dụng trong việc cải tiến, cải cách năng lực quản lý hành chính công, tránh tình trạng gắn mác AI lên nền tảng cũ, tránh “tự sướng” với nhau mà không đi vào thực chất”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (ngoài cùng bên trái) và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho các diễn giả tại Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công.

- TP.HCM cũng đặt mục tiêu thay đổi diện mạo giao thông, tăng kết nối vùng cho TP. Ông cho biết để đạt được mục tiêu này, TP đang tập trung cho các dự án trọng điểm nào?

- Với tổng số vốn đầu tư hơn 66.000 tỷ đồng, TP.HCM đang tập trung cho 5 dự án trọng điểm: Vành đai 2, Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, với Dự án Vành đai 4, TP.HCM sẽ thực hiện đoạn vành đai dài khoảng 17 km, bắt đầu từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai. Tổng số vốn đầu tư cho đoạn đường này khoảng 17.800 tỷ, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Hiện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đang lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; Dự án Vành đai 2 có hai đoạn vành đai đi qua Thành phố Thủ Đức, dài hơn 6km với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách trong năm 2023 để khởi công; Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 50km, sẽ có 23, 7km đi qua TP.HCM, 26,3km đi qua Tây Ninh. Tuyến đường sẽ thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo đó, tổng mức đầu tư của cả dự án khoảng 16.729 tỷ đồng. 

PGS.TS Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học Phổ thông cho ThS.NB.Bùi Hương.

Dự án Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) với quận 7. Hiện Sở GTVT TP.HCM đang đấu thầu chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2023. Công trình dự kiến triển khai theo hình thức BOT; Và Dự án Cầu Cần Giờ, cầu có chiều dài hơn 3,6km với 6 làn xe, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM. Sở GTVT TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tổng vốn đầu tư cầu Cần Giờ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thúc đẩy phát triển Giáo dục và Du lịch

- Mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng Fodor’s Travel của Mỹ đã xướng tên TP.HCM là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á năm 2023. Để xứng đáng với kỳ vọng này, theo ông, TP.HCM cần có những nỗ lực gì trong thời gian tới?

- Năm 2022 vừa qua, ngành du lịch của TP.HCM đã phục hồi và phát triển ấn tượng sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Tổng doanh thu của ngành này trong năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng gần 172% so với cùng kỳ năm ngoái với lượt khách quốc tế đến TP tăng 100%. Trên đà tăng tưởng, TP xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030; triển khai Đề án Du lịch thông minh: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch và tích hợp thông tin dịch vụ du lịch Thành phố.

Theo đó, TP tiếp tục triển khai chiến dịch quảng bá, xúc tiến truyền thông điểm đến và chương trình “TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”; khai thác lợi thế của các kênh truyền thông quốc tế. Tập trung các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các địa phương trên cả nước. Phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch và Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 tại tỉnh Đồng Tháp; tổ chức hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Quảng Ngãi...

Là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực giáo dục, đối với một đô thị lớn nhất nước, ông nhận thấy TP.HCM cần giải quyết những vấn đề gì để gỡ khó và bảo đảm giữ vững tôn chỉ chất lượng giáo dục?

- Với một siêu đô thị như TP.HCM thì sự tăng dân tự nhiên và tăng cơ học rất lớn, cứ mỗi 5 năm là có thêm 1 triệu dân và phần lớn đó là những công dân trẻ, những cặp gia đình trong tuổi sinh con đẻ cái. Cho nên, áp lực về trường học là rất lớn.

TP.HCM có slogan “Thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình”. Có nghĩa là phải xây dựng được một môi trường sống cho người dân một cách văn minh và hiện đại. Muốn làm được như vậy thì tiêu chuẩn của các cơ sở giáo dục, y tế phải đạt chuẩn. TP.HCM vì vậy đang tập trung giải quyết chỗ học cho học sinh. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong quản lý ngành giáo dục, theo quan điểm lãnh đạo của thành phố. Sở GD&ĐT cùng với các Sở ngành liên quan đã được giao nhiệm vụ là phải rà soát toàn bộ, phải có một kế hoạch lâu dài để xây dựng mạng lưới lớp. Trong đó có những đề xuất cụ thể để khai thác quỹ đất dành cho giáo dục một cách tốt hơn và có những biện pháp mang tính đột phá, mang tính sáng tạo và cũng là học tập một số địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng.

Đối với ngành giáo dục thì từ trước đến nay, tôn chỉ của TP.HCM là chất lượng và đó là điều kiện tiên quyết. TP.HCM sẽ luôn cố gắng giữ điều này.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ 3 từ trái qua) và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng (thứ 4 từ trái qua) trao giải nhất tại Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

- Là cơ quan chủ quản của Tạp chí Khoa học phổ thông, UBND TP.HCM đặt kỳ vọng gì cho Tạp chí trong năm mới, thưa ông?

- Hiện nay,Tạp chí đã có nhiều tác phẩm truyền thông trải đều trên các mặt hoạt động của lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng thiết thực trong cuộc sống và sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp, đến các chính sách, chiến lược, đề án của ngành khoa học và công nghệ. Thời gian tới, tôi mong muốn Tạp chí tiếp tục là đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về những chủ trương chính sách, đề án phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách kịp thời, sáng tạo. Tạp chí cần kết nối chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ, các trường, viện để kịp thời lan tỏa những công trình, giá trị sáng tạo cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Tạp chí cần tiếp tục là cầu nối kết nối giữa nhà khoa học - nhà nước – doanh nghiệp, cũng như tăng tính tương tác giữa các bên, nâng cao khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống.

Tôi cũng rất mong Tạp chí sẽ sớm áp dụng những tiến bộ về khoa học và công nghệ của ngành truyền thông cũng như các công nghệ số để từng bước hiện đại hóa, chuyển đổi số hoạt động của Tạp chí. Qua đó, tăng tính lan tỏa và nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS-TS Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 'Mong tạp chí Khoa học Phổ thông tiếp tục là cầu nối của trí thức'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO