Y học

Nhiều nơi đạt 100% tiêm ngừa sởi, nhưng tỉ lệ nhiễm bệnh vẫn cao

Khởi Giao 17/10/2024 06:55

Sau khi công bố dịch sởi, đến nay, chiến dịch tiêm ngừa sởi của TP.HCM đạt trên 95%. Tuy nhiên, một số trẻ không có trong danh sách, không được cập nhật vào hệ thống. Nhiều nơi đạt 100% tiêm ngừa sởi, nhưng tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh vẫn cao.

TP.HCM: Tỉ lệ nhiễm sởi vẫn cao

Tại cuộc họp ngày 16/10 về tình hình dịch sởi trên địa bàn và sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy tổng kết lại tình hình thực tiễn về dịch bệnh.

Qua đó, bà nêu rõ: “Sau khi công bố dịch, đến thời điểm này chúng ta đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đạt tỉ lệ trên 95 %. Tuy nhiên, qua kiểm tra chéo của các đơn vị chuyên môn, xuất hiện tình huống một số trẻ không có trong danh sách, không được cập nhật vào hệ thống.

tran-thi-dieu-thuy.jpg
UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp ngày 16/10 về tình hình dịch sởi trên địa bàn. Ảnh: G. Linh

Cùng với đó, ở một số nơi kết quả tiêm chủng đạt 100 % nhưng tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh vẫn còn cao. Các nhà chuyên môn ở Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đã thông báo rất rõ; từng ngành của thành phố như: Giáo dục, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an TP, Ban chỉ đạo của các quận, huyện đều có những hoạt động triển khai rất mạnh mẽ nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.”

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị, Ban chỉ đạo của các quận, huyện tự rà soát lại, tổ chức liên ngành phù hợp; nghiêm khắc chấn chỉnh các quận, huyện thường xuyên được nhắc tên nhưng kết quả vẫn không khả quan.

“Những trẻ bị nhiễm vào thời điểm thành phố chúng ta đang có dịch sởi, biểu hiện lâm sàng rất rõ, có thể xem là nhiễm bệnh để có biện pháp y tế kịp thời, không cần phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định. Chúng ta phải thống nhất quan điểm đó, toàn diện từ trên xuống dưới. Đối với các trẻ em trên địa bàn Thành phố chưa được rà soát và cập nhật thông tin trên hệ thống cần có giải pháp khắc phục ngay, nhất là nhóm trẻ từ 1 - 10 tuổi”, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBN D TP Trần Thị Diệu Thúy giao Sở Y tế TP.HCM khẩn trương có văn bản đề xuất UBND TP.HCM ký văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép TP.HCM tiến hành tiêm ngừa sởi cho trẻ dưới 6 - 9 tháng tuổi. Với các đối tượng khác cần bao phủ vắc xin, cũng cần có văn bản đề xuất chính thức.

tran-thi-dieu-thuy-1.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện thường xuyên được nhắc tên vì tỷ lệ mắc sởi vẫn còn cao. Ảnh: G.Linh

Đối với Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện ca có dấu hiệu nhiễm bệnh sớm, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, học sinh.

Đối với Công an TP, có văn bản chính thức về tăng cường phối hợp liên ngành ở địa phương, đặc biệt là ở khu phố, khu dân cư để rà soát, cập nhật nhóm lưu trú.

Sở Y tế triển khai rà soát lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để đánh giá xem đã phát huy được năng lực của đội ngũ này hay chưa. Đối với các quận, huyện và TP Thủ Đức, lãnh đạo các địa phương cần trực tiếp chỉ đạo toàn diện trên địa bàn phụ trách.

6 Quận huyện bị điểm tên khi tỉ lệ nhiễm sởi vẫn cao

“Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Quận 12, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi là 6 đơn vị được nêu tên trong danh mục các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng ca nhiễm sởi vẫn còn cao. Tôi chính thức nhắc nhở để các đồng chí coi đây là trọng trách và cố gắng hơn”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

soi.jpg
Theo báo cáo của HCDC, tính đến 13/10/2024, số ca sởi tích lũy là 1079 ca, gồm 851 ca nội trú và 228 ca ngoại trú; tử vong 4 ca. Ảnh tư liệu

Cụ thể theo HCDC, Bình Chánh có 223 ca sởi, cao nhất Thành phố. Số ca tăng cao từ tuần 32 sau đó giảm, nhưng tăng lại tuần 39; tuần 40 và 41 số ca có giảm, cần tiếp tục theo dõi và tích cực thực hiện chống dịch.

Tiến độ tiêm chủng cho trẻ từ 1-10 và tại trường học của Bình Chánh đã hoàn thành, tỷ lệ tiêm đạt trên 95% từ ngày 18/9. Tuy nhiên vẫn ghi nhận số ca bệnh trong độ tuổi tiêm chủng chiến dịch.

Quận Bình Tân có 202 ca sởi, đứng thứ 2 toàn thành. 6 trường trên địa bàn trường ghi nhận có trên 2 ca mắc sởi.

TP. Thủ Đức ghi nhận 122 ca mắc, cao thứ 3 toàn thành, số ca mắc hàng tuần tăng nhanh trong tuần 40. Số trường có trên 2 ca mắc sởi là 4 trường. Mặc dù, tiến độ tiêm ngừa sởi đã hoàn thành, tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh trong độ tuổi tiêm chủng chiến dịch...

Phó Chủ tịch cũng đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và phát huy hiệu quả của các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; Ban chỉ đạo ở lực lượng công an phối hợp cùng ngành y tế tiến hành chuyển dữ liệu để đồng bộ, cập nhật danh sách các nhóm trẻ trên địa bàn.

chich-ngua-soi-tai-tan-kieng-quan-7.png
Sau khi công bố dịch sởi, đến nay, chiến dịch tiêm ngừa sởi của TP.HCM đạt trên 95%. Ảnh tư liệu

Mục tiêu của thành phố là xây dựng dữ liệu sức khỏe dành cho người cao tuổi và năm học này là xây dựng dữ liệu dành cho học sinh; do đó cần có sự đồng bộ liên ngành về dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin.

Nhấn mạnh sự quan trọng của công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý các quận huyện, phương xã cần đẩy mạnh truyền thông cho trẻ ở nhiều lứa tuổi.

Sở Thông tin Truyền thông tiếp tục tuyên truyền thông tin liên quan đến dịch sởi trên địa bàn để vận động, động viên người dân cùng nhắc nhau thạm gia phòng, chống dịch để bảo vệ người thân, gia đình, xã hội.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy cũng chính thức phát động thi đua công bố hết dịch trong thời gian sớm nhất giữa các Ban chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức.

“Quận, huyện nào có tuần đầu tiên không có ca nhiễm mới, những tuần tiếp theo cố gắng giữ. Các quận, huyện địa bàn rộng, dân cư đông, thường xuyên biến động sẽ có nhiều khó khăn trong triển khai nhưng không có nghĩa là không làm được; chúng ta cùng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Theo báo cáo của HCDC, tính đến 13/10/2024, số ca sởi tích lũy là 1079 ca, gồm 851 ca nội trú và 228 ca ngoại trú; tử vong 4 ca. Điều đáng mừng, số ca bệnh nội trú có xu hướng giảm trong 2 tuần qua.

Các ca mắc sởi đều được ghi nhận ở mọi nhóm tuổi. Đặc biệt, trong đó có 16% trẻ 6 - 9 tháng, chưa đủ tuổi tiêm ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm khi có dịch sởi bùng phát; 6% trẻ mắc sởi nằm trong độ tuổi 11 - 17 tuổi, hiện đã ghi nhận ca bệnh tại các trường trung học cơ sở.

Tính đến hết tuần 41, ghi nhận 103 trường có ca bệnh sởi. Trong đó, BìnhTân, TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Tân Phú là các quận huyện có số trường có ca bệnh cao

16/22 quận huyện có số ca sởi mắc mới trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước: Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức.

Qua khảo sát, thực tế chỉ mới tiêm bù được cho 54% trẻ sống trên địa bàn, còn đến 46% trẻ thiếu mũi sống trên địa bàn nhưng chưa được tiêm bù trong chiến dịch; trong đó trẻ có địa chỉ khai báo không thuộc TPHCM còn thiếu 75,9% và trẻ có địa chỉ tại TP là 28,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nơi đạt 100% tiêm ngừa sởi, nhưng tỉ lệ nhiễm bệnh vẫn cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO