Giáo dục

NGƯT.ThS Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM: “Cần đẩy mạnh truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp”

HOÀNG NGUYỄN (thực hiện) 17/08/2024 - 10:03

Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được ban hành năm 2014 và đến năm 2017 các cơ sở trong hệ thống GDNN tổ chức hoạt động và đào tạo theo các quy định của Bộ LĐTB&XH. Đến nay, GDNN đã có những thay đổi quan trọng, phát triển về số lượng cơ sở và quy mô đào tạo. Tuy nhiên, hệ thống GDNN nói chung và TP.HCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc phỏng vấn Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

z5733415584516_07ff04d16354ff7f427f2946c2dc6779.jpg
Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM.

Cần cổng thông tin tuyển sinh riêng cho GDNN

Thưa NGƯT.ThS Lâm Văn Quản, ông nhận thấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong thời gian qua như thế nào?

NGƯT.ThS Lâm Văn Quản: Hệ thống GDNN tại TP.HCM và Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các trường nghề, sự tăng trưởng quy mô tuyển sinh và đào tạo, sự đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo và sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với GDNN. Hệ thống GDNN có nhiều điểm tích cực như: cải tiến chất lượng đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội làm việc thực tế, giảm thiểu khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành; nhiều cơ sở đào tạo đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả học tập, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại,… Điều này đã góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, hệ thống GDNN vẫn cần giải quyết các thách thức hiện tại như: chênh lệch chất lượng đào tạo giữa các cơ sở và khu vực, nhiều sinh viên thiếu hụt kỹ năng mềm, chương trình học chưa cập nhật kịp đang thay đổi nhanh chóng thị trường lao động,…

hoi-giao-duc-nghe-nghiep-tphcm-ky-niem-20-nam-thanh-lap.jpg
Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, tháng 12/2023.

Công tác hướng nghiệp, tuyển sinh thuộc hệ thống GDNN hiện nay có vấn đề gì không, thưa ông?

Hiện nay, công tác hướng nghiệp và tuyển sinh trong GDNN tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về sự thiếu đồng bộ và minh bạch trong quy trình tuyển sinh so với giáo dục đại học. Thách thức lớn nhất đó là thiếu cổng thông tin tuyển sinh riêng nên bị phân tán thông tin, dẫn đến việc thí sinh và phụ huynh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về các chương trình đào tạo, yêu cầu tuyển sinh và quy trình xét tuyển của các cơ sở GDNN. Mỗi trường có thể áp dụng các phương thức xét tuyển khác nhau gây khó khăn cho học sinh trong việc so sánh và lựa chọn.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở GDNN có thể áp dụng các phương thức xét tuyển khác nhau (như xét học bạ, điểm thi, phỏng vấn,…) mà không có một quy định thống nhất. Điều này dẫn đến sự không đồng bộ và khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ và lựa chọn phương án phù hợp.

Ngoài ra, công tác hướng nghiệp GDNN gặp khó khăn do thiếu hỗ trợ định hướng rõ ràng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặc dù có nhiều hoạt động hướng nghiệp nhưng một số trường GDNN vẫn chưa đủ mạnh trong việc cung cấp thông tin và tư vấn cho học sinh về các lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội việc làm cụ thể. Điều này dẫn đến việc học sinh không nắm rõ các thông tin cần thiết để đưa ra quyết định. Công tác hướng nghiệp chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của học sinh và yêu cầu của thị trường lao động, dẫn đến việc lựa chọn ngành nghề không chính xác hoặc không phù hợp.

Vậy theo ông, làm sao để GDNN giải quyết được những bất cập và thách thức đó?

Theo tôi, điều này đòi hỏi GDNN cần có những cải tiến. Cần thiết lập một cổng thông tin tuyển sinh riêng cho GDNN, nơi cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật về các chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển và yêu cầu của các cơ sở GDNN. Điều này sẽ giúp thí sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận và so sánh thông tin. Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa quy trình tuyển sinh cho GDNN, giúp giảm bớt sự phân tán và tạo sự công bằng cho tất cả các thí sinh; nâng cao minh bạch trong quy trình tuyển sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh; tăng cường đào tạo cán bộ tư vấn hướng nghiệp để họ có thể cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo.

Những cải tiến này sẽ giúp cải thiện công tác hướng nghiệp và tuyển sinh trong GDNN, làm cho quá trình này trở nên rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh và yêu cầu của thị trường lao động.

2.tc-khoa-hoc-pho-thong-hoi-gdnn-tphcm-2.jpg
Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông và Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM chụp hình lưu niệm trong buổi làm việc ngày 13/8/2024.

Nghiên cứu khoa học có những bước tiến nhưng quy mô nhỏ

Ông nhìn nhận thế nào về công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các cơ sở GDNN hiện nay, nhất là ở TP.HCM?

Công tác NCKH trong các cơ sở GDNN hiện nay, đặc biệt là ở TP.HCM đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn gặp nhiều thách thức. Trong các cơ sở GDNN tại TP.HCM, hoạt động nghiên cứu khoa học thường được thực hiện với quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào cải tiến chương trình đào tạo và phát triển công nghệ ứng dụng. Một số trường đã thực hiện nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy và các vấn đề liên quan đến ngành nghề cụ thể. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, như cải tiến quy trình đào tạo và phát triển sản phẩm, tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Nhìn chung, NCKH thường chưa được xem là một phần quan trọng trong hoạt động GDNN. Nhiều cơ sở GDNN vẫn ưu tiên hơn cho công tác giảng dạy và đào tạo.

4.truong-cdkt-nhan-gcn-cldt-logistics.jpg
Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM - Hội viên của Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM trở thành trường cao đẳng đầu tiên đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề Logistics, năm 2023.

Ông có thể đề xuất những giải pháp nào để đẩy mạnh NCKH trong hệ thống GDNN?

Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức và khó khăn của GDNN hiện nay như: nhiều cơ sở GDNN thiếu nguồn lực tài chính làm giảm khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn; giảng viên và cán bộ nghiên cứu nhiều khi chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng trong nghiên cứu khoa học; các chính sách hỗ trợ NCKH còn thiếu rõ ràng và đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai và quản lý các dự án nghiên cứu; một số nghiên cứu chưa thực sự gắn kết với nhu cầu thực tiễn của ngành nghề, dẫn đến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu còn hạn chế,…

Vì vậy, để đẩy mạnh NCKH, các cơ sở GDNN cần xây dựng và duy trì quỹ nghiên cứu để hỗ tài trợ cho các dự án nghiên cứu. Các nguồn tài trợ có thể đến từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, và các tổ chức quốc tế. Cần xây dựng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Cơ sở GDNN cần đào tạo và nâng cao kỹ năng NCKH cho giảng viên và cán bộ nghiên cứu, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu bằng các giải thưởng và học bổng. Dự án NCKH cần có sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu và thách thức thực tiễn của ngành nghề. Thực hiện các dự án nghiên cứu gắn liền với các vấn đề cụ thể của ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ NCKH rõ ràng và công bố kết quả nghiên cứu đến cộng đồng học thuật và doanh nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp đề xuất cải thiện về hướng nghiệp, tuyển sinh và NCKH nêu trên, theo ông, cần có thêm những giải pháp nào để GDNN có thể phát triển vững mạnh trong thời gian tới?

Để GDNN phát triển vững mạnh, theo tôi, việc thực hiện các giải pháp cần được triển khai một cách chi tiết và có hệ thống. Một số giải pháp cốt lõi là GDNN cần cải thiện chất lượng đào tạo bằng cách đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo và tăng cường kỹ năng thực hành chuyên sâu cho người học. Cần xây dựng mối quan hệ đối tác để thành lập các Ban, Hội đồng phát triển ngành và hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp; tạo cơ hội thực tập và việc làm cho người học. Cơ sở GDNN cần nâng cao trình độ và năng lực của giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến với nội dung chất lượng cao.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cho GDNN như: hỗ trợ tài chính cho các cơ sở đào tạo (nhất là các cơ sở GDNN ngoài công lập)

và người học bằng các chương trình học bổng, vay vốn ưu đãi; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực GDNN, như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhận thức và giá trị của GDNN. GDNN đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giá trị của GDNN, các cơ hội nghề nghiệp, giới thiệu gương mặt thành công… ở các sự kiện và trên báo chí chính thống.

Sự hợp tác giữa các bên liên quan và việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ là yếu tố quyết định để đưa hệ thống GDNN phát triển bền vững và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Xin cảm ơn NGƯT.ThS Lâm Văn Quản!

Thúc đẩy hợp tác giữa Tạp chí Khoa học phổ thông và Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM

3.tc-khoa-hoc-pho-thong-hoi-gdnn-tphcm.jpg
Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông và Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM trong buổi làm việc ngày 13/8/2024.

Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông và Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM vừa có buổi làm việc trao đổi hợp tác tại Văn phòng của Hội (Quận 3, TP.HCM).

Tại buổi làm việc, NGƯT.ThS Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, Hội hiện có 156 hội viên, trong đó có 38 trường Cao đẳng, 29 trường trung cấp. Hội tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có công tác hướng nghiệp và NCKH. Tuy nhiên, Hội chưa có kênh truyền thông chính thống. NGƯT.ThS Lâm Văn Quản đánh giá Tạp chí Khoa học phổ thông là cơ quan chính thống, phù hợp với tiêu chí của Hội để cùng hợp tác đẩy mạnh truyền thông GDNN, giới thiệu các NCKH đến cộng đồng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Hội GDNN TP.HCM, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, Hội đang đẩy mạnh NCKH cũng như chuyển đổi số trong các trường thành viên và sự đồng hành của Tạp chí Khoa học phổ thông là rất tốt.

Đại diện Tạp chí Khoa học phổ thông, nhà báo Hoàng Công Chương - Thư ký tòa soạn cho biết, so với các trường đại học thì các cơ sở GDNN hiện còn ít thông tin truyền thông trên các kênh chính thống. Thời gian qua, Tạp chí Khoa học phổ thông đã đồng hành hiệu quả cùng nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác truyền thông, hướng nghiệp, tuyển sinh và NCKH. Sự hợp tác với Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM hứa hẹn sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của hai bên trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NGƯT.ThS Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM: “Cần đẩy mạnh truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO