Trợ lý ảo AI đồng hành cùng công tác tuyển sinh và hỗ trợ người học
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, nhiều trường đại học tại TP.HCM đã tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động tư vấn tuyển sinh và hỗ trợ người học.
Nổi bật trong số đó là các mô hình trợ lý ảo – chatbot AI – được phát triển nội bộ bởi chính đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường, vừa giải quyết nhu cầu tiếp cận thông tin 24/7, vừa khẳng định năng lực công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo của nhà trường.
HCMUTE Chat AI – Bước tiến công nghệ đến từ nội lực sinh viên
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) vừa đưa vào vận hành HCMUTE Chat AI – hệ thống trợ lý ảo tích hợp AI (https://chatbot.hcmute.edu.vn/) do sinh viên và cựu sinh viên của trường nghiên cứu phát triển. Công cụ ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), có khả năng phản hồi chính xác các câu hỏi về thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo, chương trình học... một cách linh hoạt và liên tục 24/7.

Đặc biệt, HCMUTE Chat AI còn tích hợp nền tảng tham quan ảo VR 360, kết nối hệ sinh thái thông tin đa phương tiện của nhà trường, từ video, hình ảnh đến hotline tư vấn. Đây là minh chứng cho định hướng đào tạo gắn với thực tiễn của HCMUTE, nơi sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn trực tiếp tham gia sáng tạo sản phẩm công nghệ ứng dụng vào hoạt động nhà trường.
Trong tương lai, nhà trường đặt mục tiêu phát triển HCMUTE Chat AI thành trợ lý ảo đa chức năng, phục vụ toàn diện cho sinh viên, giảng viên và bộ máy hành chính – học vụ. Từ hỗ trợ học tập, tư vấn học vụ đến trợ giảng ảo và phân tích dữ liệu hiệu suất, trợ lý ảo này sẽ là thành tố cốt lõi trong hệ sinh thái giáo dục thông minh mà HCMUTE đang kiến tạo.
Đại diện HCMUTE chia sẻ: “Với sự ra mắt của HCMUTE Chat AI, nhà trường tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Không chỉ là một công cụ hỗ trợ tư vấn tuyển sinh, HCMUTE Chat AI còn là biểu tượng cho tinh thần đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của một đại học kỹ thuật hàng đầu trong kỷ nguyên số”.
IUH định hướng phát triển Chat AI theo hướng cá nhân hóa
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH) cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua hệ thống Chat AI nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn tuyển sinh và hỗ trợ sinh viên (http://tvts.iuh.edu.vn/chat).

Theo TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo IUH, đây là ứng dụng do sinh viên trường tự xây dựng. Khác với phương thức truyền thống như tư vấn trực tiếp tại trường THPT, qua email hay điện thoại vốn tốn nhiều thời gian và nhân lực, Chat AI đã giúp IUH cung cấp thông tin tuyển sinh chính xác, nhanh chóng và liên tục 24/7. Thí sinh và phụ huynh có thể dễ dàng tra cứu thông tin về ngành học, tổ hợp xét tuyển, học phí, phương thức tuyển sinh hay cơ hội nghề nghiệp một cách tiện lợi.
Không chỉ dừng lại ở tư vấn tuyển sinh, Chat AI còn là công cụ thu thập phản hồi người dùng, giúp nhà trường phân tích dữ liệu để cải tiến hoạt động truyền thông, đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục.
Trong thời gian tới, IUH định hướng phát triển Chat AI theo hướng cá nhân hóa – tích hợp với dữ liệu học tập và hồ sơ sinh viên nhằm đưa ra các khuyến nghị phù hợp, như nhắc nhở đăng ký học phần hay tư vấn cải thiện học lực. Nhà trường cũng sẽ kết nối Chat AI với hệ thống LMS, thư viện điện tử, cổng sinh viên và ứng dụng di động, tạo thành hệ sinh thái số toàn diện.
“Việc triển khai Chat AI là bước đi chiến lược, khẳng định cam kết của IUH trong việc xây dựng môi trường học tập hiện đại, lấy người học làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu của giáo dục đại học trong thời đại số” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
UEH AI Chatbot – Tư vấn hướng nghiệp thông minh và bền vững
Không kém cạnh, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cũng vừa ra mắt UEH AI Chatbot – trợ lý ảo hoạt động tại địa chỉ https://aichat.ueh.edu.vn, cung cấp thông tin tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh 24/7.

UEH AI Chatbot được phát triển dựa trên mô hình LLM mã nguồn mở, kết hợp với cơ sở dữ liệu nội bộ liên tục cập nhật, giúp chatbot trả lời chính xác các câu hỏi về chương trình đào tạo, yêu cầu tuyển sinh và hoạt động học thuật tại UEH. Với khả năng mở rộng và tích hợp cao, nhà trường kỳ vọng chatbot sẽ tiếp tục phát triển thành công cụ trợ giảng ảo, tư vấn học vụ, pháp chế, và đo lường hiệu quả học tập – góp phần hiện thực hóa chiến lược “hướng nghiệp bền vững” và xây dựng đại học số.
UEH cũng đang ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực khác như nhận diện – phân loại rác, phát triển trò chơi giáo dục sống xanh và hệ thống giám sát thi trực tuyến, cho thấy một cách tiếp cận toàn diện và hệ thống trong chuyển đổi số.
Theo đại diện UEH, nhà trường định hướng mở rộng chức năng của Chatbot trong tương lai, không chỉ hỗ trợ tuyển sinh mà còn phục vụ toàn diện cho người học, giảng viên và công chức UEH, cụ thể:
- Hỗ trợ người học: Cung cấp thông tin chi tiết về lịch học, chương trình đào tạo, hỗ trợ thắc mắc trong quá trình học tập.
- Tư vấn pháp chế: Giải đáp quy định, chính sách pháp lý liên quan đến giáo dục - đào tạo.
- Triển khai trợ giảng ảo: Mỗi giảng viên sẽ có một trợ lý ảo riêng, hỗ trợ trả lời nhanh các câu hỏi từ sinh viên.
- Đo lường và đánh giá: Thiết lập các tiêu chí đánh giá hiệu quả ứng dụng AI nhằm liên tục cải tiến dịch vụ.
HUIT Chatbot AI – Trợ lý ảo 24/7 từ Viện Chuyển đổi số
Ngày 8/5/2025, Trường Đại học Công Thương TP.HCM (HUIT) chính thức giới thiệu HUIT Chatbot AI – trợ lý ảo tuyển sinh phiên bản đầu tiên do Viện Chuyển đổi số của trường phát triển (https://chatbot.huit.edu.vn/). Sản phẩm được xây dựng trên nền tảng công nghệ AI hiện đại, kết hợp giữa LLMs và mô hình RAG (truy xuất thông tin hiệu quả), cho phép chatbot phản hồi tức thì các thắc mắc về tuyển sinh, ngành học, học phí, học bổng và đời sống sinh viên.

HUIT Chatbot AI có thể hoạt động liên tục trên nhiều nền tảng như website, Zalo, Facebook Messenger... Phiên bản 1 vẫn còn hạn chế, nhưng là bước đệm quan trọng trong hành trình số hóa thông tin tuyển sinh và nâng cao trải nghiệm người học. Trường đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các phiên bản nâng cao trong thời gian tới, mở rộng ứng dụng AI ra toàn bộ hoạt động quản trị và hỗ trợ học tập.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng HUIT, các giải pháp trợ lý ảo AI mà các trường đang áp dụng cho thấy sự chuyển mình rõ rệt của các trường đại học trong cuộc cách mạng chuyển đổi số giáo dục. Không chỉ là công cụ hỗ trợ tuyển sinh, những chatbot này đang trở thành “người bạn đồng hành số” của người học, góp phần hiện đại hóa môi trường giáo dục, cá nhân hóa trải nghiệm học tập và tối ưu hóa vận hành nhà trường.
“Quan trọng hơn, việc các trường giao cho chính sinh viên phát triển những công cụ AI này cũng là minh chứng cho mô hình giáo dục gắn liền với thực tiễn, đào tạo những công dân số sáng tạo, linh hoạt và thích ứng trong kỷ nguyên mới” - Hiệu trưởng HUIT chia sẻ.