Nghị định số 80/2020 được sửa đổi sẽ thúc đẩy nhanh các dự án viện trợ
Các chuyên gia, nhà khoa học kỳ vọng Nghị định số 80/2020 được sửa đổi sẽ thúc đẩy nhanh tính kịp thời của các dự án viện trợ.
Nghị định số 80/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Ngày 10/4, tại TP.HCM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức trực thuộc và thành viên khu vực phía Nam".

Vốn cam kết viện trợ phi chính phủ tại TP.HCM đạt 475 tỷ đồng
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM - cho biết trong năm 2024, TP.HCM đã ghi nhận sự hoạt động và đóng góp đáng kể từ khoảng 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, chủ yếu trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, phát triển cộng đồng và môi trường.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, trong 5 năm trở lại đây, bình quân giá trị cam kết viện trợ cho TP.HCM từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là khoảng 500 tỷ đồng/năm. Năm 2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt 49 hồ sơ tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, với tổng vốn cam kết khoảng 475 tỷ đồng. 32 dự án với tổng vốn khoảng 294 tỷ đồng và 17 phi dự án với tổng vốn khoảng 181 tỷ đồng.
"Những nỗ lực này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố", ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, các đối tác Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nguồn viện trợ. Đối tác Việt Nam thật sự là cầu nối giữa các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng.
Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo
Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội, nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ý kiến, kinh nghiệm cũng như khó khăn trong quá trình triển khai các quy định, chính sách nhằm nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế.
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết Nghị định số 80/2020 của Chính phủ về quản lý viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức khi triển khai còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, quy trình còn phức tạp yêu cầu loại giấy tờ liên quan, gây khó khăn cho các tổ chức và cá nhân thực hiện; quy trình phê duyệt kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến tính kịp thời của các dự án viện trợ. Cơ chế để kết nối giữa tổ chức nhận viện trợ, cơ quan quản lý và nhà tài trợ đôi khi không được thiết lập hoặc vận hành hiệu quả,...
Theo đó, ông Nam kiến nghị nghiên cứu tham mưu đơn giản hóa quy trình và thủ tục phê duyệt, tiếp tục nhắc nhở các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện thủ tục thông báo hoạt động, hoàn thiện bộ công cụ liên thông nhằm đáp ứng nhanh, hiệu quả công tác thông tin xuyên suốt.
Tại hội thảo, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM - cho rằng quản lý dự án hợp tác quốc tế tại Việt Nam là một quá trình đòi hỏi sự linh hoạt, khả năng điều chỉnh chiến lược và hiểu biết sâu sắc về các yếu tố văn hóa, pháp lý và môi trường kinh tế. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thành công hay thất bại của dự án. Để đạt được kết quả tối ưu, các nhà quản lý không chỉ chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật, tài chính, mà còn phải xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên liên quan, đặc biệt là đối tác quốc tế.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức khoa học công nghệ ở khu vực phía Nam trực thuộc Liên hiệp hội và các đơn vị có liên quan đã tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 80/2020 và các quy định khác. Bên cạnh những thuận lợi, các đơn vị cho biết còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ở khâu thẩm định và phê chuẩn các dự án viện trợ.
Trên thực tế, Nghị định số 80/2020 đã cởi mở, trao trách nhiệm cho chủ dự án. VUSTA tham gia với tư cách là cơ quan chủ quản, đòi hỏi phải chịu trách nhiệm về vấn đề hoạt động của các tổ chức thành viên. Ở khâu quản lý, các đơn vị phải chịu sự quản lý của nhà tài trợ và VUSTA.
"VUSTA quản lý theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhà tài trợ quản lý theo quy định của nhà tài trợ, điều này tạo nên độ vênh khi triển khai thực tế", PGS.TS Phạm Ngọc Linh nói.
Do đó, PGS.TS Phạm Ngọc Linh cho biết, sắp tới đây, việc sửa đổi Nghị định số 80/2020 giải phóng hơn cho việc quản lý, đặc biệt là đối với các dự án viện trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, các chủ dự án được giao quyền và chịu trách nhiệm nhiều hơn với dự án.