Đời sống

Làng nghề lư đồng An Hội tham gia triển lãm ảnh “Nghề truyền thống Việt”

Trúc Nhã 02/08/2024 - 13:07

Là người con sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, chứng kiến cảnh các hộ sản xuất của làng nghề lư đồng An Hội vẫn ngày ngày gắn với bếp lửa và tâm huyết giữ nghề thống đã truyền cảm hứng sâu sắc cho nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tìm đến. Đây cũng chính là làng nghề đúc lư đồng duy nhất còn tồn tại ở TP.HCM

Vào ngày 01/8, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã giới thiệu cuốn sách ảnh cùng triển lãm mang tên “Nghề truyền thống Việt” với các làng nghề trải dài từ Bắc đến Nam. Làng nghề lư đồng An hội là 1 trong 45 bộ ảnh mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong giới thiệu trong dự án lần này.

hinh-2.jpg
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cùng cuốn sách ảnh "Nghề truyền thống Việt"

An Hội vẫn ngày ngày đều đặn đỏ lửa

Làng nghề lư đồng An Hội nằm trên đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, TP. HCM, nơi đây nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo. Hình thành từ cuối thế kỷ 19 và trải qua hơn trăm năm, làng nghề lư đồng An Hội vẫn đỏ lửa, lưu giữ được gần như đầy đủ những tinh hoa của ông cha truyền lại.

Tất cả các công đoạn sản xuất đều được làm thủ công bằng tay, từ làm khuôn đến điêu khắc hoạ tiết để đảm bảo sản phẩm tạo ra đều mang dấu ấn riêng của nghệ nhân. Tiếng gõ búa của những thợ đúc, tiếng dùi trạm trổ hoa văn vẫn vang lên đều đặn hằng ngày như minh chứng cho sức sống của một làng nghề, dù trải qua thăng trầm theo năm tháng, vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp cổ truyền của dân tộc.

z5691616419789_bbc7acb3a7d0beaf094912c29c57f2f5.jpg
Làng nghề lư đồng An Hội - làng nghề đúc cuối cùng của TP.HCM vẫn ngày ngày cố gắng giữ lửa, duy trì làng nghề truyền thống

Sau hơn một thế kỷ, làng nghề lư đồng An Hội đã giảm từ 24 cở sở xuống còn 4 cơ sở đang hoạt động. Dù trải qua nhiều thăng trầm và sự cạnh tranh của lư đồng công nghiệp sản xuất đại trà bằng máy, song nghề làm lư đồng An Hội thủ công vẫn giữ được nét đặc trưng riêng, sự tinh tế, thẩm mỹ qua từng đường chạm khắc trên lư.

Là một người dân sống tại TP.HCM lâu năm, anh Nguyễn Văn Cường đã dành hơn 10 phút để ngắm lại làng nghề lư đồng An Hội. Anh cho biết tuy ở TP.HCM đã lâu nhưng hôm nay đến buổi triển lãm rất ngạc nhiên vì không ngờ thành phố mình có một làng nghề đúc lư đồng đặc biệt đến như vậy.

“Ngay giữa một thành phố phát triển, máy móc đã được hiện đại mà còn giữ được một làng nghề hoàn toàn thủ công rất là đáng quý. Qua những hình ảnh của tác giả đã phần nào đã giúp tôi cảm nhận được tâm huyết và sự gắn bó với nghề của người dân làng lư đồng An Hội. Ngoài ra, đây là những tài liệu rất đáng quý để người xem như chúng tôi có thể biết và yêu hơn các làng nghề truyền thống của Việt Nam”, anh Cường bày tỏ.

hinh-1.jpg
Anh Nguyễn Văn Cường (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) ngắm ảnh làng nghề làm lư đồng An Hội tại TP.HCM

10 năm theo chân làng nghề truyền thống Việt

10 năm xuôi ngược Nam Bắc, sau hàng trăm chuyến đi với hơn 20 nghìn tệp ảnh lưu lại ký ức về 66 làng nghề, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã dành khoảng 1 năm để chọn ra 45 bộ ảnh để thực hiện cuốn sách ảnh cùng triển lãm mang tên “Nghề truyền thống Việt”.

hinh-3.jpg
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong phát biểu trong buổi ra mắt sách và triển lãm “Nghề truyền thống Việt”

Những làng nghề được tác giả lựa chọn là những làng nghề thủ công, chưa có sự xuất hiện nhiều của máy móc, mang nét độc đáo, đặc trưng của các vùng miền để giới thiệu đến với khán giả. Chính niềm đam mê, cố gắng giữ lửa nghề đã truyền cảm xúc mạnh mẽ để tác giả bấm máy và thực hiện dự án lần này.

z5689476425632_b15786ad194696a4d3a29ae8bc098ea6.jpg
Thông qua quyển sách ảnh và buổi triển lãm, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa các làng nghề truyền thống tại Việt Nam

“Nghề truyền thống Việt” là quyển sách ảnh thứ 13 và triển lãm cá nhân thứ 19 trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tác giả. Trong sách, người xem có thể dễ dàng bắt gặp trong các khung hình do nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tạo ra chính là sự chịu thương, chịu khó của người thợ thủ công ở các làng nghề: Từ nghề làm giấy bản (Cao Bằng), nghề đúc gang Mỹ Đồng (Hải Phòng), nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Bình), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế), nón lá Bình Định, đúc đồng (TP.HCM),…

hinh-6.jpg
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ghi lại khoảnh khắc lao động tại làng ghề đúc gang ở Hải Phòng.
a-2-trthphong-ok-2820.jpeg
Làng nghề làm lồng đèn ở Hội An (Quảng Nam).

Chia sẻ về ý tưởng và quá trình thực hiện cuốn sách, nghệ sĩ Trần Thế Phong cho biết, Việt Nam có hàng trăm làng nghề truyền thống, đây là một di sản, nét văn hóa rất đẹp của Việt Nam. Theo thời gian, sự phát triển của khoa học công nghệ, những làng nghề dần bị thay thế bởi những phương thức sản xuất mới.

“Chứng kiến những đổi thay theo thời gian tôi muốn tôn vinh, lưu giữ những giá trị di sản còn sót lại và giới thiệu đến các bạn trẻ về các làng nghề truyền thống của Việt Nam mình. Tôi đã dành khoảng 10 năm âm thầm khám phá các làng bản và ngõ hẻm, nơi có những làng nghề truyền thống làm sản phẩm thủ công tinh tế của từng vùng miền để đồng hành cùng người lao động, hỏi thăm câu chuyện từ họ và ghi lại những khoảng khắc hằng ngày”, nghệ sĩ Trần Thế Phong nói.

hinh-4.jpg
Tác giả cùng các bạn bè đồng hành cắt bánh kem chúc mừng ra mắt sách “Nghề truyền thống Việt”

Trong 10 năm theo đuổi chủ đề này, tác giả gặp không ít khó khăn phải đối diện. Có nhiều làng nghề không còn sôi động như trước, thậm chí chỉ còn vài hộ dân giữ nghề. Có khi đến thì mọi người ngừng sản xuất vì không có đơn hàng. Thời tiết cũng là yếu tố tác động không nhỏ, nên có lúc đã đến nhưng đành hẹn dịp sau.

img-4873-3329.jpeg
Bộ ảnh về nghệ nhân Trần Thị Có, người khiếm thị làm nghề nón lá hơn 50 năm qua, trong sách ảnh "Nghề truyền thống Việt" của Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.

Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng là một trong những khách mời tham dự triển lãm và xem qua quyển sách. Chị ấn tượng vì có nhiều góc ảnh đẹp, biết thêm một số làng nghề không phổ biến. “Theo tôi, đây cũng là cách giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu thông qua việc xem các bức ảnh này. Tôi thích nhất về nghề viết chữ trên lá buông của người Khmer. Khi nghiên cứu, chúng tôi biết về nghề này, cũng xem các thầy làm. Nhưng để chụp được những khoảnh khắc đẹp như thế thì rất khó. Tôi cũng ghi chú lại một vài làng nghề để giới thiệu cho một số bạn bè làm công tác nghiên cứu” - Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng chia sẻ.

z5688139108228_ee03e85d1344fbd130d0fd5d8bb4acd6.jpg
Bộ ảnh nghề viết chữ trên lá Buông của người Khmer ở An Giang

Dõi theo suốt nhiều dự án của tác giả Trần Thế Phong, chị Kiều Hải Chuyên (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận định: "Có thể nói đây là dự án đặc biệt nhất của tác giả. Với những bộ ảnh trước chỉ ghi nhận hình ảnh đời thường, đây là lần đầu tiên anh Phong khai thác rất đặc biệt theo hướng văn hóa và phải thực hiện hàng trăm chuyến đi để theo chân ghi lại nhịp sống ở các làng nghề. Đây là một quyển sách, một triển lãm ảnh rất là đắc giá vì không chỉ ghi lại nhịp sống, vẻ đẹp các làng nghề mà qua đó còn giúp khơi gợi trong lòng người xem có một tình yêu với các làng nghề truyền thống Việt," chị Hải Chuyên bày tỏ.

hinh-5.jpg
Các vị khách ngắm bộ ảnh về nghề làm bánh tráng (Phú Yên).

Trong quyển sách thứ 13 này, tác giả Trần Thế Phong đã tăng thử thách cho mình bằng cách in giới hạn chỉ 100 cuốn với chất lượng giấy được chọn lọc. Đồng thời tác giả mong muốn tôn vinh nghề truyền thống Việt và tôn vinh sức lao động bền bỉ của người dân Việt qua năm tháng với những chất liệu giấy in tốt. Tác giả đã lựa chọn giấy in ảnh và giấy lót được chọn từ giấy mỹ thuật của Italy; bìa sách là chất liệu giấy của Hà Lan; đây là những chất liệu thân thiện với môi trường.

img-4871-5175.jpeg
Quyển sách ảnh "Nghề truyền thống Việt" dày 200 trang của tác giả Trần Thế Phong

Trong quyển sách ảnh dày 200 trang lần này, điều khiến tác giả Trần Thế Phong tâm đắc là đã làm bật nên được vẻ đẹp bình dị, gần gũi của các nghệ nhân và những người thầm lặng gắn bó với nghề truyền thống. Họ tin bằng tình yêu, nghề truyền thống sẽ được bảo tồn, phát triển dù cuộc sống hiện đại đặt ra khá nhiều thử thách. Bên cạnh việc giới thiệu nét đẹp về nghề truyền thống đến độc giả trong nước, thông qua quyển sách tác giả còn muốn chung tay quảng bá văn hóa, di sản Việt đến rộng hơn với bạn bè quốc tế.

Những quyển sách ảnh đã được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho ra mắt: Gánh, Những nẻo đường tuổi thơ, Vượt qua bóng tối, Ánh sáng cuộc sống, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn, Sài Gòn COVID-19, Cười, Sài Gòn COVID-19 (2021), Bóng. Anh từng nhận trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước: 16 lần đoạt giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia, 12 lần giải thưởng xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 huy chương Asahi Shimbun (Japan),…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề lư đồng An Hội tham gia triển lãm ảnh “Nghề truyền thống Việt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO