Đô thị

Đường sắt đô thị sẽ giúp TP.HCM giải quyết điểm nghẽn về giao thông hiện nay

Song Hòa13/06/2024 - 19:21

Sáng 13/6, Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, đã thảo luận về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vốn đầu tư cho đường sắt đô thị phải từ ngân sách nhà nước

ct.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, giai đoạn 2030-2040, TP.HCM sẽ hình thành 5 thành phố mới như TP. Thủ Đức, triển khai đồng bộ, toàn diện theo mô hình đô thị đa trung tâm. Như vậy, đường sắt đô thị sẽ là một trong những phương thức kết nối.

Nói về số vốn 36 tỷ USD để làm 220 km đường sắt đô thị tại TP.HCM trong 11 năm (mỗi năm khoảng 3 tỷ USD), ông Mãi khẳng định, sau khi tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến, nghiên cứu kỹ càng thì con số này không phải quá lớn. Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh vốn đầu tư cho đường sắt đô thị phải từ ngân sách nhà nước, chỉ một số hạng mục có thể từ nguồn lực xã hội.

"Khi tới Busan (Hàn Quốc), tôi thấy rằng nguồn thu từ vé, từ đất, từ quảng cáo của đường sắt đô thị ở đây chiếm 40-50%, còn lại hằng năm ngân sách phải cấp bù. Người ta cũng có cơ chế để khai thác TOD quỹ đất để cấp bù từ đó", ông Mãi lấy ví dụ.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng đặt vấn đề, không cần phải vay ODA, mà có thể vay ngay trong người dân bằng chương trình trái phiếu đường sắt đô thị.

"Nếu chúng ta phát hành trái phiếu đô thị dưới tên gọi là trái phiếu đường sắt đô thị TP.HCM với lãi suất có thể bằng hoặc cao hơn trái phiếu Chính phủ thì mỗi năm, hệ thống ngân hàng của Thành phố có thể huy động 3 tỷ USD là chuyện bình thường. Nguồn vốn không phải là vấn đề lớn đối với ngân sách Thành phố. Vấn đề là cơ chế, chính sách", ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, đường sắt đô thị sẽ giúp TP.HCM giải quyết điểm nghẽn về giao thông hiện nay, đồng thời giúp cho mô hình đô thị đa trung tâm triển khai thuận lợi hơn.

Theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2045, Thành phố xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 220 km, số vốn 36 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay, TP.HCM mới hoàn thành 90% tuyến số 1 dài gần 20 km (Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên).

Đến năm 2035, xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết , dự án đầu tư đường sắt đô thị tại TP.HCM là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ và quy hoạch TP.HCM, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trên địa bàn TP…

tql.jpg
Đồng chí Trần Quang Lâm phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, về định hướng định hướng phát triển đường sắt đô thị tại TP.HCM, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP xác định vai trò của đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP; phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới…

Vì vậy, TP huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, bền vững; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác phát triển giao thông đường sắt đô thị; bám sát định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển đường sắt đô thị.

Cụ thể, TP tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thế, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, chế tạo phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ vận hành, bảo dưỡng đường sắt đô thị.

Ngoài ra, TP huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Trong đó, Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035; xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM.

Về mục tiêu chung, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, TP xác định phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM; hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của TP, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2035, TP xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị (loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn, tần suất cao), cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 1 với 40,8km/40,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 2 với 20,22km/62,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 với 29,53km/62,17km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 với 36,82km/43,4km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 với 32,5km/53,87km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 với 22,85km/53,8km.

Đến năm 2045, TP sẽ xây dựng thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km, cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 2, với 42,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 3, với 32,64km; Tuyến đường sắt đô thị số 4, với 6,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 5, với 21,37km; Tuyến đường sắt đô thị số 6, với 30,95km; Tuyến đường sắt đô thị số 7, với 51,23km/51,23km. Đến năm 2060, TP sẽ xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 theo dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km…

Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quang Lâm cho biết, trong Đề án gồm 6 nhóm với 28 cơ chế; trong đó có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt đô thị sẽ giúp TP.HCM giải quyết điểm nghẽn về giao thông hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO