Dự báo tăng trưởng cuối năm của Việt Nam vẫn đạt mức kỳ vọng

Khởi Giao| 03/09/2022 21:15

KHPTO - Dự báo tăng trưởng cuối năm của Việt Nam vẫn đạt mức kỳ vọng; lạm phát có thể được kiểm soát nếu nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu không ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến Việt Nam.

Phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chưa vững chắc. Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm áp lực lạm phát, giảm bất ổn tài chính.

Những tháng đầu năm 2022, thế giới xảy ra hàng loạt các biến cố lớn. Xung đột Nga - Ukraina kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa và kéo theo sự phân chia ảnh hưởng quyền lực của các liên minh đối đầu.

Các quốc gia trên thế giới hầu hết đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược Zero Covid cũng đã tác động mạnh mẽ đến sự hồi phục của nhiều quốc gia trên thế giới.

Các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, tạo ra sự không chắc chắn về chính sách và nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự phân mảnh trong hệ thống thương mại, đầu tư và tài chính toàn cầu.

Sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đang bị kìm hãm do giá năng lượng tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tăng trưởng dự kiến giảm rõ rệt vào năm 2022 - đặc biệt khu vực đồng Euro và những quốc gia có liên kết chặt chẽ với Nga.


Bình quân 7 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. Ảnh minh họa.

Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu theo hướng kém tích cực hơn. Cụ thể, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ mức 4,5% xuống còn 3% trong năm 2022.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống còn 3,6%.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,9%, giảm 1,2% so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị tác động nhiều từ tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới.

Trong năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng quý 3/2021 ­- 6%, các ngành dịch vụ đều tăng trưởng âm.

Năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát dần dần và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất dần được phục hồi.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly đối với khách nước ngoài nên du lịch Việt Nam đang phục hồi, đón nhiều đoàn khách quốc tế.

Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018-2019.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy tăng trưởng kinh tế trong hai quý đầu cao hơn các kịch bản đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết 01/NQ-CP.


Hiện nay, cơ bản dịch Covid đã được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh. Ngành du lịch đang bắt đầu được phục hồi. Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 7 tháng đầu năm tăng 8,8% (so với cùng kỳ năm 2021 là 7,6%). Trong đó, ngành chế biến chế tạo đạt mức 9,7%. Chỉ số xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD.

Trong nửa đầu năm 2022, xu hướng lạm phát đã lan rộng trên toàn cầu và ở mức rất cao tại nhiều nền kinh tế mới nổi trên thế giới, như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil và đang có xu hướng tăng nhanh tại khu vực Trung và Đông Âu, Mỹ La-tinh, Mỹ, Anh.

Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê dự báo: Lạm phát trong tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với tháng 12/2021.

Hầu hết các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu các đợt gia tăng lãi suất lớn trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Chính sách tiền tệ lỏng kéo dài cả thập kỷ đã kết thúc (FED). Các nhà hoạch định chính sách của FED dự báo có thể tăng lãi suất 75 điểm trong bối cảnh lạm phát dai dẳng nhưng tỷ lệ tăng trưởng việc làm và tiền lương vẫn ổn định.

Nếu lạm phát vẫn ở mức cao, lạm phát kỳ vọng có thể tăng lên, điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá và tiền lương. Lạm phát kỳ vọng gia tăng sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách hơn so với dự báo, điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế và một số nước có thể rơi vào suy thoái.

Đồng thời, một số rủi ro khác có thể xảy ra - các đợt bùng phát Covid mới ở Trung Quốc với các đợt đóng cửa tiếp theo hoặc một đợt tăng giá năng lượng mới do xung đột quân sự ở Ukraine. Điều này làm tăng khả năng lạm phát trên thế giới, có thể đạt đỉnh trong thời gian tới và kéo dài lâu hơn dự đoán.

Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu tương đối lớn, đặc biệt nguyên vật liệu sản xuất. Vì vậy, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam.

Nhu cầu tiêu dùng trong dân cũng rất lớn, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao. Có thể thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức ổn định 4% và đạt mức tăng trưởng 7% là thách thức trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước sẽ tạo áp lực lên lạm phát, làm tăng chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ mức 6,6% lên mức 6,9% (HSBC), Ngân hàng Standard Chartered thậm chí dự báo tăng trưởng Việt Nam ở mức 10,8%.

Thực tế, Việt Nam vẫn là nước có mức độ tăng trưởng tốt trong khu vực, vượt quá kỳ vọng và xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Một phần nhờ các chính sách linh hoạt trong việc kiểm soát lạm phát, bình ổn chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo tăng trưởng cuối năm của Việt Nam vẫn đạt mức kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO