Giáo dục

ĐHQG TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI

Hoàng Nguyễn 08/04/2024 - 16:22

Đại học Quốc gia TP.HCM đẩy mạnh hợp tác chiến lược nghiên cứu, phát triển AI nhằm mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng AI.

Chiều ngày 8/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM) và Đại học Deakin (Úc) đã tổ chức Lễ ký kết biên bản hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo về AI và một số lĩnh vực khác.

dhqg-tphcm-hop-tac-deakin-1-.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM và GS. Iain Martin, Hiệu trưởng Đại học Deakin chủ trì Lễ ký kết.

Mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng AI của cả nước và khu vực

Tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, sự kiện nhằm thực hiện chiến lược phát triển của ĐHQG TP.HCM giai đoạn 2021-2030 là đẩy mạnh phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu của ĐHQG TP.HCM hướng đến là trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng AI của cả nước và khu vực. Trên cơ sở hơn 10 năm hợp tác nghiên cứu và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các giáo sư của Viện Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng - Applied Artificial Intelligence Institute (A2I2) trực thuộc Đại học Deakin, ĐHQG TP.HCM xác định Đại học Deakin là đối tác hợp tác chiến lược trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong thời gian tới, hai bên thống nhất đẩy mạnh phát triển các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin, đặc biệt nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề lớn của ngành Y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính công, xây dựng đô thị thông minh … tại Việt Nam, góp phần cùng TP.HCM thực hiện Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. HCM giai đoạn 2020-2030”.

Bên cạnh đó, không giới hạn ở hợp tác đào tạo chương trình liên kết đã được hai bên thực hiện từ nhiều năm qua, biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa ĐHQG-HCM và Đại học Deakin ghi nhận cam kết của hai bên trong triển khai đồng thời nhiều lĩnh vực hợp tác. Hai bên sẽ hợp tác đào tạo và nghiên cứu ở các lĩnh vực: Y tế cộng đồng, Công nghệ sinh học, Sản xuất tiên tiến, Chuyển đổi số, Nông nghiệp, Môi trường, Phát triển bền vững và Thích ứng Biến đổi Khí hậu; Hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị đại học và quản lý công cho lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Hai bên sẽ cùng gia tăng số lượng và quy mô chương trình trao đổi sinh viên, cung cấp cơ hội thực tập nghiên cứu tại Đại học Deakin cho sinh viên ĐHQG TP.HCM; Phát triển cơ chế thúc đẩy nhà khoa học của hai bên kết nối, cùng thực hiện các dự án nghiên cứu, đồng tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; Phối hợp đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ cho ĐHQG TP.HCM thông qua Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đề án 89).

Đại học Deakin, Úc, được xếp hạng trong tốp 1% các trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Times Higher Education năm 2024. Với sứ mệnh cung cấp một môi trường học tập, nghiên cứu đa dạng và chất lượng cao, Deakin không ngừng tạo điều kiện cho sinh viên và các nhà khoa học có trải nghiệm học tập, nghiên cứu tốt nhất cũng như cơ hội thực hiện các dự án và nghiên cứu đột phá.

Một trong những điểm mạnh hàng đầu của Deakin là chương trình đào tạo linh hoạt, với hơn 200 lĩnh vực đào tạo khác nhau, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và tích hợp các ứng dụng công nghệ mới nhất trong dạy và học. Nhờ đó, sinh viên tốt nghiệp của trường có thế mạnh cạnh tranh cao trong tuyển dụng. Theo Khảo sát kết quả sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2020-2022 tại Úc, 92,4% sinh viên tốt nghiệp từ Deakin có việc làm trong vòng 4 tháng với thu nhập cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Hơn 800 giảng viên, sinh viên tham dự "Bài giảng đại chúng" về AI

Ngay sau Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược, ĐHQG TP.HCM và Đại học Deakin đã đồng tổ chức chương trình "Bài giảng đại chúng về AI" với sự tham gia của các chuyên gia AI hàng đầu của hai đại học. Tại chương trình này, các chuyên gia AI đã chia sẻ và thảo luận với hơn 800 giảng viên, sinh viên của ĐHQG TP.HCM về các thành tựu mới nhất, các thách thức cũng như khả năng ứng dụng của AI trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong Y tế và nghiên cứu Y sinh.

dhqg-tphcm-hop-tac-dai-hoc-deakin-2-.jpg
GS. Iain Martin, Hiệu trưởng Đại học Deakin phát biểu mở đầu chương trình.
dhqg-tphcm-hop-tac-dai-hoc-deakin-1-.jpg
Hơn 800 giảng viên, sinh viên của ĐHQG TP.HCM tham dự "Bài giảng đại chúng" về AI.

GS. Trần Thế Truyền, Trưởng nhóm AI, Y tế và Khoa học, Viện A2I2, Đại học Deakin trình bày "AI Tạo sinh: Thay đổi bối cảnh của AI". Bài giảng phân tích cách mà AI tạo sinh, một công nghệ đột phá đang thay đổi cách chúng ta sáng tạo, đổi mới và giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực đã tạo nên thay đổi đột phá bối cảnh công nghệ như thế nào. Bài giảng cũng giới thiệu các khái niệm cơ bản về AI tạo sinh; chỉ ra tiềm năng của AI tạo sinh trong biến đổi các ngành công nghiệp, "bình dân hóa" sáng tạo, thúc đẩy hợp tác người – máy; và phân tích cách AI tạo sinh có thể tăng cường trải nghiệm học tập, thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và mở ra các lối đi mới cho nghiên cứu và đổi mới đồng thời quản lý các rủi ro tiềm ẩn.

Chủ đề "AI cho sự thúc đẩy khám phá khoa học" được diễn giả là GS. Sunil Gupta, Trưởng nhóm Trí tuệ Nhân tạo, Tối ưu hóa và Khám phá Vật liệu, Viện A2I2, Đại học Deakin trình bày. Bài thuyết trình giới thiệu các bước tiến đáng kể của AI trong việc giải quyết các thách thức trong thực tế như ra quyết định tự động, thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Với tiềm năng to lớn của mình, AI có triển vọng cách mạng hóa các lĩnh vực khoa học, lĩnh vực chìa khóa cho sự sống còn và tiến bộ của loài người. Tuy nhiên, sự khan hiếm của dữ liệu khoa học quy mô lớn để huấn luyện các mô hình AI vẫn là một rào cản. GS. Gupta đi sâu vào phân tích các phương pháp AI lấy mẫu hiệu quả, nhiều tiềm năng trong thúc đẩy các tiến bộ khoa học. Các chủ đề được trình bày bao gồm: khai thác AI để nhanh chóng phát triển các sản phẩm và quy trình mới nhằm đáp ứng các mục tiêu cụ thể; sử dụng AI để đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng, tạo điều kiện đạt được các phát kiến kịp thời để tạo ra các can thiệp, liệu trình và phương pháp điều trị hiệu quả.

"Ứng dụng AI và tương tác máy tính con người trong Y tế thông minh" được trình bày bởi PGS. TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Bài giảng giới thiệu về các ứng dụng đột phá của AI và Tương tác Người-Máy (HCI) trong chăm sóc Sức khỏe Thông minh, nhấn mạnh vào các lĩnh vực quan trọng như phân loại từ hình ảnh X-quang, CT hoặc MRI, phân đoạn polyp, phân đoạn 3D, và tích hợp Thực tế Ảo (AR) và Thực tế Ảo tăng cường (VR) vào đào tạo trong lĩnh vực y tế, phục hồi chức năng và trị liệu. Thông qua các nghiên cứu trường hợp và xu hướng mới, bài giảng làm sáng tỏ tiềm năng to lớn của AI và HCI trong cải tiến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy hợp tác liên ngành và giải quyết các thách thức về quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin để đưa chăm sóc sức khỏe thông minh dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn và tập trung vào bệnh nhân hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHQG TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO