Giáo dục

ĐHQG-HCM tiên phong thúc đẩy mô hình "hợp tác 3 nhà"

HOÀNG NGUYỄN 22/02/2025 - 20:49

Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tiên phong thúc đẩy mô hình "hợp tác 3 nhà" nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để cùng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Chiều 22/2, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tổ chức Ngày hội kết nối Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp.

Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo 15 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kiên Giang); lãnh đạo các doanh nghiệp; Ban Giám đốc ĐHQG-HCM cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc.

Liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là hướng đi tất yếu

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM luôn kiên định với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp. Kiên định trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới, phục vụ cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước.

Trước xu thế gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa giáo dục đại học và phát triển kinh tế - xã hội, ĐHQG-HCM xác định vai trò tiên phong trong thúc đẩy mô hình “hợp tác 3 nhà” - liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là hướng đi tất yếu.

pgs-ts-nguyen-minh-tam-pho-giam-doc-dhqg-tphcm-1.jpg
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

ĐHQG-HCM đã không ngừng mở rộng hợp tác với 31 địa phương và hơn 200 doanh nghiệp, tập đoàn trên nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đến hỗ trợ học bổng và tư vấn chính sách. Giai đoạn 2021-2024, các hợp tác với địa phương và doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ với số văn bản ký kết tăng 387% (348/90 văn bản) và hoạt động phối hợp tăng 248% (742/261 hoạt động) so với giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, hợp tác hiện nay vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có kế hoạch hành động cụ thể và bền vững. Các hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng khoa học - công nghệ và đội ngũ chuyên gia của ĐHQG-HCM. Do đó, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp.

"Bước vào giai đoạn phát triển mới với những biến động của nền kinh tế toàn cầu, ĐHQG-HCM ý thức sâu sắc trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực sáng tạo, có khả năng tự học và đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Sự kết nối chặt chẽ giữa 3 bên không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà còn tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Với niềm tin vững chắc, tinh thần hợp tác cùng có lợi, chúng ta hãy chung tay vượt qua thách thức, hướng tới một tương lai phát triển bền vững", PGS.TS Nguyễn Minh Tâm khẳng định.

Nhiều bất cập giữa đào tạo đại học và thực tế

Nhằm tìm kiếm giải pháp để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài trong hợp tác 3 bên, ĐHQG-HCM tổ chức Tọa đàm “Liên kết Đại học - Địa phương - Doanh nghiệp: Hợp lực vì sự Phát triển Kinh tế và Xã hội”. Đây là cơ hội để các bên chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách trong hợp tác ba bên, qua đó nâng cao chất lượng hợp tác và tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ thống giáo dục, doanh nghiệp và địa phương.

toa-dam-2.jpg
Các đại biểu tham gia tọa đàm Liên kết đại học – địa phương – doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, Trưởng Ban Cố vấn Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG-HCM nhận định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự kết nối chặt chẽ giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững. Đây chính là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, với khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, định hướng đạt hơn 60% vào năm 2045. Nghiên cứu và phát triển (R&D) là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Sự thiếu gắn kết giữa đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp đang tạo ra khoảng cách lớn giữa lý thuyết và ứng dụng, gây lãng phí . Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng khoa học – công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế.

ong-pham-phu-ngoc-trai.jpg
ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ i tại tọa đàm.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, hiện nay, hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam với hơn 90% vẫn thuộc quản lý nhà nước, đang chịu rào cản về chính sách và cơ chế, khiến việc hợp tác với doanh nghiệp trở nên kém linh hoạt. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế rõ ràng để đặt hàng nghiên cứu hoặc phối hợp đào tạo, dẫn đến nhiều nghiên cứu khoa học còn mang tính hàn lâm, thiếu tính ứng dụng thực tế.

Việt Nam có hơn 2 triệu sinh viên theo học mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành (Tổng cục Thống kê, 2023). Con số này phản ánh sự chưa cân đối giữa chương trình đào tạo đại học và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, chất lượng đầu vào của sinh viên Việt Nam được đánh giá khá tốt, nhưng đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở ba khía cạnh quan trọng: Kỹ năng mềm (sinh viên thiếu kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và khả năng làm việc nhóm); Khả năng thích nghi (môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng học hỏi nhanh, nhưng nhiều sinh viên vẫn còn thụ động, phụ thuộc vào lý thuyết sách vở); Năng lực ứng dụng thực tiễn (chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, ít thực hành, dẫn đến việc sinh viên không có đủ kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngay sau khi ra trường).

Sự chênh lệch này đẩy doanh nghiệp vào thế khó: họ phải dành nguồn lực đáng kể để đào tạo lại nhân sự mới, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian hòa nhập. Theo ông ông Phạm Phú Ngọc Trai, cần học hỏi từ mô hình quốc tế – Chương trình Quản trị viên tập sự (Management Trainee Program), nghiên cứu và phát triển (R&D) – chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Sự thiếu kết nối giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn đang tạo ra khoảng cách lớn giữa đại học, doanh nghiệp và thị trường lao động. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thực chất, nơi doanh nghiệp, đại học và nhà nước phối hợp chặt chẽ để đồng sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nhân lực chất lượng cao", ông Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định.

Tại sự kiện, ĐHQG-HCM đã ký kết thỏa thuận tài trợ giai đoạn 2025 - 202 với Becamex IDC và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB).

dhqg-hcm-ky-ket-hop-tac-becamex-idc.jpg
dhqg-hcm-ky-ket-hop-tac-ngan-hang-acb.jpg
Đại diện ĐHQG-HCM ký kết hợp tác với 2 đối tác.

Dịp này, các địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng cũng trao học bổng cho các sinh viên đang theo học các trường đại học thuộc ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM đã tiếp nhận 1 tỷ 110 triệu đồng từ 13 địa phương và 2 tỷ 340 triệu đồng từ 5 doanh nghiệp trao tặng học bổng cho 556 học sinh, sinh viên.

Cụ thể, 13 địa phương trao tặng học bổng cho sinh viên với tổng 228 suất, tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng. Về phía doanh nghiệp, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội tài trợ với tổng giá trị các suất học bổng 1 tỉ đồng dành cho học sinh, sinh viên vượt khó học tốt; Vietcombank và BECAMEX IDC tài trợ học bổng toàn phần với tổng giá trị các suất học bổng 230 triệu đồng dành cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật; Novaland, Agribank chi nhánh Bình Thạnh tài trợ học bổng cho 120 sinh viên vượt khó học tốt với giá trị 5 triệu đồng/ suất.

hoc-bong-2.jpg
Đại diện tỉnh Tây Ninh trao học bổng cho các sinh viên ĐHQG-HCM.
hoc-bong-5.jpg
Một trong những doanh nghiệp tài trợ trao học bổng tại sự kiện.

Trong khuôn khổ Ngày hội còn có chương trình triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được ĐHQG-HCM tổ chức trong 2 ngày (22 và 23/2). Triển lãm giới thiệu gần 200 sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), thiết kế vi mạch, vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, công nghệ sinh học, y sinh, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng và sản phẩm OCOP mang đặc trưng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHQG-HCM tiên phong thúc đẩy mô hình "hợp tác 3 nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO