Để doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả

SƠN NAM| 08/11/2022 16:13

Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: năng lực của doanh nghiệp, dịch vụ chuyển đổi số chuyên nghiệp...

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cho biết, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải triển khai, tuy nhiên, tùy thuộc vào năng lực tài chính và bộ máy của DN mà thực hiện từng bước. Hiện, công ty đã chuyển đổi số được 50 - 60%, tập trung chủ yếu ở khâu quản lý nhân sự, kinh doanh và vận hành theo chuỗi, hệ thống số, phần mềm và mục tiêu sẽ chuyển đổi số 100% trong hai năm tới.
“Trước đây, trong quá trình làm việc phải sử dụng rất nhiều giấy tờ, báo cáo. Nhưng hiện nay chỉ cần một ứng dụng (app), dù ở đâu tôi cũng quản lý được hoạt động của các bộ phận, theo dõi tiến độ sản xuất, bán hàng... Đặc biệt, hệ thống bán hàng hiện nay được đẩy mạnh thông qua thương mại điện tử khá hiệu quả, thay vì chỉ tập trung bán hàng trực tiếp”, ông Luận so sánh.
Tuy nhiên, theo ông Luận, yếu tố hạn chế để DN chuyển đổi số mạnh mẽ là hiện tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số chuyên nghiệp, phần lớn làm theo phong trào; thậm chí có đơn vị chuyên môn, 1 nhưng tư vấn đến 10. Bên cạnh đó, các DN nhỏ còn tư duy theo kiểu kinh doanh gia đình, chưa sẵn sàng chuyển đổi số. 

Khách tự thanh toán tiền tại quầy thanh toán tự động ở siêu thị Tops Market, quận Thủ Đức, TP.HCM.


Để chuyển đổi số hiệu quả, tư duy của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng, phải mạnh dạn thay đổi, cùng với điều kiện về tài chính, đào tạo con người. Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải chuyên sâu riêng từng lĩnh vực quản trị, sản xuất chứ không nên đánh đồng, áp dụng chung phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, phải hiểu đặc trưng của từng DN. 
Nói về hiệu quả sau một năm chuyển đổi số, ông Luận cho biết, các bộ phận đã quen và tiến độ làm việc nhanh hơn rất nhiều, hiệu quả công việc, kinh doanh cao hơn. Mặc dù chi phí chuyển đổi số ban đầu rất cao nhưng so sánh tổng thể thì không cao khi hiệu quả quản lý thời gian, xử lý được nhiều việc cùng lúc thay vì giải quyết từng khâu, từng việc. Tuy nhiên, để chuyển đổi số 100% còn tùy thuộc vào quy mô của DN và trình độ nhân sự, chuyển đổi một lúc nhân sự sẽ không bắt nhịp kịp. Đặc biệt, mỗi DN có quy mô và đặc tính loại hình ngành nghề khác nhau, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải xây dựng riêng phần mềm chuyển đổi số cho từng DN thì mới không mất nhiều thời gian và hiệu quả. 
Các DN nhìn nhận khi DN chuyển đổi số, đặc biệt ở khâu bán hàng thì khách hàng được hưởng lợi khá nhiều. Người tiêu dùng sẽ tiếp nhận thông tin, mua hàng, thanh toán, nhận hàng... nhanh chóng hơn, hạn chế được nhiều công đoạn. Đa số người tiêu dùng hiện nay đều dùng điện thoại thông minh và có thể mua hàng ở bất cứ đâu qua app, thanh toán không dùng tiền mặt. 
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Khối vận hành Co.opmart cho biết, Saigon Co.op cũng đã có lộ trình số hóa riêng phù hợp với đặc thù của ngành bán lẻ và quy mô của Saigon Co.op. Cụ thể là số hóa thanh toán. Hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Ngoài các loại thẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, thanh toán quốc tế, còn có đầy đủ các loại hình thanh toán qua các app ứng dụng công nghệ, thanh toán bằng QR code, ví thanh toán điện tử... 
“Một số app, ví điện tử hiện đại vừa có mặt trên thị trường trong thời gian gần đây cũng được Saigon Co.op tạo điều kiện tối đa cơ hội tiếp xúc khách hàng nhằm góp phần đẩy nhanh hơn lộ trình số hóa trong thanh toán trên hệ thống. Các loại hình thanh toán không cần dùng tiền mặt này bước đầu được áp dụng trên hệ thống siêu thị Co.opmart và trung tâm thương mại SCVivoCity tại TP.HCM, đến nay đã được hệ thống áp dụng mở rộng trên phạm vi cả nước, đồng thời cũng áp dụng thành công ở hầu hết các chuỗi mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op”, ông Thắng cho hay. 
Mới đây, Saigon Co.op cũng đưa vào hoạt động dự án Kho dữ liệu tự vận hành và phân tích dữ liệu hiện đại với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình số hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các hệ thống phần mềm ứng dụng nghiệp vụ như hệ thống bán lẻ MMS, ứng dụng ERP, bán hàng đa kênh OMNI, quản lý khách hàng trung thành Loyalty và hệ thống quản trị dữ liệu... được Saigon Co.op chọn giải pháp tốt nhất nhằm tối đa hóa hiệu quả điều hành quản trị.
Tương tự, đại diện LOTTE Mart cũng cho biết hệ thống này có POS riêng dành cho  thanh toán không dùng tiền mặt, có ghi chú line dành riêng cho thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các cửa hàng để thuận tiện cho khách hàng thanh toán, không phải mất thời gian. Ngoài ra, thay vì xếp hàng chờ tới lượt, khách hàng có thể thanh toán hàng tại quầy thanh toán tự động. Ngoài mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng có thể mua sắm qua ứng dụng mua sắm online Speed L áp dụng thanh toán không tiền mặt bằng thẻ, Momo hoặc chuyển khoản...


“Các nhà cung cấp sản phẩm cho siêu thị thay vì đến làm việc trực tiếp, có thể nộp hồ sơ qua website để trở thành nhà cung cấp của siêu thị. Các chương trình khuyến mãi kết hợp với đối tác thanh toán như: ngân hàng, thẻ Lotte Finance, Momo, VNPAY, Zalo Pay... thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiệu quả ghi nhận rất tích cực, đặc biệt ở các thành phố lớn”, đại diện LOTTE Mart cho hay.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết đơn vị này đã tư vấn cho hàng ngàn DN chuyển đổi số và nhận thấy thực trạng hiện nay là nhiều DN vừa và nhỏ biết thông tin về chuyển đổi số nhưng lại thiếu tính thực tiễn, thiếu đặc tính ngành để áp dụng. Để chuyển đổi số hiệu quả, chủ DN cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình và phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn; triển khai vận hành hiệu quả. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ hạn chế về nguồn lực tài chính nên cần tính toán kỹ, lượng khả năng tài chính, chọn đơn vị phù hợp và gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Việc chuyển đổi số phải dài hạn và thực hiện từ khâu đơn giản đến phức tạp; chuyển đổi số trong nội bộ DN trước khi áp dụng những ứng dụng phát triển ra thị trường.
Đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại TP.HCM cũng nhìn nhận để chuyển đổi số 100% không dễ, đơn vị tư vấn báo chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng để áp dụng cho toàn hệ thống. Vì vậy, đơn vị thực hiện kế hoạch chuyển đổi số từng bước, tùy theo năng lực tài chính và quy mô hệ thống; tập trung chuyển đổi số trước ở những khâu có thể mang lại giá trị trải nghiệm cho khách hàng, từ mua hàng online, thanh toán không tiền mặt đến thanh toán hàng tự động, không cần qua nhân viên thu ngân... Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, sự tiếp nhận của khách hàng còn chưa nhiều. Nhiều người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua hàng trực tiếp và thanh toán tiền mặt. Để thay đổi thói quen này cần thời gian, khi khách trải nghiệm thấy tiện lợi, nhanh chóng sẽ quen dần và đơn vị mở rộng dần ra toàn hệ thống cả nước. 
Theo vị này, cái khó để chuyển đổi số hiện nay, ngoài chi phí cao, quy mô hệ thống quá lớn thì việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Phần lớn các đơn vị có sẵn phần mềm và áp dụng chung cho các DN, dẫn đến không phù hợp. Giữa DN và đơn vị viết phần mềm chuyển đổi số chưa có nhiều thông tin để cung cấp cho nhau, đa số công ty viết phần mềm chỉ chuyên về một lĩnh vực chứ không đủ chuyên sâu để chuyển đổi số cho toàn hệ thống với nhiều hạng mục khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO