Giáo dục

Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu vào Top 100 các đại học hàng đầu châu Á năm 2030

Hoàng Nguyễn 16/09/2023 07:25

Mục tiêu của ĐHQG-HCM là đến năm 2025 có 10 nhóm ngành nằm trong top 100 theo bảng xếp hạng nhóm ngành các đại học châu Á; đến năm 2030 nằm trong top 100 và đến năm 2045 nằm trong top 50 các đại học hàng đầu châu Á.

Đây là chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) mới đưa ra.

ts-vu-hai-quan-gd-dhqg-tphcm.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại một sự kiện.

Phát huy thế mạnh của ĐHQG-HCM

Sau 28 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường đại học thành viên, đến nay ĐHQG-HCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng, được cộng đồng khoa học trên thế giới và trong nước đánh giá cao. Hiện, ĐHQG-HCM thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World).

Về đào tạo, ĐHQG-HCM đang vận hành 139 ngành đào tạo bậc đại học ở 20 lĩnh vực đào tạo với quy mô đào tạo gần 95.000 sinh viên đại học chính quy; 141 ngành thạc sĩ và 99 ngành tiến sĩ với quy mô đào tạo hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Dẫn đầu cả nước về các chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế với 126 chương trình.

Về nghiên cứu khoa học - công nghệ và phục vụ cộng đồng, ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống trên 100 phòng thí nghiệm trong đó có 02 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Trong giai đoạn từ 2017-12/2022, ĐHQG-HCM đã công bố 7.881 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus. Đặc biệt, năm 2022 ĐHQG-HCM đã công bố gần 2.400 bài báo quốc tế trong danh mụcScopus, chiếm hơn 12% tổng số công bố của cả nước; là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu có số công bố quốc tế nhiều nhất. Doanh thu từ hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ trung bình hằng năm đạt 216 tỷ đồng.

Tập trung nguồn lực vào 3 lĩnh vực

Dự thảo đề án "Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á" đang được lấy ý kiến từ các bộ ngành và sẽ được ĐHQG-HCM trình Chính phủ trong năm nay. Trong dự thảo đề án này, ĐHQG-HCM sẽ tập trung nguồn lực vào đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ở 3 lĩnh vực: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học và Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo.

phong-nghien-cuu-cong-nghe-nano-hen-dai-dhqg-tphcm.jpg
Phòng nghiên cứu công nghệ Nano hiện đại tại ĐHQG-HCM.

ĐHQG-HCM lên chiến lược xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu và làm chủ về thiết kế vi mạch, công nghệ gen, công nghệ tế bào động vật, tế bào gốc, tế bào thực vật, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ miễn dịch,…và thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn, các trung tâm dữ liệu lớn (tâm nghiên cứu và ứng dụng AI, trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm đại học số, trung tâm an ninh mạng). Trong lĩnh vực Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo, ĐHQG-HCM sẽ hợp tác chiến lược với Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) và Đại học Quốc gia Singapore.

Mục tiêu đến năm 2030 của 3 lĩnh vực là đều có trên 1 dự án khởi nghiệp gọi vốn đầu tư thành công có quy mô trên 10 triệu USD. Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về Công nghệ bán dẫn, Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á.

Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Đặc biệt, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 42.000 m2. Tòa nhà Trung tâm sẽ gồm 6 tầng, 1 hầm được đặt tại ĐHQG-HCM, kết nối với các Trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng và của khu vực châu Á. Mục tiêu của Trung tâm là thu hút được 50 tập đoàn, công ty đặt bộ phận R&D và ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô trên 10 triệu USD; trên 10.000 lượt sinh viên, học viên được đào tạo, cập nhật kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đến 2030, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành việc xây dựng Khu đô thị ĐHQG-HCM xanh, thân thiện và hiện đại.

sinh-vien-dhqg-tphcm.jpg
Sinh viên ĐHGQ-HCM trong phòng thực hành.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên trong dự toán hằng năm cho ĐHQG-HCM; nguồn vốn vay, vốn viện trợ, tài trợ và nguồn xã hội hóa và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. ĐHQG-HCM cũng đưa ra kế hoạch tăng tỉ lệ nguồn thu mỗi năm là 7% với đa dạng các nguồn thu như: hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ hợp tác, tài trợ, viện trợ và đầu tư,...

ĐHQG-HCM cũng chú trọng xây dựng chính sách đặc thù, lộ trình phát triển để tuyển dụng, giữ chân các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đầu ngành có năng lực nghiên cứu tốt, có thành tích công bố quốc tế xuất sắc; tạo điều kiện cho các nhà khoa học tham gia cộng đồng, mạng lưới các nhà khoa học và xây dựng, triển khai chính sách quản lý, đánh giá và trả lương cán bộ theo kết quả đầu ra.

Mục tiêu đến năm 2030, ĐHQG-HCM sẽ thuộc top 100 trường đại học hàng đầu châu Á. Theo đó: (1) Đào tạo tốt nghiệp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; (2) Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 90%; (3) Công bố hơn 35.000 bài báo khoa học trong danh mục Scopus; (4) Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với tổng diện tích sàn xây dựng 42.000 m2; (5) Các chương trình đào tạo và nghiên cứu về Công nghệ bán dẫn, Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học nằm trong tốp 50 của châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu vào Top 100 các đại học hàng đầu châu Á năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO