TP.HCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ người dân tốt hơn
Sau hơn hai tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại TP.HCM, nhiều phường, xã đã có bước tiến mới trong cải cách hành chính khi đưa robot AI vào hỗ trợ người dân làm thủ tục.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ tạo nên trải nghiệm mới lạ, thân thiện mà còn góp phần giảm áp lực cho cán bộ, nâng cao hiệu quả phục vụ.

Robot tiếp dân ở các phường, xã
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Khánh (TP.HCM), người dân không khỏi bất ngờ và thích thú khi được đón tiếp bởi một "trợ lý" đặc biệt: robot AI thông minh, có thể giao tiếp bằng giọng nói, tương tác qua màn hình cảm ứng và hỗ trợ nhiều ngôn ngữ. Chỉ với một cái chạm nhẹ, robot sẽ cất tiếng chào: "Xin chào, vui lòng chọn ngôn ngữ", mở đầu cho chuỗi thao tác hỗ trợ người dân như lấy số thứ tự, tư vấn quy trình thủ tục, hướng dẫn hồ sơ,...
Chị Ngô Thị Tuyết Mai (ngụ phường An Khánh) - một người dân đến thực hiện thủ tục sao y giấy tờ - chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi sử dụng robot hành chính, thao tác rất dễ, không mất nhiều thời gian. Cảm giác thoải mái, không còn ngại ngùng khi phải hỏi cán bộ như trước".
Tương tự, anh Phạm Thanh Bằng (ngụ phường An Khánh) đến làm giấy chứng tử cho biết quy trình đã được đơn giản hóa rõ rệt. "Thủ tục nhanh gọn, chỉ mất vài phút. Các anh chị nhân viên cũng rất nhiệt tình hướng dẫn. Tôi thấy rất hài lòng", anh Bằng nói.
Không riêng phường An Khánh, nhiều phường, xã tại TP.HCM cũng đang triển khai robot phục vụ hành chính công. Tại phường Thủ Đức, hai robot có thể giao tiếp tiếng Việt, hỗ trợ lấy số thứ tự, quét mã QR, thậm chí phát nước miễn phí. Những câu nói thân thiện như "Bạn muốn tôi hỗ trợ, hướng dẫn gì?" khiến người dân cảm thấy gần gũi, dễ chịu khi làm việc với cơ quan công quyền.
Giảm áp lực cho cán bộ
Theo bà Cù Thoại Vy - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, việc đưa robot vào hoạt động không chỉ là "số hóa thủ tục" mà còn là "cá nhân hóa phục vụ". Thay vì người dân phải dò tìm giấy tờ, nay hồ sơ "tự tìm đến người". Thay vì cán bộ bị quá tải với hàng trăm lượt tiếp dân mỗi ngày, nay robot thay thế những khâu hướng dẫn, hỗ trợ ban đầu, để cán bộ tập trung xử lý chuyên môn.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công - cho biết từ ngày 1/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường chính thức đi vào hoạt động với điểm nhấn là robot hỗ trợ tiếp dân. "Phường cũng bố trí thêm máy tính để người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến. Nhưng rõ ràng, việc đưa robot vào làm các thao tác như lấy số thứ tự, hướng dẫn quy trình đã giúp tiết kiệm nhân lực, nâng cao hiệu quả phục vụ", ông Quỳnh nói.

Thống kê sơ bộ sau 15 ngày triển khai, robot đã thay thế hoàn toàn khâu hướng dẫn thủ tục cơ bản, người dân dễ dàng thao tác mà không cần cán bộ hỗ trợ. Không gian làm việc tại các phường cũng trở nên hiện đại, thoáng mát, tạo thiện cảm với người dân khi đến giao dịch.
Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong hoạt động của chính quyền địa phương. Với đặc thù dân số đông, địa bàn rộng, TP.HCM cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý, điều hành để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Việc đưa robot vào trung tâm hành chính công là một bước tiến trong hành trình cải cách hành chính gắn với công nghệ. "Đây là biểu hiện rõ ràng của việc chính quyền TP.HCM đang chuyển mình từ cung cách phục vụ truyền thống sang mô hình chính quyền số hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm", ông Thắng nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Trần Phú Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, robot không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ mà còn góp phần xây dựng môi trường phục vụ hiện đại, minh bạch hơn.
"Robot giúp tra cứu thông tin, hướng dẫn quy trình, thay thế khâu tiếp dân sơ bộ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả lâu dài, cần đảm bảo cập nhật dữ liệu thường xuyên và kết nối tốt với các hệ thống dùng chung của thành phố", ông Thịnh chia sẻ.
Triển khai hiệu quả các nền tảng số dùng chung
Hiện nay, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã phối hợp triển khai các nền tảng số dùng chung trên toàn hệ thống gồm:
• Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.
• Hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành.
• Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
• Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh - kiến nghị của người dân (1022).
• Hệ thống thư điện tử công vụ.
• Ứng dụng "Công dân số Thành phố".
Theo ông Nguyễn Trần Phú Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, các nền tảng này đã được triển khai ổn định và đang được cán bộ ở 168 phường, xã, đặc khu làm quen, sử dụng thường xuyên trong công việc. "Đây là kết quả của sự phối hợp giữa hạ tầng công nghệ và cải cách thể chế hành chính. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang đi vào vận hành ổn định, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn mỗi ngày", ông Thịnh khẳng định.