Cẩn trọng với đầu tư tiền vào các cơ sở giáo dục tư thục
Nhiều phụ huynh ký hợp đồng “đầu tư giáo dục” hàng tỷ đồng để cho con theo học các trường tư thục, trường mang danh quốc tế nhưng theo luật sư, các hợp đồng này tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
“Cầm dao đằng lưỡi”
Sự việc nhiều phụ huynh Trường Tiểu học – THCS - THPT quốc tế Mỹ (gọi tắt là Trường quốc tế Mỹ) – một trường tư thục, dạy chương trình tú tài quốc tế IB tại huyện Nhà Bè, TP.HCM đòi lại khoản tiền “đầu tư giáo dục” trị giá hàng tỷ đồng nhưng bất thành. Lý do mà các phụ huynh này đưa ra là đại diện nhà trường vi phạm cam kết. Điều này cũng phần nào cho thấy có rủi ro trong việc đầu tư tiền theo hình thức này.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục tư thục khác cũng đã và đang triển khai huy động tiền từ phụ huynh với tên gọi hợp đồng/gói đầu tư giáo dục như: trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA), trường quốc tế Nam Mỹ (UTS), hệ thống trường ICS, hệ thống trường Dewey… Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) đang có chương trình đóng học phí dài hạn như: chiết khấu trực tiếp 10% khi đóng học phí trọn năm học, giảm từ 20% đến 50% khi đóng gói học phí từ 2-5 năm tại trường...
Chị Nguyễn Thị Ngọc H. có 2 con đang học tại Trường quốc tế Mỹ cho biết, lý do chị bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để đầu tư giáo dục vào trường vì thấy nhiều phụ huynh cũng lựa chọn khi thấy lợi ích hấp dẫn: con được học miễn phí (mức học phí của trường rất cao, từ 280 triệu đồng đến 725 triệu đồng/năm học) và tính ra, khi con học xong thì chị sẽ được nhận lại 100% số tiền bỏ ra. Như vậy, tỷ suất sinh lời của số tiền đầu tư mà chị Hà bỏ ra (bằng số tiền đóng học phí) là khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn lãi suất ngân hàng và trái phiếu, vàng… rất nhiều. Anh Nguyễn Thanh T. đóng gói đầu tư hơn 4 tỷ đồng để cho 2 con vào học miễn phí 5 năm tại SNA cũng cho biết, tính ra số tiền anh bỏ ra đầu tư sẽ sinh lợi lên đến 25%/năm, đây là một mức sinh lợi cao.
Theo chia sẻ từ các phụ huynh nêu trên, tỷ suất sinh lời cao, mức lãi “khủng” trên số tiền gốc bỏ ra đầu tư giáo dục là lý do chính mà họ sẵn sàng đưa hàng tỷ đồng cho nhà trường. Do đó, việc đầu tư thuận lợi thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi vụ việc lùm xùm tại Trường quốc tế Mỹ đã khiến nhiều phụ huynh đã đầu tư vào đây cảm thấy bất an, lo lắng. “Giờ tôi cảm thấy đầu tư giáo dục như vậy như là cầm dao đằng lưỡi, không chắc là sẽ có thể lấy lại được số tiền mồ hôi nước mắt của gia đình nữa” - chị Hà bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, hình thức trường tư thục huy động vốn từ phụ huynh thông qua các hợp đồng, gói đầu tư giáo dục đã có từ hơn 15 năm trước tại TP.HCM. Với những trường mới thành lập, nguồn kinh phí để đầu tư và phát triển trường là rất cần thiết và hình thức huy động vốn này đã đem lại hiệu quả. “Tuy nhiên, việc trường huy động vốn thì phải tính toán kỹ là huy động bao nhiêu và đầu tư thế nào, khả năng hoàn trả ra sao. Hiện nay, qua theo dõi thì hình thức huy động vốn này đã bộc lộ những bất cập khó lường khi chủ đầu tư không minh bạch hoặc huy động vốn không sử dụng vào đầu tư cho trường”, ông Ngai chia sẻ.
Chi cho nhà trường hàng tỷ đồng nhưng bản chất không phải là nhà đầu tư
Theo luật sư Lê Thị Kim Quy (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật Giáo dục 2019 khẳng định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, ta có thể hiểu rằng để được thực hiện hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, các nhà đầu tư phải thỏa mãn một số điều kiện luật định. Nói cách khác, không phải bất kỳ hình thức bỏ tiền nào với mục đích thực hiện hoạt động giáo dục cũng có thể được coi là đầu tư cho giáo dục.
Bên cạnh đó, huy động vốn về bản chất là việc nhà đầu tư tìm kiếm nguồn lực tài chính để hỗ trợ và duy trì các hoạt động kinh doanh của mình. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp cụ thể, Luật doanh nghiệp có đưa ra một số phương pháp huy động vốn mà doanh nghiệp có thể tiến hành như huy động thêm vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới, sử dụng lợi nhuận không chia, phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc vay tín dụng từ ngân hàng. Do nhà trường về bản chất không phải là doanh nghiệp nên sẽ rất khó trong việc xác định cách thức huy động vốn phù hợp.
“Như vậy, việc nhà trường thu hàng tỷ đồng học phí từ phụ huynh về bản chất không đáp ứng những quy định của pháp luật nêu trên để coi là một hoạt động huy động vốn theo luật và việc phụ huynh chi hàng tỷ đồng cũng không thỏa mãn điều kiện để được xem là đầu tư cho giáo dục bất kể việc Luật Giáo dục 2019 cho phép nhà trường được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí. Việc xem đây là một hoạt động huy động vốn cho giáo dục chỉ là vấn đề mà các bên ngầm hiểu”, luật sư Lê Thị Kim Quy cho biết.
Qua sự việc Trường Quốc tế Mỹ, luật sư Lê Thị Kim Quy cho rằng lỗ hổng pháp lý ở đây đến từ việc phụ huynh dù đã chi cho nhà trường hàng tỷ đồng thì về bản chất lại không phải là nhà đầu tư theo luật để có thể được hưởng sự bảo vệ từ những quy định của pháp luật liên quan. Nói cách khác, việc phụ huynh chi trả mức học phí hàng tỷ đồng là dựa trên sự đồng ý với mức thu học phí được nhà trường đề ra để đổi lại một số ưu đãi nhất định. Thực tế là các phụ huynh cũng không được ghi nhận trên bất kỳ giấy tờ pháp lý nào để chứng minh mình là nhà đầu tư của trường.
Luật sư Lê Bá Thường (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, phụ huynh không nên góp vốn vào trường học theo kiểu đóng học phí một lần cho nhiều học kỳ và nhiều năm học cho con em mình để đổi lại việc được học miễn phí, sau khi học sinh học tốt nghiệp thì phụ huynh mới nhận lại được tiền góp vốn, vì như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người góp vốn. Phụ huynh đóng số tiền học phí rất lớn vào trường nhưng phụ huynh không kiểm soát được tình hình tài chính thu chi và lãi lỗ của nhà trường. Nếu nhà trường đem tiền phụ huynh đóng để đầu tư vào một kênh kinh doanh khác không hiệu quả thì trường sẽ mất khả năng hoạt động.
“Mô hình hoạt động của các trường học ngoài công lập được vận hành theo luật doanh nghiệp nên khi trường hoạt động không hiệu quả bị thua lỗ nhiều thì trường có thể nộp đơn xin phá sản theo luật phá sản. Lúc này thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản là phụ huynh bị xếp sau ngân hàng, cơ quan thuế, người lao động rồi mới tới phụ huynh nhưng sẽ ưu tiên những phụ huynh khởi kiện có bản án trước”, luật sư Lê Bá Thường cho biết.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Kim Quy cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, trong trường hợp mất khả năng trả nợ hoặc bị phá sản, nhà trường có thể bị đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc thậm chí là giải thể. Trong trường hợp này, thực tế rất khó để có thể đòi lại phần học phí đã được các phụ huynh đóng trước cho nhà trường. Điều này có thể gây ra hệ quả rất nặng nề cho xã hội nói chung và bản thân phụ huynh cũng như các em học sinh đang theo học nói riêng.
“Để đảm bảo quyền lợi của mình, các bậc phụ huynh nếu có nguồn tài chính có thể cân nhắc việc trở thành nhà đầu tư trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo Luật Giáo dục. Với tư cách là nhà đầu tư, các bậc phụ huynh sẽ có quyền tham gia vào các hoạt động giáo dục, quyết định các vấn đề liên quan đến nhà trường cũng như được đảm bảo các quyền và trách nhiệm khác theo Điều 54 của Luật Giáo dục và được bảo vệ theo các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan”
luật sư Lê Thị Kim Quy (Đoàn luật sư TP.HCM)