Sống xanh

Cần khung pháp lý chi tiết để phát triển thị trường carbon rừng ven biển

Võ Liên 22/08/2024 - 22:00

Ngày 22/8, tại TP.HCM, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc) tổ chức tọa đàm "Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển".

Tại tọa đàm, TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước (bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển) đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển.

ts-tran-dinh-ly.jpg
TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon rất nhiều so với hệ sinh thái khác. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.

Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon.

ts-pham-thu-thuy.jpg
TS. Phạm Thu Thủy - Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc).

Theo TS. Phạm Thu Thủy - Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc), trong vòng 20 năm trở lại đây, khi nói về thị trường carbon, 55% của toàn bộ các giao dịch liên quan tới thị trường carbon trên thế giới đều ở ngành lâm nghiệp. Ngoài giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng còn có tiềm năng hỗ trợ cộng đồng, dân tộc thiểu số, từ đó có giá trị gia tăng về mặt xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chỉ hấp dẫn được hai nhà đầu tư là Singapore và Thụy Sĩ do chính sách về thị trường carbon chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng lại thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Cũng theo TS. Phạm Thu Thủy, Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp. Theo đó, tiềm năng thị trường carbon có giá trị cao, như: đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người nghèo dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng; có thể tiến hành nhiều loại hình dự án (trồng mới và tái trồng rừng).

Còn theo TS. Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO), hiện nay rừng ngập mặn ở Việt Nam có tổng diện tích khoảng 200.000 ha, 80% phân bố ở phía Nam, gồm: vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% diện tích rừng toàn quốc, nhưng lượng carbon trong rừng ngập mặn lớn hơn so với các loại rừng khác. Chẳng hạn, 200.000 ha nhưng tổng lượng carbon lưu trữ trong rừng ngập mặn chiếm khoảng 1,5% tổng lượng carbon trong rừng, tương đương khoảng 8,7 triệu tấn carbon.

"Nếu như chúng ta quản lý tốt được rừng ngập mặn, tránh được việc chuyển đổi rừng ngập mặn thì sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính", TS. Vũ Tấn Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, Việt Nam cũng có nhiều thách thức như: khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng (xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải khí nhà kính; theo dõi, giám sát…). Hạn chế về dữ liệu, minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

Để phát triển thị trường tín chỉ carbon, theo ông Phương cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng: tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư; đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần khung pháp lý chi tiết để phát triển thị trường carbon rừng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO