Sống xanh

Việt Nam có nhiều tiềm năng từ thị trường carbon rừng ven biển

Võ Liên - Trúc Nhã 12/09/2024 05:45

Rừng ven biển được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, thị trường này đang gặp nhiều rào cản và cần một hệ thống pháp lý.

Tiềm năng lớn từ thị trường carbon xanh dương

Chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển mới đây, TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển… đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hệ sinh thái này còn đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng ven biển. Thông qua các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rừng ngập mặn và đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon gấp nhiều lần so với hệ sinh thái khác.

hinh-1-1-.jpg
TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.

Các hệ sinh thái rừng ven biển không chỉ đóng vai trò như một lá chắn tự nhiên bảo vệ các vùng đất khỏi thiên tai mà còn là nơi hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này tạo ra tác động tích cực về mặt kinh tế và môi trường đối với cộng đồng ven biển, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

TS Phạm Thu Thủy, Trường Đại học Adelaide (Úc) nhận định: “Trong 2 năm trở lại đây, thị trường tín chỉ carbon rừng trên cạn, rừng nhiệt đới không được nhắc đến nhiều mà các quốc gia trên thế giới, nhà đầu tư chuyển sang tín chỉ carbon xanh dương. Carbon xanh dương là carbon được lưu trữ tự nhiên trong các hệ sinh thái ven biển, thường là trong đất ngập nước, phổ biến nhất là rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển. Hệ sinh thái carbon xanh có vai trò quan trọng để bảo vệ hệ sinh thái biển và hấp thu một phần khí nhà kính.”

hinh-2-1-.jpg
Hệ sinh thái rừng ven biển gồm Rừng ngập mặn, đầm lầy bãi triều, cỏ biển… có nhiều tiềm năng trong khai thác chỉ carbon xanh dương

Theo TS Thu Thủy, dù carbon rừng ngập mặn có tiềm năng lớn nhưng số lượng tín chỉ carbon bán trên thị trường thế giới vẫn còn ít. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 31 dự án đang bán được tín chỉ carbon liên quan đến rừng ngập mặn và chủ yếu đi theo mô hình tự nguyện, đầu tư cho các hoạt động bồi hoàn trong tương lai.

“Giá bán tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao hơn rất nhiều so với dự án rừng trên cạn. Carbon rừng trên cạn có giá 5 - 10 USD/tín chỉ. Trong khi đó, vào năm 2022 trên toàn cầu có 6 dự án tín chỉ carbon rừng ngập mặn được đấu thầu, giá đấu thầu thấp nhất là 35 USD/tín chỉ”, TS Thủy nói.

hinh-3-1-.jpg
Với tiềm năng lớn trong việc khai thác tín chỉ carbon, rừng ven biển đang thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Đề cập đến tiềm năng carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam, theo TS Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững, hiện nay, rừng ngập mặn ở Việt Nam có tổng diện tích khoảng 200.000 ha, 80% phân bố ở phía Nam gồm: vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích này, rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% trong số diện tích rừng toàn quốc, tuy nhiên trữ lượng carbon tại rừng ngập mặn lớn gấp nhiều lần so với các loại rừng khác.

“Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng. Những vấn đề cần đặc biệt chú ý là tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, cơ chế, chính sách, giải pháp cũng như khuyến khích đầu tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định…”, ông Phương kiến nghị.

Cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý

Thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các nhà đầu tư muốn mua tín chỉ carbon chất lượng cao vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia về tín chỉ carbon cho rằng thị trường này vẫn đang gặp nhiều rào cản khi chưa có khung pháp, hướng dẫn chi tiết để khai thác tối đa tiềm năng này.

TS Trần Đình Lý nhấn mạnh: “Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ hệ sinh thái ven biển vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi. Bởi, việc khai thác tiềm năng này gặp nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ven biển. Ngoài ra, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh cũng gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon hiệu quả”.

hinh-4.jpg
Trồng rừng ngập mặn ven biển góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng quan điểm, TS Vũ Tấn Phương cho rằng việc phát triển thị trường carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể những khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích giữa các bên. Các dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải; thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, theo ông, việc cập nhật những nghiên cứu mới nhất về cơ hội và thách thức trong thị trường carbon là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ tạo nên sự quản lý bền vững và có thể khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.

"Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và cộng đồng là điều kiện tiên quyết để đạt được những mục tiêu này", TS Trần Đình Lý nhận định.

hinh-5.jpg
Hệ sinh thái rừng ven biển, đặc biệt là ngập mặn ở nước ta đang được chú trọng khôi phục, bảo tồn.

Hiện nay, rừng ngập mặn tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng gặp nhiều thách thức. Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái thay đổi như giảm diện tích rừng và thành phần đa dạng các loài. Ngoài ra, sạt lở, nhiễm mặn, các hoạt động từ thượng nguồn sông Cửu Long như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn.

hinh-6.jpg
Rừng ngập mặn có thể lưu trữ lượng carbon nhiều lần so với rừng nhiệt đới.

Trước thực trạng này, PGS.TS Viên Ngọc Nam, Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, gợi ý rằng tăng cường quản lý rừng bền vững tiếp đến nâng cao tuyên truyền cho người dân về tín chỉ carbon. Trong tương lai nơi nào có khả năng trồng rừng nên tích cực trồng rừng mới để tạo nên sự đa dạng sinh học, đặc biệt tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế việc sạt lở.

“Cần tăng cường các hoạt động bảo tồn và quản lý hướng tới bảo vệ, lưu giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn không suy thoái, phá hủy hoặc mất rừng; hay như phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị suy thoái… cũng tạo ra nguồn tín chỉ carbon xanh dương”, PGS.TS Viên Ngọc Nam cho biết thêm.

Để có thể phát triển thị trường carbon này, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể khai thác tiềm năng hiệu quả, nắm bắt kịp thời các cơ hội, nâng cao chất lượng, giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ven biển tại Việt Nam.

hinh-7.jpg
Đước là loài cây xuất hiện phổ biến ở rừng ngập mặn.

Theo TS Trần Đình Lý, Việt Nam với đường bờ biển dài và hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đã có những chính sách tiên tiến nhằm bảo vệ, mở rộng, nâng cao chất lượng rừng và hệ sinh thái ven biển. Hiện nay, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cao trong việc phát triển thị trường carbon rừng, bao gồm cả carbon xanh để tạo ra cơ chế tài chính bền vững, hỗ trợ các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là một trong những ưu thế rất lớn của Việt Nam.

“Với 200.000 ha, diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% diện tích rừng toàn quốc. Tuy nhiên, lượng carbon trong rừng ngập mặn chiếm khoảng 1,5% tổng lượng carbon trong rừng, tương đương khoảng 8,7 triệu tấn carbon. Nếu như chúng ta quản lý tốt được rừng ngập mặn, tránh được việc chuyển đổi rừng ngập mặn sẽ giúp giảm được lượng phát thải khí nhà kính và tiềm năng khai thác thị trường carbon vô cùng lớn”, TS. Vũ Tấn Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có nhiều tiềm năng từ thị trường carbon rừng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO