Cán bộ, công chức cùng người dân đồng kiến tạo tương lai số
Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển và chuyển đổi số đang tái định hình cách thức vận hành của chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức cần chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ là việc làm quen với các công nghệ mới, họ phải thay đổi tư duy, đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi hành động.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh đã chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông về vai trò tiên phong và tinh thần đồng kiến tạo của cán bộ, công chức trên hành trình chuyển đổi số, xây dựng một tương lai số trên địa bàn thành phố.

Chuyển đổi số để phụng sự người dân và doanh nghiệp
Nhìn lại chặng đường phát triển 50 năm qua của TP.HCM, bà đánh giá thế nào về vai trò của chuyển đổi số?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Từ khi Internet vào Việt Nam năm 1997, TP.HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, rồi xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính, và gần đây nhất là chuyển đổi số. Dù dùng khái niệm nào, theo tôi nội hàm đều là ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền, hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Chuyển đổi số rộng hơn bởi không chỉ hướng tới chính quyền số, mà còn xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong đó, chính quyền với đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người tiên phong.
Thuật ngữ chuyển đổi số xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2017 và đến năm 2020 Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, ngay sau 1 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia thì UBND TP.HCM cũng phê duyệt Chương trình chuyển đổi số, là địa phương đi đầu triển khai.
Khi đó, TP.HCM nhận thức sâu sắc rằng, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn là một cơ hội lịch sử để xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, gần gũi và đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng của người dân.
Chuyển đổi số không chỉ đóng góp vào công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, mà còn cải thiện môi trường đầu tư, vì nội hàm lớn nhất của chuyển đổi số là xây dựng chính quyền có nền hành chính hiện đại để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ "người thực thi" đến "người đồng kiến tạo"
Theo bà, đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò như thế nào trong việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi số? Điều này đã và đang tác động ra sao đến đời sống thực tế của người dân TP.HCM?
Sự thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo Thành phố nhưng vai trò triển khai, thực thi và lan tỏa tinh thần đổi mới lại thuộc về đội ngũ cán bộ, công chức. Họ là những người trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, là cầu nối giữa chính quyền và người dân.
Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TPHCM và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, TP.HCM từng bước hiện thực hóa việc đưa thủ tục “từ quầy ra mạng”. Trước đây, giấy phép đăng ký kinh doanh phải nộp trực tiếp, nay doanh nghiệp có thể làm trọn gói tại nhà. Hàng loạt dịch vụ công trực tuyến khác cũng được triển khai, giúp người dân giải quyết thủ tục nhanh gọn, tiện lợi và minh bạch hơn trên môi trường số, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Để hiện thực hóa một chính quyền số không khoảng cách với người dân, đâu là thách thức lớn nhất mà đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay đang đối mặt?
Thách thức lớn nhất hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức là năng lực số. Theo tôi, cán bộ, công chức cần phải có hiểu biết về các công cụ, ứng dụng số để đưa vào công việc, thay vì chỉ cần biết tin học văn phòng, đánh máy, soạn văn bản như xưa. Họ cũng cần phải chủ động suy nghĩ, đề xuất và cải tổ quy trình thủ tục hành chính.
Ví dụ, trước đây một thủ tục yêu cầu người dân đến nộp hồ sơ, nay được cấu trúc lại, chuẩn hóa dữ liệu đưa lên dịch vụ công trực tuyến để thao tác từ xa. Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực số, để phân tích dữ liệu, đề xuất thiết kế các dịch vụ công trực tuyến mới…
Ngoài ra, công nghệ thay đổi liên tục, đòi hỏi các cán bộ phải không ngừng học hỏi và làm quen với cái mới, như ChatGPT, AI... Điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi trong tư duy, từ vai trò "người thực thi" sang "người đồng kiến tạo" tương lai số cùng với người dân.
.png)
Như vậy, một cán bộ trong thời kỳ chính quyền số sẽ cần hội tụ những phẩm chất và năng lực nào để không chỉ bắt kịp trong công tác quản lý mà còn đồng kiến tạo một tương lai số cùng người dân? Trong đó, đâu là kỹ năng mang tính nền tảng nhất, thưa bà?
Phẩm chất cốt lõi của một cán bộ, công chức trong thời kỳ chính quyền số vẫn là cái tâm, tấm lòng muốn phụng sự người dân. Sự hài lòng của người dân là thước đo cao nhất cho sự thành công của chính quyền số. Khi có tâm huyết muốn phụng sự, cán bộ, công chức sẽ biết gắn kết nhiệm vụ, công việc của mình với các nhiệm vụ chung của thành phố và các vấn đề xã hội phát sinh.
Còn kỹ năng nền tảng nhất, tôi cho rằng, chính là khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Trong kỷ nguyên số, việc tương tác không còn giới hạn ở những cuộc gặp trực tiếp. Cán bộ cần chủ động sử dụng các kênh trực tuyến để lắng nghe ý kiến, thu thập phản hồi và đặt mình vào vị trí của người dân để thấu hiểu họ.
Cán bộ không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn phải thúc đẩy tạo ra các cơ chế để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế và phát triển dịch vụ, sản phẩm số, để cùng nhau kiến tạo tương lai số.
Từ những góp ý cụ thể của người dân như "tôi muốn cải thiện thêm phần này", chúng ta không chỉ có thể đồng kiến tạo ra những sản phẩm số tiện ích hơn, mà còn vun đắp niềm tin và sự gắn kết giữa chính quyền với người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một tương lai số thực sự thuộc về tất cả.
Làm chủ AI
Theo bà, AI sẽ đóng vai trò như thế nào trong tiến trình chuyển đổi số - đặc biệt là trong nâng cao hiệu quả quản trị và nâng chất lượng phục vụ người dân?
Với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu và tự động hóa các tác vụ, AI có thể giúp giải quyết những bài toán phức tạp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp và các hoạt động có khối lượng dữ liệu lớn.
Một ví dụ điển hình là các hệ thống trợ lý ảo có thể trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp 24/7. Nhiều quy trình hành chính hiện nay có từ năm đến bảy bước xử lý, nhưng với sự hỗ trợ của AI và tự động hóa, nhiều công đoạn đã được rút gọn.
AI cũng hỗ trợ việc ra quyết định thông qua các mô hình dự báo. Chẳng hạn, nếu muốn xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số, thì AI dưới sự huấn luyện của các chuyên gia kinh tế có thể phân tích các yếu tố đầu vào, mô phỏng kịch bản và đưa ra dự đoán cụ thể cho từng tình huống.
Đặc biệt, cán bộ, công chức cần hiểu rõ nghiệp vụ, xác định bài toán cần giải quyết và truyền đạt điều đó cho đội ngũ kỹ thuật để AI có thể phát huy tối đa hiệu quả phục vụ. Người lập trình không thể “tự suy nghĩ” ra quy trình quản lý. Họ cần được cung cấp đúng yêu cầu, đúng ngữ cảnh. Nói cách khác, cán bộ công chức chính là người đặt hàng, là chủ bài toán, chứ không phải người sản xuất phần mềm.
Bà nhìn nhận vai trò của cán bộ, công chức sẽ thay đổi như thế nào trước sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ?
Trong kỷ nguyên số, vai trò truyền thống của công chức chắc chắn sẽ có những thay đổi sâu sắc. Đây không còn là xu hướng trong tương lai, mà thực tế đang diễn ra. Trong tương lai, người cán bộ không chỉ là người tuân thủ quy trình mà còn là người sáng tạo, giải quyết vấn đề, cũng như kết nối với người dân thông qua các nền tảng số.
Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng công nghệ, kể cả AI, không thể thay thế hoàn toàn con người. Chính những cán bộ, công chức biết sử dụng công nghệ, ứng dụng AI một cách hiệu quả mới là những người tạo ra sự khác biệt và thay thế những người vẫn làm theo cách truyền thống.
.png)
Thay đổi cách thức vận hành của chính quyền
Trong hiện tại và tương lai, chuyển đổi số làm thay đổi cách thức vận hành của chính quyền TP.HCM như thế nào?
Hiện tại và trong tương lai, chuyển đổi số đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của chính quyền thành phố. Từ việc sử dụng văn bản giấy và quy trình thủ công, Thành phố đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái số hiện đại và hiệu quả hơn.
Việc triển khai văn bản điện tử, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch. Trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp các hệ thống này với sự tích hợp của AI và tự động hóa, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ, hoạt động dựa trên dữ liệu và có khả năng dự báo.
Những thay đổi này không chỉ giới hạn ở phương thức vận hành mà còn tác động đến cách thức ra quyết định dựa trên dữ liệu, cách chính quyền tương tác với người dân một cách đa kênh và cá nhân hóa hơn, cũng như phương hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh.
Những thay đổi này không chỉ giới hạn ở phương thức vận hành mà còn tác động đến cách thức ra quyết định dựa trên dữ liệu, cách chính quyền tương tác với người dân một cách đa kênh và cá nhân hóa hơn, cũng như phương hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh.
Chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, TP.HCM sẽ xây dựng thành công một tương lai số nhân văn, thông minh và đáng sống.
Xin cảm ơn bà!
Để doanh nghiệp phát triển, chính sách phải nhất quán và thực thi nhanh. Nếu muốn xã hội vận hành nhanh thì quá trình ra quyết định phải nhanh, tức cần giản lược được những khâu trung gian không cần thiết thông qua việc ứng dụng công nghệ. Đây chính là giá trị của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy TP.HCM phát triển trong kỷ nguyên mới.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh