Bệnh lý tim mạch có thể bẩm sinh từ trong bụng mẹ cho đến cuối đời
Bệnh lý tim mạch là bệnh lý kéo dài có thể bẩm sinh từ lúc trong bụng mẹ cho đến những ngày cuối đời. Bệnh lý tim mạch luôn là một gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm cho toàn bộ hệ thống y tế.
Ngày 17/6, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Tim mạch lần III do Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức.
Hội nghị diễn ra gồm 1 phiên toàn thể và 6 phiên chuyên đề với gần 70 bài báo cáo của các chuyên gia đầu ngành đến từ các trung tâm tim mạch trên cả nước và quốc tế.
Tim mạch luôn là gánh nặng bệnh tật
Theo TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đại dịch Covid -19, chúng ta đều biết các bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim đều có nguy cơ diễn biến nặng hơn đối với những bệnh nhân không bị bệnh lý nền.

BSCKII Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ thêm, những người ở độ tuổi thanh niên nếu phát hiện bị cao huyết áp nên đến bệnh viện để khám, tìm nguyên nhân (tăng huyết áp có thể không có nguyên nhân hoặc tăng huyết áp có thể đến từ nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau) và giải quyết nguyên nhân đó.
Một khi biết mình bị cao huyết áp, người bệnh cần điều chỉnh cách ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp nhằm tránh xảy ra những biến chứng với hậu quả khôn lường, đe dọa đến mạng sống.
Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối duy nhất của khu vực miền Nam, bên cạnh chức năng khám chữa bệnh, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến… tại Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Ban lãnh đạo bệnh viện đặt ra.

Đây cũng chính là trong những tiền đề của các Hội nghị khoa học tại bệnh viện Chợ Rẫy - trong đó có Hội nghị Tim mạch. Không ngừng cập nhật các kiến thức, tham gia các chương trình của Quốc gia và tích cực phát triển các kỹ thuật mới đã góp phần mang đến những báo cáo đa dạng, phong phú, mang đậm tính ứng dụng thực tế cao trong Hội nghị.
PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức các kỳ hội nghị với nhiều báo cáo có nội dung cập nhật mới và ngày càng chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch.
PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhìn nhận bên cạnh ung thư, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, tâm thần, các bệnh lý tim mạch đã và đang trở thành gánh nặng cho toàn bộ hệ thống y tế.
Ông cho rằng, các bệnh lý tim mạch để lại hậu quả vô cùng lớn cho sức khỏe của người dân.
Cho nên việc chăm sóc, sử dụng các biện pháp kỹ thuật giúp đỡ, hỗ trợ, điều trị đối với các bệnh nhân tim mạch là hết sức quan trọng.
Cập nhật nhiều kỹ thuật hỗ trợ, điều trị đối với các bệnh nhân tim mạch
Có thể nói, với gần 70 chủ đề ở nhiều lĩnh vực: Nội tim mạch - Điều trị rối loạn nhịp - Tim mạch can thiệp - Phẫu thuật Tim mạch - Phẫu thuật Mạch máu - Gây mê Hồi sức Phẫu thuật tim. Hội nghị Trung tâm Tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy lần III được xem là ngày hội của ngành Tim mạch.
PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ, Trưởng khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo về những tiến bộ đáng kể trong quản lý bệnh tim mạch trong những năm gần đây đã cải thiện chất lượng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Trong đó, phải kể đến các thuốc chống đông máu mới cũng như các chất ức chế mới như bước đột phá trong việc kiểm soát chứng tăng cholesterol máu.
Các thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ, điều trị và phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, mang đến một lựa chọn an toàn và thuận tiện hơn cho bệnh nhân.

Báo cáo tại Hội nghị Trung tâm tim mạch lần III, BSCKII Kiều Ngọc Dũng, Trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rung nhĩ hiện tại đã trở thành một gánh nặng bệnh lý trên toàn thế giới, số lượng bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ ngày càng nhiều với khoảng 1-2% dân số bị mắc rung nhĩ.
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 10% người trên 80 tuổi mắc rung nhĩ và 1/3 tổng số bệnh nhân rối loạn nhịp nhập viện là do rung nhĩ. Rung nhĩ là nguyên nhân gây rối loạn nhịp hàng đầu khiến cho bệnh nhân phải nhập viện. Rung nhĩ có thể gây suy giảm nhận thức, tăng tử vong, đột quỵ và suy tim.
Trong những năm qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, việc điều trị rung nhĩ đã đạt được nhiều bước đột phá, đặc biệt trong việc triệt đốt rung nhĩ. Với sự ra đời của kỹ thuật cô lập tĩnh mạch phổi bằng bóng lạnh cho phép làm lạnh vùng mô cơ tim tại vị trí cần triệt đốt xuống đến - 40 độ C, phối hợp với việc sử dụng bản đồ giải phẫu điện học ba chiều trong buồng tim đã giúp thời gian triệt đốt rung nhĩ giảm đáng kể, cải thiện chất lượng sống và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân suy tim.
Những năm gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai một kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim. Đó chính là kỹ thuật bắc 2 cầu mạch vành bằng xâm lấn tối thiểu, quan sát trực tiếp, có nội soi hỗ trợ. Theo phương pháp phẫu thuật mới được thực hiện tại khoa Hồi sức - Phẫu thuật Tim Bệnh viện Chợ Rẫy, thay vì cưa xương ức, các bác sĩ sẽ chỉ tiến hành một đường mổ nhỏ, chừng 5-7 cm ở ngực trái của bệnh nhân và sau đó sẽ thực hiện các cầu nối mạch vành.
Không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị, Hội nghị còn mang đến cho người tham dự nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu về Tim mạch trong nước và khu vực.