Y học

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát triển năng lực chăm sóc toàn diện đối với bệnh lý tim mạch phức tạp

Hòa My 26/10/2024 - 18:48

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thành viên thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, vừa tổ chức Hội nghị Khoa học bệnh viện năm 2024 - chủ đề “Chăm sóc sức khỏe toàn diện - Cập nhật và phát triển”, với sự tham gia của các chuyên gia và hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, đội ngũ y tế tại Bệnh viện.

Hội nghị năm nay có 25 đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực từ Tim mạch, Tiêu hóa, Nội soi, Chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu, Hồi sức lọc thận, Nội tiết, Dinh dưỡng, Điều dưỡng,… cập nhật tiến bộ điều trị trên đa dạng mô hình bệnh tật, với các bệnh lý nguy hiểm được quan tâm như: tim mạch, đột tử ở người trẻ, thay khớp gối, xuất huyết tiêu hóa ruột non, điều trị sớm ung thư biểu mô tế bào gan, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn, chăm sóc dinh dưỡng, phòng ngừa té ngã, v.v.

hm2.jpg
BS. Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học 2024

BS. Tạ Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: Nghiên cứu khoa học là nền tảng và động lực để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế không ngừng cải tiến nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả điều trị. Việc kế thừa và kết hợp các phương pháp điều trị truyền thống với ứng dụng kỹ thuật mới đã mang đến những thành công ban đầu và sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu để áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị; ký kết hợp tác và thành lập các trung tâm điều trị chuyên sâu với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu, hướng tới điều trị hiệu quả và toàn diện cho người bệnh”.

Năm 2024, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đưa vào sử dụng hai hệ thống thiết bị tiên tiến là cộng hưởng từ (MRI) tối tân 3.0 Tesla SIGNA™ Hero của GE HealthCare (Hoa Kỳ) và hệ thống chụp – can thiệp mạch DSA 2 bình diện tích hợp trí tuệ nhân tạo, giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch, thần kinh đột quỵ và ung thư.

Bệnh viện cũng kết hợp nhiều phương pháp điều trị có độ khó về kỹ thuật, chương trình tầm soát toàn diện trên nhiều bệnh lý phức tạp, gồm:

1. Những tiến bộ mới trong điều trị rung nhĩ - ThS.BS. Nguyễn Khiêm Thao, Trung tâm Nhịp tim Hoàn Mỹ

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong và tàn phế. Rung nhĩ tăng 5 lần nguy cơ suy tim, tăng 2,4 lần nguy cơ đột quỵ và tăng 2 lần tử vong do tim mạch. Điều trị rung nhĩ phức tạp, đặc biệt ở những người bệnh có rung nhĩ thời gian dài nhiều năm hoặc kèm theo suy tim.

Các phương pháp điều trị can thiệp triệt phá rung nhĩ truyền thống bao gồm: đốt rung nhĩ qua đường ống thông sử dụng sóng cao tần RF, triệt đốt rung nhĩ bằng năng lượng lạnh, triệt đốt bằng xung điện trường, giúp nâng cao hiệu quả điều trị rung nhĩ và giảm thiểu các biến chứng.

Trung tâm Nhịp tim Hoàn Mỹ đã triển khai khám tầm soát phát hiện rung nhĩ, tư vấn và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho từng người bệnh. Đồng thời, Trung tâm từng bước triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại để điều trị rung nhĩ hiệu quả, hạn chế tiến triển của bệnh, cải thiện tình trạng tim mạch và phòng tránh các biến chứng.

2. Điều trị bệnh lý động mạch chủ ngực: Phẫu thuật mở, can thiệp nội mạch hay phẫu thuật lai - ThS.BS. Lương Công Hiếu, Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất, mang máu từ tim đến nuôi các cơ quan khác. Các bệnh lý động mạch chủ thường gặp như phình, hẹp tắc, lóc tách. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi có biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Do đó, việc theo dõi tầm soát để phát hiện điều trị đúng thời điểm, tránh các tình trạng cấp cứu là rất quan trọng.

hm1.jpg

Hiện nay, các phương pháp điều trị bệnh lý động mạch chủ bao gồm: can thiệp nội mạch, phẫu thuật mở, phẫu thuật kết hợp giữa phẫu thuật mở và can thiệp nội mạch (còn gọi là phẫu thuật lai). Trong đó, sự phát triển của phẫu thuật mở và điều trị bằng can thiệp nội mạch đã mang đến kết quả điều trị tốt hơn cho người bệnh. Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện thành công nhiều ca cấp cứu, can thiệp và phẫu thuật phức tạp liên quan đến bệnh động mạch chủ, giúp người bệnh được điều trị chuyên sâu và chăm sóc cá nhân hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

3. Tỷ lệ tăng huyết áp sau phiên lọc máu và các yếu tố liên quan ở người bệnh bị thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ - ThS.BS. Phan Văn Bạc, Khoa Hồi sức lọc thận

Trong một nghiên cứu gần đây, có đến hơn 38% người bệnh thận mạn giai đoạn cuối bị tăng huyết áp sau lọc máu. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang lọc máu định kỳ cần theo dõi sát sao chỉ số huyết áp sau mỗi phiên lọc, đặc biệt ở những người bị hạ natri máu hoặc đang sử dụng nhiều loại thuốc hạ áp. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp là tiết chế lượng dịch đưa vào cơ thể giữa các phiên lọc máu. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định điều trị từ bác sĩ, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát huyết áp, để giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng sống.

4. Tần suất rối loạn lipid máu ở người thừa cân béo phì từ 20 đến 40 tuổi - BS.CKII. Đinh Thị Xuân Mai, Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold Phan Xích Long

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, được tiến hành từ 9/2023 đến 6/2024, trên 340 đối tượng thừa cân béo phì, cho thấy tỷ lệ rối loạn lipid máu ở người thừa cân béo phì độ tuổi 20 - 40 là rất cao. Các rối loạn lipid máu thường gặp nhất là tăng LDL-C và Cholesterol toàn phần. Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở nam cao hơn nữ (81,9% so với 67,1%) và tăng dần theo mức độ thừa cân béo phì.

Rối loạn lipid máu ở người trẻ tuổi, thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người trẻ tuổi thừa cân béo phì nên xét nghiệm tầm soát bệnh lý rối loạn lipid máu để được tư vấn và điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng tim mạch.

5. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành ít xâm lấn ở bệnh nhân lớn tuổi - ThS.BS. Nguyễn Đức Nghĩa, Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành trực tiếp ít xâm lấn (MIDCAB) là phương pháp giúp tái thông động mạch vành trước trái, đặc biệt trên những tổn thương không phù hợp để can thiệp động mạch vành qua da. Nhờ tránh phẫu thuật mở xương ức và không dùng máy tim phổi nhân tạo, phẫu thuật này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu thông thường. Nhờ tính hiệu quả và an toàn, phương pháp này mở ra cơ hội điều trị khả quan với người bệnh lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền. Đồng thời, khuyến cáo người bệnh nên thực hiện tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý tim mạch, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát triển năng lực chăm sóc toàn diện đối với bệnh lý tim mạch phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO