Sớm hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường carbon
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng và phát triển thị trường carbon, từ đó góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngày 10/5, tại TP.HCM, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Luật (ĐHQG Hà Nội) và Trường Đại học Ngoại thương tổ chức hội thảo quốc tế "Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Tại hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM - nhấn mạnh biến đổi khí hậu thách thức mang tính toàn cầu. Một trong những giải pháp mà các quốc gia đang theo đuổi là phát triển thị trường carbon.
Theo GS.TS. Đỗ Văn Đại, thị trường carbon đã phát triển theo Nghị định thư Kyoto 1997 và có nhiều quốc gia đã sớm đưa chế định này vào khung pháp lý. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm lớn thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, xác định lộ trình thí điểm vận hành thị trường carbon tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2025.
"Trên cơ sở những vấn đề pháp lý đang đề cập đều mang tính mới, do đó, chúng ta cần kinh nghiệm của quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam", GS.TS. Đỗ Văn Đại nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội - khẳng định tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, vấn đề tìm cách phát triển thị trường carbon là một điều hoàn toàn mới ở nước ta và thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng.
Trên cơ sở đó, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh khuyến khích nhiều nghiên cứu nên đi sâu vào vấn đề này vì tính mới, tính cấp thiết, tiếp cận dưới nhiều góc độ cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Chinh Quang – Đại học James Cook, Australia - cho rằng khi thị trường carbon mang lại sự linh hoạt và hiệu quả về chi phí, việc triển khai thành công thị trường này đòi hỏi phải có khuôn khổ quản lý và cơ sở hạ tầng thị trường hoạt động tốt. Ngược lại, thuế carbon mang lại khả năng dự đoán về giá carbon nhưng có thể gây ra gánh nặng kinh tế cho một số ngành công nghiệp nhất định.
"Do đó, khung pháp lý của Việt Nam phải cân bằng giữa các cách tiếp cận này, tích hợp các yếu tố đảm bảo cả hiệu quả về môi trường và khả thi về mặt kinh tế", TS. Nguyễn Chinh Quang chia sẻ.
Dựa trên kinh nghiệm của EU và Trung Quốc trong việc thiết lập và vận hành cả cơ chế ETS và thuế carbon, TS. Nguyễn Chinh Quang cho rằng Việt Nam nên tập trung vào việc thiết lập và ổn định ETS trong nước trước khi đưa thuế carbon vào vận hành. Cơ chế này cung cấp cho các công ty sự linh hoạt và giúp họ có thêm thời gian để phát triển các biện pháp giảm phát thải hiệu quả.
Theo đó, ba yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả hoạt động của ETS gồm: mức giới hạn trợ cấp, phương thức phân bổ và cơ chế ổn định giá. Ngoài ra, Việt Nam cần có khung pháp lý chặt chẽ và hạ tầng thị trường đồng bộ nhằm bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phuc Khang Corporation - kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ cho thị trường carbon. Thực hiện soát xét và bổ sung các quy định liên quan đến tín chỉ carbon trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật về khí hậu cùng với các nghị định và thông tư hướng dẫn, nhằm tạo thành một khung pháp lý toàn diện và nhất quán.
Bên cạnh đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu đề xuất các quy định pháp luật cần chú ý đến mục tiêu kết nối thị trường nội địa với các thị trường quốc tế. Cụ thể, pháp luật xây dựng cơ chế giao dịch tín chỉ carbon phải có khả năng kết nối với các thị trường quốc tế, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế (như CDM, VCS …) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm.
"Chỉ khi hoàn thiện hành lang pháp lý, thị trường carbon mới thực sự trở thành công cụ pháp lý – kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050", bà Lưu Thị Thanh Mẫu nhấn mạnh.