Y học

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh phổ biến, nhưng tỷ lệ được điều trị thấp

Phương Khánh 08/05/2025 - 16:22

Theo khảo sát, Việt Nam có khoảng 17 triệu bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch, tuy nhiên tỷ lệ được điều trị suy giãn tĩnh mạch còn thấp.

Tại hội thảo khoa học của Hội Tĩnh mạch học TP.HCM vừa được tổ chức, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cho biết: “Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, với khoảng 17 triệu bệnh nhân mắc bệnh. Tuy nhiên chỉ mới 1,1 triệu bệnh nhân được điều trị. Đây là một bệnh lý mạn tính có tiến triển, ảnh hưởng đến chất lượng sống”.

suy-gian-tinh-mach.png
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, với khoảng 17 triệu bệnh nhân mắc bệnh.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, một số yếu tố nguy cơ của suy tĩnh mạch không thể thay đổi được là yếu tố gene di truyền, tuổi cao, mang thai nhiều lần…; các yếu tố nguy cơ khác có thể phòng ngừa bao gồm đứng lâu, ngồi nhiều, béo phì và chế độ ăn mất cân bằng (nhiều chất béo, nhiều muối…).

Theo PGS.TS.BS Trần Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, suy giãn tĩnh mạch có thể khiến người bệnh bị đau chân, sưng chân, nặng chân, chuột rút, đặc biệt các triệu chứng này sẽ tăng nặng vào cuối ngày.

Bên cạnh đó, tĩnh mạch nổi trên chân (nổi gân xanh); chân bị phù, bị biến đổi sắc tố; nghiêm trọng hơn chân bị loét, loét không lành hay nặng hơn là huyết khối tĩnh mạch.

Không chỉ vậy, người bị suy tĩnh mạch thường có nhiều yếu tố nguy cơ tương đồng với các yếu tố dẫn đến các bệnh lý tim mạch như: béo phì, hút thuốc lá, lão hóa, đái tháo đường, ít vận động… Do vậy, các chuyên gia cảnh báo, người bị suy giãn tĩnh mạch thường dễ tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… và tử vong.

“Vì vậy, bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch cần điều trị tích cực từ giai đoạn sớm nhằm giảm nhanh triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa bệnh tiến triển. Trong đó, điều trị nội khoa bao gồm: vớ/tất y khoa cùng với thuốc trợ tĩnh mạch và thay đổi lối sống đóng vai trò nền tảng cho mọi giai đoạn”, PGS.TS.BS Trần Minh Hoàng cho biết.

thuc-pham(1).jpg
Thay đổi lối sống giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch bao gồm: vận động phù hợp (đi bộ, đạp xe, bơi lội); vận động chân khi có thể (gập, duỗi cổ chân); cung cấp thức ăn giàu vitamin C, E; uống đủ nước...

Thay đổi lối sống giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch bao gồm: vận động phù hợp (đi bộ, đạp xe, bơi lội); vận động chân khi có thể (gập, duỗi cổ chân); cung cấp thức ăn giàu vitamin C, E; uống đủ nước; tránh mặc quần quá chật; mang giày cao chừng 2 – 3cm; hạn chế rượu bia; bỏ thuốc lá.

Ngoài ra, bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể được điều trị can thiệp bằng đốt laser nội tĩnh mạch hay đốt bằng sóng cao tần nội tĩnh mạch. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi có thói quen tập thể dục, khả năng cải thiện triệu chứng suy tĩnh mạch sau điều trị can thiệp nhanh hơn 5,8 lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh phổ biến, nhưng tỷ lệ được điều trị thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO