Kinh doanh

Chuyên gia, nhà khoa học bàn về quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài

Nguyên Cát 09/05/2025 - 16:41

Trong bối cảnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ngày càng được doanh nghiệp lựa chọn nhờ tính linh hoạt và hiệu quả, thì vấn đề quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ là yêu cầu từ thực tiễn hành nghề – nơi mỗi ngày kéo dài có thể kéo theo thiệt hại lớn về tài chính và uy tín cho các bên – mà đây còn là yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh và độ tin cậy của hệ thống trọng tài.

Tại Diễn đàn khoa học “Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giới chuyên môn, luật sư, trọng tài viên và cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra nhiều góc nhìn để giải quyết vấn đề. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chuỗi hội thảo chuyên đề và Diễn đàn khoa học về Trọng tài – Hòa giải 2025 (Arbitration – Mediation Symposium – AMS 2025), do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trường Đại học Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp tổ chức.

Nhu cầu cấp thiết về chuẩn hóa quy trình và quản trị hiệu quả thời gian

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Thành viên Hội đồng VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) – nhận định: Trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại, năng động, các tranh chấp thương mại là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp cần đặt mục tiêu tối ưu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật về trọng tài ở Việt Nam còn mang tính khung, chưa cụ thể, khiến các bên và hội đồng trọng tài gặp khó khăn trong điều phối và áp dụng.

pham-duy-nghia-p2422730.jpg
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa phát biểu.

Ông Nghĩa nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các quy định chi tiết, chuẩn hóa quy trình nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

PGS.TS Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC – khẳng định nhà trường luôn đồng hành cùng các hoạt động học thuật, nghiên cứu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng truyền thống. Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia trao đổi từ góc nhìn lý thuyết đến thực tiễn, đồng thời đề xuất những kiến nghị góp phần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài tại Việt Nam.

dung-p2422744.jpg
PGS.TS Trần Việt Dũng phát biểu.

Từ góc độ thực tiễn hành nghề, LS Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam – nhấn mạnh: mặc dù trọng tài thương mại được đánh giá là cơ chế giải quyết hiệu quả và linh hoạt, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc bị kéo dài không cần thiết, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp. Ông dẫn lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cải cách hệ thống tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian xử lý tranh chấp, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, để khẳng định tính cấp thiết của việc tăng cường cơ chế kiểm soát, hướng dẫn cụ thể và điều chỉnh phù hợp các bên liên quan.

Trọng tài thương mại - công cụ hữu hiệu trong bối cảnh hội nhập

Trọng tài thương mại đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế hội nhập. Với đặc điểm linh hoạt, bảo mật và ít thủ tục rườm rà, phương thức này giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, tiết kiệm thời gian và chi phí khi xử lý tranh chấp. Sự gia tăng của các hợp đồng kinh doanh quốc tế kéo theo nhu cầu sử dụng trọng tài để giải quyết xung đột ngoài tòa án ngày một cao. Tuy nhiên, để phương thức này phát huy tối đa hiệu quả, việc thiết lập cơ chế quản trị thời gian hợp lý, minh bạch và khả thi là vô cùng quan trọng.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc trọng tài tại Việt Nam gặp tình trạng kéo dài do thiếu quy định về thời hạn tố tụng, thiếu biện pháp chế tài khi một bên không hợp tác, hoặc do các hành vi trì hoãn có chủ đích. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự tín nhiệm của giới doanh nghiệp và làm giảm giá trị thực tiễn của trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Thảo luận chuyên sâu từ lý luận đến thực tiễn

Tại phiên toàn thể với chủ đề “Quản trị thời gian trong tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài”, dưới sự điều phối của LS. Nguyễn Mạnh Dũng (Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC), các đại biểu trao đổi xoay quanh 3 vấn đề lớn: Giới hạn số lượng, thời lượng phiên họp và việc phân bổ thời gian hiệu quả; Tình trạng hoãn phiên họp – ảnh hưởng và các cân nhắc pháp lý; Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mới tại phiên họp.

Các chuyên gia gồm LS Lương Văn Lý, LS Nguyễn Quốc Vinh và LS Vũ Lê Bằng đã thống nhất quan điểm việc thiếu quy định cụ thể về thời gian và số lượng phiên họp trong luật trọng tài và quy tắc của các trung tâm trọng tài hiện nay vừa tạo điều kiện linh hoạt nhưng cũng dẫn đến nguy cơ lạm dụng, kéo dài tố tụng. Đặc biệt, yêu cầu hoãn phiên họp ngày càng phổ biến, trong khi các quy định hiện hành tuy có hướng dẫn nhưng việc áp dụng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi hội đồng trọng tài phải linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc công bằng.

Bên cạnh đó, việc các bên nộp thêm chứng cứ ngay tại phiên họp cũng đang bị lợi dụng như một chiến thuật kéo dài quá trình xét xử, dù luật không cấm hành vi này. Các diễn giả kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho các bên và hội đồng trọng tài, đặc biệt về giới hạn và thủ tục trong việc hoãn phiên và cung cấp chứng cứ muộn.

Phiên chuyên môn tiếp tục với chủ đề “Kiểm soát các vấn đề phát sinh sau phiên họp giải quyết tranh chấp, hạn chế kéo dài vụ việc”, được điều phối bởi LS Châu Việt Bắc – Phó Giám đốc VIAC – Chi nhánh TP.HCM. Các diễn giả gồm LS Nguyễn Chính, LS Nguyễn Công Phú và LS Phạm Quốc Tuấn đã chia sẻ nhiều tình huống thực tiễn cho thấy, dù đã kết thúc phiên họp cuối cùng, các bên vẫn tiếp tục nộp bổ sung tài liệu, yêu cầu mới, gây khó khăn cho hội đồng trọng tài và kéo dài vụ việc. Các chuyên gia đề xuất cần quy định chặt chẽ hơn về thời điểm chốt hồ sơ, cũng như cơ chế xử lý đối với các hành vi lạm dụng tố tụng sau phiên họp.

Sự kiện không chỉ là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia và nhà thực hành pháp luật cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là diễn đàn học thuật mang tính xây dựng, góp phần thúc đẩy cải cách pháp lý, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – những phương thức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tư pháp hiện đại tại Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ bởi một hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả, minh bạch và ít rủi ro pháp lý. Những đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là dữ liệu quý giá cho cơ quan quản lý nhà nước và các trung tâm trọng tài trong việc hoàn thiện quy trình, khung pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia, nhà khoa học bàn về quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO