85 giám đốc cơ sở y tế tại TP.HCM được tập huấn về công tác đấu thầu
Hơn 85 bác sĩ là giám đốc các bệnh viện, giám đốc trung tâm y tế quận/huyện công lập trên địa bàn Thành phố đã tham dự khóa tập huấn với chuyên đề cập nhật kiến thức công tác đấu thầu.
Nâng cao năng lực quản lý tài chính, đấu thầu cho giám đốc bệnh viện
Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức khóa tập huấn thứ hai chuyên đề về công tác đấu thầu. Giảng viên là các chuyên gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Y tế và Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM để bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý dành cho các giám đốc bệnh viện.
Tổ chức các khóa cập nhật, bồi dưỡng kiến thức quản lý dành cho đối tượng đặc biệt là giám đốc các bệnh viện và giám đốc các trung tâm y tế về những vấn đề “nóng” của ngành y tế đã được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM xác định là một hoạt động rất mới và không thể thiếu trong tình hình hiện nay.
Chuyên đề cập nhật kiến thức công tác đấu thầu dành cho giám đốc các cơ sở y tế công lập là khóa thứ hai trong năm 2023.
Tại khóa bồi dưỡng này, các giảng viên đã trình bày các chuyên đề quan trọng như: Luật Đấu thầu với các quy định mới trong lĩnh vực y tế, những nội dung cơ bản trong đấu thầu tại các cơ sở y tế, các vấn đề lưu ý từ thực tiễn trong đấu thầu của các cơ sở y tế tại TP.HCM… Ngoài ra, khóa học cũng được chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác quản lý hoạt động mua sắm, đấu thầu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD).
Trước đó vào tháng 3 và tháng 7/2023 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức khóa tập huấn đầu tiên với chuyên đề phân tích các báo cáo tài chính dành cho giám đốc các bệnh viện, nhằm nâng cao năng lực điều hành, tránh sai sót.
Sở Y tế TP.HCM gọi khóa đào tạo đầu tiên là "đặc biệt", vì quản lý tài chính vốn là "điểm yếu khách quan" của hầu hết giám đốc bệnh viện. Họ là người chịu trách nhiệm chính về tự chủ tài chính bệnh viện nhưng chưa từng được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực này.
Bệnh viện cần một đơn vị chuyên trách đầu thầu
Ngoài việc nhận được những kiến thức quan trọng, các học viên còn được đặt những câu hỏi mà thực tế gặp phải và được giải đáp cặn kẽ của các chuyên gia là giảng viên của khóa học liên quan đến đấu thầu.
Các giám đốc bệnh viện còn được nghe đồng nghiệp từ BV ĐHYD chia sẽ kinh nghiệm về những đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý bệnh viện đối với chuyên đề “khó” này, nhất là việc hình thành Đơn vị quản lý đấu thầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý đấu thầu...
ThS quản lý bệnh viện Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị Quản lý Đấu thầu, BV ĐHYD, chia sẻ, tiền thân Đơn vị Quản lý Đấu thầu là Tổ Đấu thầu thuộc Phòng Hành chính của bệnh viện. Đơn vị được chính thức thành lập vào tháng 8/2018 và đi vào hoạt động chính thức ngày 1/10/2018.
Sau 5 năm hoạt động, Đơn vị hiện có 10 nhân sự, 70% là Cử nhân Luật, trong đó có 02 thạc sĩ Luật. 100% nhân sự có chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Đây là nền tảng vững chắc trong vấn đề tư vấn pháp lý, kiểm soát tuân thủ các quy định của pháp luật trong đấu thầu, để đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện được an toàn, hiệu quả. Hiện tại, đơn vị này quản lý trung bình mỗi năm từ 200 - 300 gói thầu.
Theo ThS Giang, việc quản lý hoạt động mua sắm, đấu thầu được triển khai thuận lợi trên cơ sở các nội dung phân công, quy trình quy định rõ ràng, cụ thể. Chủ trương chung của bệnh viện trong mọi hoạt động đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, tất cả các bộ phận có liên quan trọng chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đều hiểu rõ tinh thần làm việc như vậy nên cơ chế phối hợp giữa các bộ phận nhịp nhàng theo đúng quy trình hướng tới mục tiêu chung: Công bằng - Minh bạch - An toàn - Hiệu quả.
Bên cạnh đó, BV ĐHYD TP.HCM ứng dụng Công nghệ Thông tin vào việc quản lý Hợp đồng thầu (HIS), đây là nội dung cơ bản nhất để đảm bảo hoạt động bệnh viện được xuyên suốt, từ đó, việc xác định số lượng dự trù trong chuỗi cung ứng là một trong những nội dung quan trọng trong mua sắm.
“Đối với quản lý mua sắm tổng thể, Đơn vị Quản lý Đấu thầu chú trọng vào các thông tin đầy đủ của 1 gói thầu từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc, các nội dung liên quan đến gói thầu từ tiến độ thực hiện, nhân sự thực hiện, thời gian thực hiện, các nội dung nhà thầu trúng thầu và thời gian thực hiện hợp đồng đều được ghi nhận cụ thể theo từng gói thầu. Toàn bộ các nội dung nêu trên đều được tích hợp trong nội dung báo cáo tuần của Đơn vị. Đây là cơ sở để theo dõi thực hiện và dữ liệu mua sắm tập trung toàn viện được lưu trữ theo hệ thống và theo quy định nội bộ,” ThS Giang cho biết.
Từ khi triển khai mô hình này, việc quản theo dõi tất cả các gói thầu đều được báo cáo đến Ban Giám đốc Bệnh viện theo tuần, giảm thiểu các lý do chủ quan gây thiếu hàng sử dụng trong toàn viện. Việc vận hành Đơn vị Quản lý đấu thầu theo mô hình này để đảm bảo cho hoạt động mua sắm trong toàn viện chứ không hỗ trợ riêng cho đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, các giám đốc bệnh viện sẽ tiếp tục tham dự các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và chia sẽ kinh nghiệm giúp nâng cao năng lực quản lý bệnh viện trong tình hình mới. Dự kiến, khóa đào tạo thứ ba dành cho giám đốc các bệnh viện sẽ là chuyên đề về xã hội hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.