Giáo dục

TP.HCM tháo gỡ khó khăn về đầu tư, đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục

Duy Thư 28/08/2024 - 12:33

Chiều 27/8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2024.

Hội nghị thu hút hơn 110 doanh nghiệp đặt ra 53 câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: phòng cháy chữa cháy; chế độ chính sách, nhân sự; chỉ tiêu tuyển sinh... Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là liệu các doanh nghiệp và trường học có phải tổ chức đầu thầu các chương trình nhà trường hay không?

Cần làm rõ quy định đấu thầu chương trình nhà trường trước khai giảng

Bà Hoàng Thị Lâm Dung – Tổng Giám đốc Công ty Tri Linh, Chủ quản Trung tâm Ngoại ngữ Liên Lục Địa ICLC cho biết, hiện tại các đơn vị doanh nghiệp và nhà trường liên quan đang rất lo lắng về việc đấu thầu các hoạt động.

Bà mong muốn Sở GD&ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần có hướng dẫn một cách sớm nhất về vấn đề rằng các doanh nghiệp có phải thực hiện đấu thầu khi tổ chức các chương trình nhà trường.

Chung nỗi lo, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho hay, vấn đề này xuất phát điểm từ các buổi tập huấn Luật Đấu thầu 2023 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tại đây, thông tin các trường nhận được là đều phải đấu thầu với cơ sở pháp lý viện dẫn là căn cứ vào Điều 2 của Luật Đấu thầu 2023, hiệu lực 2024.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp chia sẻ tại hội nghị.

Trong đó có đề cập các đơn vị sự nghiệp công lập có khoản thu hợp pháp nên phải đấu thầu. Tiếp đó là các đơn vị sự nghiệp có dự toán thu chi trên cơ sở đó đặt ra tất cả các hoạt động trong nhà trường đều phải đấu thầu.

Do đó, ông Thanh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có văn bản chính thức trả lời về việc có cần đấu thấu cho các chương trình nhà trường đứng ra thuê các công ty cung cấp giáo viên hay nguồn cung thực phẩm.

Ông Thanh Lý giải, bếp ăn bán trú tiểu học và mầm non, nếu nhà trường tự nấu, yêu cầu đấu thầu các nguồn cung cấp thực phẩm thì chắc chắn tiền ăn phải tăng lên. Tương tự, yêu cầu đấu thầu các chương trình nhà trường thì tiền thu cũng phải tăng lên để phục vụ cho chi phí đấu thầu.

"Như vậy, bắt buộc chúng tôi tham mưu UBND quận để UBND quận ban hành các khoản thu phải tính toán đến nội dung này. Đây là vấn đề nghiêm trọng, chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm trước khi bắt đầu năm học mới. Để tránh tình trạng trường học thực hiện xong rồi bảo đấu thầu, trong trường hợp phải đấu thầu các trường làm lại bị vi phạm pháp luật giải quyết hậu quả rất phức tạp”, ông Trịnh Vĩnh Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, việc đấu thầu tổ chức chương trình nhà trường là hết sức vô lý.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, vấn đề nóng nhất hiện nay chính là băn khoăn nội dung nào thực hiện trong trường học thì phải đấu thầu, nội dung nào không đấu thầu.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, việc nhà trường phải tổ chức đấu thầu khi thực hiện chương trình nhà trường là điều hết sức vô lý vì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Sở GD&ĐT yêu cầu khi tổ chức một nội dung thuộc chương trình nhà trường, ví dụ như tiếng Anh, tin học thì trường phải thực hiện hết cấp học đó, chứ không phải năm nay chọn đơn vị này để dạy tiếng Anh, năm sau lại chọn đơn vị khác thì học sinh lại phải làm quen với lộ trình, một giáo trình khác...

"Nếu sau mỗi năm học, nhà trường đấu thầu một đơn vị khác không đúng mong muốn với yêu cầu đặt ra của nhà trường thì cuối năm học ai sẽ là người chịu trách nhiệm với kết quả này?" - ông Hiếu nêu vấn đề.

Ông cũng đề nghị, từ nay đến cuối tuần, Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở GD&ĐT phải làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp cùng các sở ngành liên quan cùng ngồi lại vào ngày 4/9 trước khai giảng để phân biệt rõ nội dung nào trong nhà trường thì phải đấu thầu và đấu thầu như thế nào.

Trường ngoài công lập mong có thêm quỹ đất

Cũng tại hội nghị, bà Phan Thị Ánh Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nam Việt (quận Tân Phú) đặt vấn đề: Hiện nay đất quy hoạch giáo dục không dành cho trường tư. Trường muốn mở rộng cơ sở thì phải thuê mướn mặt bằng để cải tạo, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, thủ tục của quá trình này rất khó khăn vì nhiều giấy tờ, thời gian kéo dài, các sở ngành liên quan trả lời chung chung.

“Tôi mong thành phố có thêm chủ trương giao đất cho trường tư thục, đồng thời tinh gọn thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện đầu tư giáo dục”, bà Hoàng đề xuất.

Bà Phan Thị Ánh Hoàng trăn trở về vấn đề đất đai cho giáo dục ngoài công lập.

Giải đáp băn khoăn này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, thông tin hiện nay quỹ đất đầu tư cho giáo dục không còn nhiều, kể cả hệ thống trường công lập.

Theo đó, nhiều dự án xây trường đều thông qua đền bù, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án đầu tư xây dựng trường ngoài công lập, chủ đầu tư phải thực hiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024), đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng qua phi nông nghiệp phải thực hiện hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Với đất ở của cá nhân, UBND cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt dự án đất sử dụng đa mục đích. Riêng với đất ở của tổ chức, doanh nghiệp có thể liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn hồ sơ thủ tục trình UBND TP.HCM phê duyệt đất sử dụng đa mục đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM tháo gỡ khó khăn về đầu tư, đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO