Công nghệ

Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới qua dịch vụ đọc trộm tin nhắn

Ngọc Duy 09/09/2024 - 11:11

Thông qua hình thức này, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt được khoảng 100 triệu đồng từ nhiều người ở nhiều địa phương.

Đây là một trong bốn hình thức lừa mới được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chia sẻ trong series "Điểm tin tuần" về lừa đảo trực tuyến (từ ngày 2/9 - 8/9).

Lừa đảo qua dịch vụ đọc trộm tin nhắn

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố 2 bị can N.Q.H và N.V.D cùng SN 2004, trú tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, 2 đối tượng đã bàn bạc, thống nhất sử dụng nhiều tài khoản, nhóm đăng thông tin không có thật lên Facebook để quảng cáo cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát, đọc tin nhắn tài khoản mạng xã hội của người khác. Cả 2 đã khai nhận lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng của nhiều người ở nhiều địa phương.

Theo lời khai, các đối tượng liên hệ qua với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhân chuyển tiền. Tin tưởng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới tài khoản trên. Sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân.

Cảnh giác với chiêu trò ghi số lô, đề trên mạng xã hội

Tương tự, hiện nay, tình trạng nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết bán lô, đề vẫn tiếp tục xảy ra. Khi khách hàng có nhu cầu mua số, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền mua số.

Các đối tượng tạo lập các trang Fanpage và hội nhóm ảo trên Facebook, giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết để dụ dỗ người dùng tham gia ghi số lô đề.

Đối tượng sẽ hứa hẹn lợi nhuận cao và không có rủi ro, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Ngoài ra, thông qua các hội nhóm Facebook, Zalo hoặc Telegram, đối tượng thường sử dụng chiêu trò như “dự đoán số trúng” hoặc “nhà cái uy tín” để thuyết phục nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng cũng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước để ghi số. Sau khi nhận tiền, họ sẽ cắt đứt liên lạc hoặc cung cấp kết quả sai lệch để chiếm đoạt tiền.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia ghi số lô đề bất kể trực tiếp hay thông qua mạng xã hội.

Theo pháp luật Việt Nam, việc tham gia ghi số lô đề là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc có thể bị lừa đảo, người chơi còn đối diện với nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuyệt đối không tin tưởng và thực hiện giao dịch với những tài khoản mạng xã hội không có thông tin rõ ràng. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Tấn công lừa đảo mạng tại Việt Nam và thế giới được các chuyên gia nhận định vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 7/9, Bộ Công an cho biết, tháng qua có 815 vụ lừa đảo xảy ra trên cả nước. Trong đó lừa đảo qua mạng chiếm gần 55%, với nhiều thủ đoạn tinh vi, như giả mạo cơ quan nhà nước, website công ty, tập đoàn để lừa đảo thu hút đầu tư, tuyển dụng... Hay lập các trang Facebook trường đại học để lừa đảo tiền học phí.

Trong khoảng 4 tuần gần đây, cổng cảnh báo an toàn thông tin do bộ TT&TT quản lý đã tiếp nhận gần 2.900 phản ánh từ người dân về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Lừa đảo, tống tiền qua ứng dụng Google Map

Một công dân sinh sống tại New Orleans (thuộc Louisiana, Hoa Kỳ) đã trình báo về vụ việc bị đe dọa tống tiền bằng các hình ảnh được cho là lấy từ ứng dụng bản đồ Google Maps.

Đối tượng lừa đảo đã tiếp cận nạn nhân thông qua Gmail, thông báo rằng đang nắm giữ thông tin cá nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển 2000$ (~50 triệu VNĐ), nếu không sẽ công khai các thông tin này lên mạng. Đây là thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi, lợi dụng tâm lý dễ hoảng sợ của nhiều người.

Theo như cơ quan chức năng địa phương, thông tin cá nhân như địa chỉ email, số điện thoại di động và địa chỉ nhà thường xuyên bị lộ do sự bất cẩn của người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội, đó có thể là cách mà những kẻ lừa đảo có được thông tin của nạn nhân.

Sau đó, các đối tượng sử dụng địa chỉ nhà của nạn nhân để thu thập những bức ảnh chụp từ Google Maps. Cùng với những bức ảnh, đối tượng nói rằng các thiết bị camera an ninh trong nhà nạn nhân đã bị hack, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền dưới dạng tiền ảo (Bitcoin) nếu không sẽ công khai các dữ liệu chúng đánh cắp được lên trên mạng. Với giọng điệu uy hiếp, đe dọa, nạn nhân dễ dàng bị thao túng tâm lý, làm theo chỉ dẫn mà không biết mình bị lừa.

Trước tình trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác với thủ đoạn trên. Người dân cần bình tĩnh, chủ động xác minh lại thông tin và các dữ liệu mà kẻ lừa đảo cung cấp. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất kỳ trường hợp nào.

Người dân cũng cần gia tăng bảo mật cho các tài khoản, thiết bị của mình, hạn chế tối đa việc dữ liệu bị rò rỉ, đánh cắp bằng cách kích hoạt xác thực bảo mật nhiều lớp, không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau, không cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng trên mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới qua dịch vụ đọc trộm tin nhắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO