Vì sao tấn công mạng gia tăng tại Việt Nam?
Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chia sẻ lí do tấn công mạng gia tăng tại Việt Nam.
Hội thảo công nghệ thông tin và an toàn thông tin vừa diễn ra tại TP HCM. Phát biểu tại đây, ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã nhấn mạnh vai trò to lớn của khâu an toàn thông tin đối với công cuộc chuyển đổi số thành công, bền vững.
Ông Trần Đăng Khoa chia sẻ rằng việc bảo đảm an toàn thông tin mạng càng trở nên cấp bách, cần thiết hơn đối với mỗi doanh nghiệp bởi dữ liệu về thông tin cá nhân khách hàng, dữ liệu về sản phẩm, giao dịch là nguồn tài nguyên vô tận để các doanh nghiệp phát triển.
"Việc mất mát hay rò rỉ thông tin có thể gây thiệt hại lớn về uy tín, hoạt động và tài chính... cho doanh nghiệp", Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 9.503 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó có 8.168 cuộc Phishing (tấn công lừa đảo), 451 cuộc Deface (thay đổi nội dung website), 884 cuộc Malware (tấn công vào hệ thống máy tính).
Đáng chú ý, các cuộc tấn công của ransomware (mã độc tống tiền) vào các tổ chức cơ sở hạ tầng công nghiệp đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022. Hơn 70% tổng số cuộc tấn công bằng ransomware tập trung vào sản xuất, các tác nhân ransomware tiếp tục nhắm mục tiêu rộng rãi vào nhiều ngành sản xuất.
Bên cạnh đó, số liệu từ Viettel Threat Intelligence cho thấy, Việt Nam có đến 12 triệu tài khoản bị xâm nhập và 48 triệu bản ghi dữ liệu cá nhân, tổ chức bị rò rỉ và được rao bán trên không gian mạng trong năm 2023.
Tình trạng gian lận tài chính diễn biến phức tạp với khoảng 5.800 tên miền lừa đảo bao gồm tất cả ngân hàng, 5 ví điện tử, 1 doanh nghiệp sản xuất và 4 doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài ra, 300GB dữ liệu bị mã hoá để tấn công ransomware.
Ông Trần Đăng Khoa cho rằng, tình trạng gia tăng các cuộc tấn công mạng ở Việt Nam trong thời gian qua là hệ quả tất yếu của việc các tổ chức thực hiện chuyển đổi một cách mạnh mẽ, nhưng chưa đẩy mạnh đầu tư tương xứng cho an toàn thông tin.
Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình cải tiến công nghệ đang để lộ ra nhiều điểm yếu nguyên nhân do chưa chú ý đến phát triển an toàn thông tin mạng từ khâu thiết kế và trở thành mục tiêu ưa thích của các tin tặc, tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng trở nên tinh vi hơn về cả quy mô và cách thức.
Bàn về hướng giải pháp, ông Khoa cho rằng sự chung sức của các doanh nghiệp công nghệ là vô cùng quan trọng, đặc biệt của Việt Nam. Trên thị trường có rất nhiều các hãng bảo mật quốc tế gia nhập, tuy nhiên thị trường Việt Nam có những đặc thù riêng với tình hình nguy cơ an toàn thông tin riêng. Vì vậy mà các hãng bảo mật "Make in Việt Nam" có lợi thế hiểu rõ hơn về những đặc tính này, cùng với đó là khả năng tập trung giải quyết các vấn đề, bài toán cụ thể cho từng doanh nghiệp phù hợp hơn với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam đã định hướng, khuyến khích doanh nghiệp chuyển dịch sang sử dụng sản phẩm theo hướng “Make in Việt Nam”, những sản phẩm được sáng tạo tại Việt Nam, được xây dựng và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm, dịch vụ bảo mật Việt”, ông Khoa chia sẻ.