Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đào tạo công dân toàn cầu

Bài và ảnh: Anh Thư| 14/11/2022 09:05

Các trường đại học phải hướng đến việc đào tạo nên công dân toàn cầu, cho thấy sự cạnh tranh nguồn nhân lực không chỉ trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, quốc tế hóa giáo dục đại học là yêu cầu tất yếu, chất lượng giáo dục phải nâng cao toàn diện.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết như trên, theo ông, trong xu thế hội nhập, các trường đại học (ĐH) phải hướng đến việc đào tạo nên công dân toàn cầu, cho thấy sự cạnh tranh nguồn nhân lực không chỉ trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, quốc tế hóa giáo dục ĐH là yêu cầu tất yếu, chất lượng giáo dục phải nâng cao toàn diện, không chỉ là chuyên môn, mà còn rất nhiều kỹ năng khác như: giao tiếp, lãnh đạo, quản lý...

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về liên kết đại học – Công nghiệp năm 2022 với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học” do Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức, PGS.TS Mai Thanh Phong cho biết, đây là hội thảo lần thứ 10, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như thu nhận các góp ý từ các đại biểu, khách mời. Hiệu trưởng thông tin thêm: "Trường ĐH Bách khoa là một trong những trường ĐH kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam, trong những năm gần đây, trường đã chú trọng phát triển, cập nhật cơ sở hạ tầng số, tạo nền tảng công nghệ đáp ứng và phục vụ tốt cho chiến lược quốc tế hóa của trường. Cùng với các hoạt động nghiên cứu và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đối tác như: Thaco, VNPT, Viettel, Petro VN, Dow Chemical, TIS Intec... các doanh nghiệp đã hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nâng cấp sơ sở vật chất phục vụ đào tạo cũng như học bổng hỗ trợ tài năng cho sinh viên".

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, mục tiêu chiến lược của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM là trở thành trường đại học hàng đầu trong khu vực về đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Quốc tế hóa là một trong những chiến lược trọng tâm mà nhà trường đã và đang triển khai hiệu quả. Trong những năm gần đây, cùng với các hoạt động nghiên cứu và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đối tác, Nhà trường đã chú trọng phát triển, cập nhật cơ sở hạ tầng số, tạo nền tảng công nghệ đáp ứng và phục vụ tốt cho chiến lược quốc tế hóa của trường.

Bên cạnh đó, trường ĐH Bách khoa cũng rất chú trọng đến mối liên kết đại học – doanh nghiệp và coi đây là một trong những yếu tố cơ bản đối với sự phát triển bền vững của trường đại học, dẫn đến thành công trong tự chủ đại học. Nhà trường đã thiết lập hợp tác chính thức với hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước,  hợp tác trong nhiều hoạt động đa dạng, đóng góp vào sự phát triển chung của tất cả các bên liên quan, đồng thời cũng thực hiện được sứ mệnh của trường đối với xã hội.

Hội thảo cũng là cầu nối để các trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân quan tâm có cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học và khối công nghiệp, đề ra giải pháp để duy trì và phát triển mối liên hệ bền vững giữa ba nhà: nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và các trường đại học còn có cơ hội để tìm kiếm và thiết lập các quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng trong tương lai.

Giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều đề tài nóng đã được các diễn giả đề cập và phân tích như: “Định hướng chiến lược quốc tế hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp” (PGS. TS. Lại Quốc Đạt, Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại Trường ĐH Bách Khoa); “Hợp tác chiến lược đại học - Công nghiệp: Kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ AUN/SEED-Net” (bà Tonghathai Likhiweerawong, quản lý dự án JICA, AUN/SEED-Net); “Kinh nghiệm hợp tác với đối tác đại học từ Dow Vietnam” (ông Ekkasit Lakkananithiphan-Tổng giám đốc Dow Chemical LLC) và đặc biệt là đề tài “Chuyển đổi số cho hệ thống cơ sở hạ tầng Việt Nam” (ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển - Portcoast). Ông Phúc cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết giúp các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục thay đổi mô hình hoạt động nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển. Tại đây, ông cũng trình diễn một số phần mềm, công cụ, thiết bị hiện đại của công ty và đưa khách mời tham quan một vòng quan khuôn viên Trường ĐH Bách khoa trên cơ sở thực tế ảo.

Doanh nghiệp giới thiệu robot trong sản xuất

Bên cạnh hội thảo, trường cũng tổ chức các gian hàng triển lãm trưng bày các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các thành quả trong liên kết đại học – công nghiệp của trường và các đối tác, các doanh nghiệp, địa phương cũng như các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật. Thông qua 15 gian triển lãm đa dạng và phong phú về chủng loại sản phẩm, đại biểu khách mời đã có những trải nghiệm thú vị về việc ứng dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đào tạo công dân toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO