Y học

Trung tâm ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện đại chào đón kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

THIÊN CHƯƠNG (thực hiện) 03/05/2024 - 12:08

Tại tòa nhà 10 tầng, Khu Điều trị Kỹ thuật Cao, Trung tâm Ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 được dự kiến khánh thành đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 30/4/2025.

Nhân dịp công trình cất nóc chào mừng 30/4 năm nay, Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự y học đã có buổi trò chuyện cùng Thầy thuốc Ưu tú, BS.CKII Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, về lĩnh vực ghép tạng nhi trong thời gian tới.

thay-thuoc-uu-tu-trinh-huu-tung-giam-doc-benh-vien-nhi-dong-2-trao-doi-ve-cong-tac-ghep-tang-cung-nha-bao-bui-huong-pho-tong-bien-tap-phu-trach-tap-chi-khoa-hoc-pho-thong.jpg
Thầy thuốc Ưu tú Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 trao đổi về công tác ghép tạng cùng Nhà báo Bùi Hương - Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông

Bệnh viện Nhi đồng 2: Đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan

Thưa bác sĩ, tính đến tháng 4/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện các ca ghép tạng cho bao nhiêu bệnh nhi? Nếu nói niềm tự hào trong công tác ghép tạng của bệnh viện sau gần 20 năm qua, có thể nghĩ đến điều gì?

Thầy thuốc Ưu tú, BS.CKII Trịnh Hữu Tùng: Kể từ khi thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào 2004 đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 33 ca ghép gan và 10 ca ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh nhi.

Đặc biệt, đối với tiềm năng của việc ghép thận, đến nay Bệnh viện đã thực hiện 30 ca ghép thận với 2 trường hợp ghép thận từ người hiến chết não, trở thành bệnh viện Nhi khoa đầu tiên tại khu vực phía Nam thực hiện kỹ thuật này.

Sự thành công của chương trình ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mang đến các giá trị khoa học, đồng thời có ý nghĩa nhân văn cao cả. Ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo như suy chức năng gan, thận giai đoạn cuối hay ung thư nguyên bào thần kinh… đã được cứu sống nhờ vào ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc.

Hơn 45 năm thành lập, Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong những bệnh viện Nhi khoa chuyên sâu, đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị cho trẻ em. Trung tâm Điều trị Kỹ thuật Cao chính là cơ sở để hình thành và phát triển Trung tâm Phẫu thuật và Hồi sức Cấp cứu Nhi khoa chuyên sâu, Trung tâm Ghép tạng nhi dành cho tất cả trẻ em, đặc biệt ở các tỉnh/thành khu vực phía Nam.

Điều tự hào nhất có lẽ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ kĩ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc theo quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước, trong và sau ghép đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy. Ngày 2/4/2024, Bộ Y tế đã ra quyết định số 785/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não tại Bệnh viện.

Quyết định số 785/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với việc được Bộ Y tế chính thức công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 đủ điều kiện ghép tạng trẻ em, đặc biệt theo sự phân công của Sở Y tế TP.HCM đối với ba bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP theo định hướng phát triển chuyên sâu, Bệnh viện Nhi đồng 2 trở thành Trung tâm Ghép tạng Trẻ em bên cạnh Trung tâm Tim mạch Trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, và Trung tâm Ung thư Trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng TP dần dần trở thành hiện thực.

Đây xem là khích lệ to lớn và động lực cho toàn thể tập thể lãnh đạo và thầy thuốc của Bệnh viện Nhi đồng 2. Hiện, các ca phẫu thuật ghép thận, gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trở thành thường quy.

ghep-gan-cho-tre-la-niem-tu-hao-cua-benh-vien-nhi-dong-2.jpg
Ghép gan cho trẻ là niềm tự hào của Bệnh viện Nhi đồng 2
mot-ca-ghep-gan-tai-benh-vien.jpg
Một ca ghép gan tại bệnh viện

Ghép tạng đã được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 20 năm

Những thuận lợi và thế mạnh lớn nhất của bệnh viện trong công tác ghép tạng cho trẻ em là gì thưa ông?

Về mặt thuận lợi là Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép tạng cách đây hơn 20 năm với việc đặt nền móng đầu tiên của GS.TS.BS Trần Đông A cùng với sự giúp đỡ tận tình của bạn bè Quốc tế như Bỉ, Pháp… Bệnh viện cũng đã phối hợp và nhận được sự hỗ trợ chuyên môn quý báu từ các đơn vị trong nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; và sự động viên khích lệ của UBND TP.HCM cũng như lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM.

Sau nhiều bước xây dựng đội ngũ chuyên môn và cơ sở vật chất, năm 2004 ca ghép thận cho bệnh nhi từ người cho sống đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Robert Debre (Paris, Pháp). Tiếp nối thành công của ca ghép thận, vào năm 2005 ca ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên ở miền Nam cũng đã được thực hiện thành công với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Vương quốc Bỉ. Sau một quá trình học hỏi, nâng cao tay nghề qua nhiều năm, đến hôm nay Bệnh viện Nhi đồng 2 đã dần tự chủ về kỹ thuật trong ghép tạng.

Về thế mạnh lớn nhất của bệnh viện trong công tác ghép tạng cho trẻ em là có được đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đồng thời bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, vật tư y tế và thuốc, hóa chất đầy đủ phục vụ tốt cho nhu cầu chuyên môn.

Với cơ sở ban đầu chỉ có Đơn vị Thận nhân tạo trực thuộc Khoa Thận Nội tiết, các Khoa Niệu và Ngoại tổng hợp, vào cuối năm 2021 Ban Giám đốc bệnh viện quyết định thành lập Khoa Gan Mật Tụy - Ghép gan, và Đơn vị Ghép Tế bào gốc trực thuộc Khoa Ung bướu Huyết học vào năm 2023 nhằm phát triển chuyên sâu, đồng thời sẽ là tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Ghép tạng Trẻ em sau này.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, định hướng trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ cố gắng phấn đấu làm chủ kỹ thuật ghép tim, ghép tuỵ và ghép tế bào gốc dị ghép, ngoài các kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đồng ghép.

Theo bác sĩ, những khó khăn nào được cho là rào cản trong việc ghép tạng cho trẻ tính đến hiện tại?

Một trong những trở ngại lớn hiện nay về ghép tạng cho trẻ em là nguồn tạng hiến, có thể từ người hiến sống hoặc từ người hiến chết não.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện được 33 ca gan ghép cho trẻ em, tất cả gan ghép được lấy từ người hiến sống, hầu hết từ cha, mẹ hay cô, dì, chú, bác… Như chúng ta thấy tỷ lệ viêm gan siêu vi trong dân số khá cao (viêm gan siêu vi B: 8 - 10% dân số) là một rào cản đối với nguồn gan từ người hiến sống.

Đối với ghép thận, bệnh viện thực hiện được 30 ca ghép thận, trong đó có 2 ca từ người hiến chết não, 28 ca từ người hiến sống là người thân.

Về mặt kỹ thuật, các phẫu thuật viên sẽ rất khó khăn khi dùng tạng hay một mảnh mô (gan) của người lớn ghép cho trẻ em. Nếu như dùng tạng có cùng kích thước trẻ em ghép cho trẻ em sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên hiện tại, theo Luật Hiến tạng của Việt Nam quy định không cho người dưới 18 tuổi hiến tạng. Bộ Y tế cũng đã có kiến nghị Quốc hội xin sửa đổi quy định cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng (người chết não).

mot-trong-nhung-rao-can-lon-nhat-trong-ghep-tang-chinh-la-nguon-tang-va-chi-phi-dieu-tri.jpg
Một trong những rào cản lớn nhất trong ghép tạng chính là nguồn tạng và chi phí điều trị

Trung tâm Ghép tạng Trẻ em sẽ sớm phục vụ cho công tác ghép tạng

Hiện tiến độ công trình tòa nhà Điều trị Kỹ thuật Cao ra sao và Trung tâm Ghép tạng của bệnh viện sẽ định hình như thế nào sau khi công trình đi vào hoạt động?

Hiện nay, tòa nhà đang được xây dựng tới tầng 9, cuối tháng 4/2024 sẽ cất nóc và dự kiến khánh thành đưa vào hoạt động vào ngày 30/4/2025 - kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Việc hoàn thành Tòa nhà sẽ sớm đưa Trung tâm Ghép tạng của bệnh viện vào hoạt động. Toàn bộ các khoa khối Ngoại và Hồi sức sẽ chuyển về đây. Phần lớn công năng của tòa nhà sẽ phục vụ cho công tác ghép tạng. Khi Trung tâm Ghép tạng trẻ em đi vào hoạt động, ngoài việc mở rộng cơ sở vật chất, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ đầu tư phát triển đồng bộ về nhân sự, trang thiết bị... Việc ghép gan, thận và ghép tế bào gốc đã trở thành thường quy, nên số lượng ca ghép dự kiến sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay.

Bên cạnh các kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc vốn đã triển khai thành công trong thời gian qua, các y, bác sĩ của bệnh viện sẽ nỗ lực, phấn đấu hướng tới làm chủ kỹ thuật ghép tạng mới như: ghép tim, ghép tế bào gốc dị ghép, và ghép tủy xương.

Chúng ta kỳ vọng gì ở trung tâm và liệu có những áp lực gì tiếp theo không?

Khi trở thành Trung tâm Ghép tạng Trẻ em phục vụ cho các cháu bệnh nhi của các tỉnh/thành phía Nam, chúng tôi hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều bệnh nhi có nhu cầu ghép tạng sẽ được thực hiện ghép tạng trong nước mà không phải ra nước ngoài. Chúng tôi có thể phục vụ ngày càng nhiều cho bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện chi trả khi phải thực hiện ghép tạng.

Hiện tại, chúng tôi có thể khẳng định các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đúng theo quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước trong và sau ghép, quy trình này đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy. Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển khai kỹ thuật ghép các cơ quan nội tạng khác như tim, tủy xương…

Bên cạnh những áp lực làm sao để ngày càng nhiều bệnh nhi suy tạng được tiến hành ghép tạng một cách nhanh nhất và an toàn nhất. Chúng tôi mong muốn các Trung tâm ghép tạng cho trẻ em được nhận nhiều hơn các tạng các như gan, thận, tim… từ người cho chết não, đồng thời Luật Hiến tạng sửa đổi cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng sẽ mở rộng cho nguồn tạng từ trẻ em chết não để tạo điều kiện cho nguồn tạng phong phú giúp cho trẻ em suy tạng có nhiều cơ hội hơn.

Xin cảm ơn Thầy thuốc Ưu tú, BS.CKII Trịnh Hữu Tùng!

“Ngoài nguồn tạng luôn thiếu, chi phí ghép tạng cũng là điều khiến chúng tôi luôn đau đáu. Chúng tôi đã và đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp xây dựng quỹ ghép tạng để lo cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Thêm nữa, các bệnh nhi cũng cần lắm chế độ bảo hiểm y tế. Hiện nay lượng bệnh nhi chờ ghép thận và ghép gan vẫn còn rất nhiều, nhiều bệnh nhi suy thận ở tỉnh phải chấp nhận đối diện với nguy hiểm tính mạng.

Trung tâm chạy thận, Bệnh viện Nhi đồng 2, là nơi duy nhất tại miền Nam dành chạy thận điều trị cho các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối. Các tỉnh chỉ chạy thận cấp cứu. Chính vì điều này dù chạy ngày 3 ca nhưng Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn luôn trong tình trạng quá tải”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện đại chào đón kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO