TP.HCM: Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM, thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn những diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM.
Ngày 15/5, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe cộng đồng
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết các mặt hàng thực phẩm vi phạm đa dạng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn, đường cát....
"Các vi phạm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh", ông Huy nhấn mạnh.
Theo đó, các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện tập trung vào một số vấn đề như: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để chế biến thực phẩm; các vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cụ thể: Xử phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng; xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ; Phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; Phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12.
Bên cạnh đó, qua theo dõi mạng xã hội, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép. UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Thông tin thêm, ông Huy cho biết trong giai đoạn 2024 đến tháng 5/2025, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Qua đó, tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm… có tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỷ đồng.
"Hiện nay, công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Nhiều đối tượng kinh doanh không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trung gian để chào bán hàng hóa", ông Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm thì căn cứ vào hành vi vi phạm, tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như tăng cường kiểm tra đột xuất tại chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại và các kho chứa hàng hóa.
Đặc biệt, từ đầu năm 2025, Sở Công Thương đã đẩy mạnh Kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm, kết hợp tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh thực phẩm nhập lậu, giả, không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, sở triển khai Chương trình "Tick xanh trách nhiệm", khuyến khích các đơn vị trong chuỗi cung ứng tự nguyện dán nhãn xác thực chất lượng, có mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là sáng kiến nhằm nâng cao nhận diện thực phẩm an toàn và thúc đẩy sản phẩm đạt chuẩn tham gia hệ thống phân phối uy tín.
Về mặt kiểm soát thực phẩm từ các tỉnh về TP.HCM, một nguồn cung cấp lớn cho thành phố, Sở Công Thương đã phối hợp với các tỉnh như Đồng Nai để kiểm tra chất lượng từ đầu nguồn. Đồng thời, kiểm soát chặt tại các cửa ngõ thành phố, chợ đầu mối, với trọng tâm là các giấy tờ về kiểm dịch và điều kiện vệ sinh vận chuyển.
Sở Công Thương khuyến cáo người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm qua đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường địa phương, để chung tay ngăn chặn thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.