Pháp luật chưa đồng bộ trong xử lý tài sản bán đấu giá: Người mua… chịu nhiều rủi ro
Ngày 14/5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, với chủ đề “Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần sửa luật để khắc phục các bất cập, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người trúng đấu giá – những người đang phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý.
Sửa luật để thi hành án “bắt nhịp vào cuộc sống”

Phát biểu đề dẫn, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cho rằng tinh thần của Nghị quyết 68 về cải cách pháp luật cần được thể chế hóa trong các văn bản cụ thể, trong đó có Luật Thi hành án dân sự – để bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, tạo niềm tin cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Việc thi hành án hiện nay còn nhiều vướng mắc do chưa xác định rõ quyền sở hữu tài sản ngay từ bản án. Trong thực tế, một khối tài sản lớn có thể bao gồm hàng trăm tài sản nhỏ. Khi kê biên và xử lý, dễ phát sinh tranh chấp, kéo dài thời gian thi hành.

Một bất cập lớn khác là việc định giá tài sản. Dù luật quy định phải theo giá thị trường, song thực tế vẫn còn tình trạng “định giá thấp”, gây thiệt hại cho người có tài sản, tạo rủi ro cho người mua đấu giá.
Luật sư Hoan cũng chỉ ra khoảng trống pháp lý trong giám sát thi hành án: “Luật không quy định rõ trách nhiệm giám sát của Viện Kiểm sát ở giai đoạn bán đấu giá. Điều này dễ dẫn đến những lỗ hổng trong thực thi, thậm chí có thể phát sinh tiêu cực”.
Bản án tuyên không rõ: cơ quan thi hành án lúng túng
Một bất cập nghiêm trọng khác được các chuyên gia chỉ ra là bản án tuyên không rõ ràng, khiến cơ quan thi hành án không thể thực hiện.
Dẫn chứng vụ EPCO - Minh Phụng, luật sư Hoan cho biết bản án chia tài sản thành hai nhóm: nhóm có thế chấp, nhóm không thế chấp. Tuy nhiên, nhóm không đủ điều kiện pháp lý để thế chấp lại giao cho doanh nghiệp có cá nhân bị xử lý hình sự để tự xử lý. Điều này dẫn đến rối loạn trong quá trình xử lý tài sản.
Ngoài ra, theo LS Hoan, Thông tư liên tịch số 02 năm 2002 giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước về quy trình bán đấu giá tài sản lại không đồng bộ, gây triệt tiêu quyền của người được thi hành và người phải thi hành án. “Kết quả là, khi bán đấu giá tài sản không đảm bảo pháp lý, người mua là người chịu rủi ro lớn nhất”, luật sư Hoan khẳng định.
Cần cơ chế giám sát đặc biệt và tháo gỡ vướng mắc
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan người bị thi hành án, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng cần cho người bị thi hành án tham gia sâu vào quá trình thi hành. Bởi lẽ, họ là chủ sở hữu trước đây, nắm rõ thông tin tài sản và quyền lợi liên quan. Nếu họ được tham gia, việc xử lý tài sản sẽ nhanh hơn và minh bạch hơn.
Liên quan việc giám sát các vụ án, luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhấn mạnh: Việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Cơ quan điều tra Bộ Công an giám sát các vụ án kinh tế, tham nhũng là rất cần thiết, đặc biệt trong khâu xử lý và thu hồi tài sản.

Bàn về quyền lợi người trúng đấu giá, ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản TP.HCM, đề xuất phải có cơ chế đánh giá chính xác tài sản, minh bạch quy trình, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tham gia và trúng đấu giá.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, nhận định: Sau nhiều năm thực hiện, Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều bất cập, quy định chồng chéo, gây khó khăn trong tổ chức thi hành. “Việc sửa đổi là rất cấp thiết để luật theo kịp thực tiễn và bảo vệ các bên liên quan”, ông Hòa khẳng định.