Người bị cảm cúm có biểu hiện nóng sốt (sờ vào người thấy nóng), nhức đầu, đau nhức mình, nhảy mũi, ho và đặc điểm là rất uể oải, muốn nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh. Xử trí bằng cách: cho nằm nghỉ, uống nước trà nóng hoặc nước cam hay chanh nóng, uống paracetamol nếu nhức đầu đau mình nhiều. “Cạo gió” hay không cũng không sao. Nhưng khi chúng ta gặp một người bề ngoài đang mạnh khỏe đột nhiên chóng mặt, "xây xẩm", méo mặt, hay té xỉu, bất tỉnh nhân sự, thì chúng ta cũng nói là "trúng gió". Nhưng đó có thể là: cơn đau tim đột ngột (heart attack), tai biến mạch máu não (nhũn não hay đứt mạch máu não), hoặc tim đập loạn nhịp (arrhythmia) làm máu không lên kịp tới não gây đột quỵ (stroke). Thường hơn cả chỉ là bệnh nhân bị ngất xỉu tạm thời (syncope) vài giây sau khi ra nắng, ra lạnh, ra gió, ra mưa, làm việc quá sức, đói quá (hạ đường huyết) hay do xúc động. Cơ chế sinh bệnh là do hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động quá nhiều, tim đập chậm lại, mạch máu giãn nở ra, áp huyết hạ xuống. Nằm xuống, máu lên đầu lại đầy đủ, khỏe lại như thường. Trường hợp này sờ vào người thấy lạnh và thông thường được gọi là cảm lạnh. Nhưng cũng cần nói thêm có khi syncope (ngất xỉu tạm thời) lại là giai đoạn đầu của đột quỵ.
Tóm lại, khi gặp người nhà đang khỏe đột nhiên té nằm xuống (khó phân biệt muốn nằm nghỉ hay té xỉu), mình sờ người thấy nóng sốt (nếu đặt nhiệt kế được thì tốt) thì nghĩ là cảm. Còn nếu sờ người thấy bình thường hay lạnh thì nên nghĩ nhiều đến ngất xỉu tạm thời hoặc đột quỵ thì cấp thời đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, không nên giữ lâu ở nhà cũng như cạo gió làm cơ thể người bệnh động đậy nhiều thì bệnh sẽ nặng thêm, đặc biệt là trường hợp đột quỵ.