Trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi công nghệ cao

Đức Minh| 15/08/2022 03:20

KHPTO - Dù xuất phát điểm chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, nghèo khó, nhưng nhiều người trong số họ đã sớm trở thành tỷ phú, nhờ có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ việc mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi và sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi đang là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước. Với tư duy mới, cách làm táo bạo và mạnh dạn ứng dụng các sáng kiến công nghệ, người chăn nuôi thu về kết quả tích cực.

Tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, nổi lên mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã Tuấn Chuyền cho hay, từ quy mô chăn nuôi hộ gia đình, ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô; đồng thời, liên kết với trên 100 hộ vệ tinh chăn nuôi gà trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với đó, hợp tác xã giải quyết việc làm cho khoảng từ 40 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Nhìn lại hành trình, ông Tuấn chia sẻ, trước kia gia đình chỉ có vài trăm con gà, chuồng trại không được đầu tư nên gà thường xuyên bị mắc bệnh. Có những lứa gà bị thất bại, sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi các kiến thức về cách chăm sóc, chăn nuôi giống gà của quê hương, anh đã quyết tâm vay mượn vốn để xây dựng chuồng trại, đầu tư mua máy ấp trứng hiện đại theo công nghệ Nhật Bản.

Đến năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền được thành lập với 7 thành viên, chuyên cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, các hộ vệ tinh cũng phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật chăn nuôi của hợp tác xã đã tập huấn. Hiện nay, gà giống và gà thương phẩm của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc...

Không những thế, với 36 máy ấp trứng hiện đại ứng dụng công nghệ Nhật Bản hiện có, trung bình mỗi tuần, hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con gà giống. Toàn bộ quá trình ấp trứng được tự động, không phải đảo bằng tay, tỷ lệ nở đúng ngày đạt cao. Ngay sau khi ra lò, gà được tách riêng gà trống và gà mái, loại những con gà không đảm bảo tiêu chuẩn và tiêm phòng vaccine. Gà giống được bán với giá 11.000 đồng/con.

Cùng với cung ứng gà giống, hợp tác xã còn là địa chỉ cung cấp gà thương phẩm nổi tiếng cả nước. Hợp tác xã hiện có 4 cửa hàng cung cấp gà thương phẩm tại Hà Nội, 2 cửa hàng tại TP Hạ Long và 1 cửa hàng tại Lào Cai. Trung bình mỗi cửa hàng tiêu thụ khoảng 2 tấn gà/ngày. Giá bán đối với gà hơi là 130.000 đồng/kg, gà đã sơ chế sạch 165.000 đồng/kg. Ngoài ra, gà thương phẩm của hợp tác xã còn được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển ở Hà Nội.

Mô hình nuôi xen tôm càng xanh – lúa tại huyện Tân Phú Đông tăng thu nhập cho người dân vùng trồng lúa bị nhiễm mặn. Ảnh: Trung Đông.

Tại khu vực phía Nam, Tân Phú Đông là huyện cù lao ven biển của tỉnh Tiền Giang có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm thường xuyên bị thiên tai hạn mặn đe dọa sản xuất và đời sống. Để thích ứng biến đổi khí hậu, các xã ven biển như Phú Tân, Phú Đông… đã phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi luân vụ tôm – lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc ứng dụng một số thành tựu công nghệ trong kiểm soát việc nuôi trồng, chăm sóc và khai thác.

Ông Sáu Hà, cư ngụ tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, nuôi 13 ha tôm sú theo mô hình quảng canh cài tiến. Ông cho biết, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng từ 300 - 350 triệu đồng từ nguồn lợi tôm và các đối tượng thủy sản khác trong ao. Nhờ mô hình này, nhiều năm nay, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hẳn lên. Đặc biệt hơn, đã có rất nhiều hộ nông dân ngay tại địa phương hoặc ở các vùng lân cận đã tìm tới để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Ngoài việc thu được hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập và đời sống cho người chăn nuôi, những nỗ lực trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tích cực, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xóa đòi, giảm nghèo mà địa phương đang phấn đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO