TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình Tiếng Anh tích hợp
Sau 10 năm triển khai hiệu quả Đề án 5695 (chương trình Tiếng Anh Tích hợp), TP.HCM tiếp tục thực hiện và nghiên cứu phương án mở rộng trong thời gian tới.
Chiều 29/11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (GD&ĐT TP.HCM) tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 5695 (chương trình Tiếng Anh Tích hợp) trong 10 năm qua (20/11/2014 – 20/11/2024), qua đó tiếp tục triển khai thực hiện, tạo động lực cho việc triển khai hiệu quả Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Hội nghị có sự tham dự của ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM; đại diện ngành GD&ĐT một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ,…; đại diện phòng GD&ĐT và một số trường Tiểu học và THCS các quận, huyện và TP Thủ Đức,…
Đề án 5695 mang lại hiệu quả nhất định
Báo cáo tham luận tại hội nghị, thầy Trịnh Đình Thảo - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa trong các năm qua đã thể hiện được những giá trị tích cực trong hoạt động hội nhập quốc tế trong giáo dục; giúp học sinh có điều kiện thụ hưởng chất lượng giáo dục quốc tế trong điều kiện của một trường công lập Việt Nam; giúp phát huy tư duy, khả năng học thuật quốc tế của học sinh; đồng thời giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình học tập sau này.
“Thường xuyên được học tập với giáo viên nước ngoài trong môi trường giáo dục quốc tế giúp học sinh có điều kiện sử dụng tiếng Anh trong nhiều hoàn cảnh, trong học tập và giao tiếp. Kết quả dạy học và giáo dục toàn diện của nhà trường đã khẳng định giá trị của việc học tập môn Toán và khoa học bằng tiếng Anh đối với năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh. Trong điều kiện trao đổi, phối hợp với giáo viên nước ngoài trong quá trình thực hiện Đề án, giáo viên và học sinh nhà trường có điều kiện thuận lợi để sử dụng tiếng Anh một cách thường xuyên, tạo thành một thói quen, góp phần đáp ứng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, thầy Trịnh Đình Thảo chia sẻ.
Ông Phan Văn Quang – Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết, năm học 2015-2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tiếng Anh tích hợp (ĐA 5695) trên địa bàn quận Tân Bình. Ngành GD&ĐT quận Tân Bình triển khai thực hiện 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS.
Đến nay, Chương trình Đề án 5695 đã thực hiện được 10 năm trên địa bàn quận Tân Bình. Quận Tân Bình có tổng số 26 trường Tiểu học với 705 lớp. Trong đó, 26 trường dạy tăng cường tiếng Anh với 705 lớp (đạt tỉ lệ 100%); 7 trường dạy Đề án 5695 với 231 lớp (đạt tỉ lệ 32,76%).
Tổng số trường THCS của quận Tân Bình là 14 với 509 lớp. Trong đó, 23 trường dạy tăng cường tiếng Anh và 5 trường dạy Đề án 5695. Tổng số lớp dạy tăng cường tiếng Anh là 152 (đạt tỉ lệ 29,86%) và tổng số trường dạy Đề án 5695 là 27 (đạt tỉ lệ 5,3%).
“Đề án 5695 mang lại hiệu quả nhất định: chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh ở các trường có chuyển biến rõ rệt. Chất lượng nghe, nói tiếng Anh của học sinh được nâng lên, học sinh tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài và đặc biệt là vốn từ chuyên ngành. Học sinh không chỉ phát triển ngôn ngữ tiếng Anh mà còn tiếp cận các tri thức, tư duy Toán và khoa học thông qua môn Tiếng Anh, phát triển năng lực của học sinh là nền tảng giúp cho học sinh tự nghiên cứu; tạo sự phản xạ tiếng Anh một cách tự nhiên, biến ngoại ngữ trở thành một công cụ học tập đắc lực, đồng thời học sinh có thể tra cứu tài liệu của các nước trên thế giới”, ông Phan Văn Quang khẳng định.
Bà Nguyễn Phương Lan – Tổng Giám đốc EMG Education (đơn vị đồng hành cùng Sở GD&ĐT TP.HCM để triển khai thực hiện Đề án 5695) cho biết, để việc thực hiện chương trình được thành công, cần đảm bảo bốn điều kiện then chốt: Mô hình hợp tác “bốn nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà người học) nhất quán, hiệu quả và thành công; Đội ngũ giáo viên giỏi; Xây dựng khung chương trình ứng dụng công nghệ tiên tiến chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng môi trường ứng dụng tiếng Anh thực tiễn, học mọi lúc mọi nơi, không chỉ giới hạn trong các giờ học trên lớp. Đề án 5695 đã đáp ứng đầy đủ những điều kiện này, trở thành tiền đề quan trọng để từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Lan cho biết, trong năm 2023 vừa qua, gần 1.000 học sinh chương trình Tiếng Anh tích hợp đã tham gia và đạt thành tích tốt trong kỳ thi lấy chứng chỉ phổ thông quốc tế Pearson Edexcel: Môn Tiếng Anh có 100% học sinh cấp THPT đạt kết quả đạt trở lên; Môn Khoa học có 96% học sinh cấp THCS và 99% học sinh cấp THPT đạt kết quả đạt trở lên; Môn Toán có 100% học sinh ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT đạt kết quả đạt. 86% học sinh cấp Tiểu học, 70% học sinh cấp THCS đạt điểm Giỏi. Tỷ lệ học sinh đạt điểm Giỏi môn Toán cấp THPT là 84%, trong đó 31% học sinh đạt điểm tuyệt đối (điểm 9).
“Những thành quả này là minh chứng cho sự thành công của Đề án 5695 và việc dạy và học các môn Toán – Khoa học bằng Tiếng Anh. Nhìn về tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thế hệ trẻ Việt Nam năng động, tự tin và hội nhập. Tuy nhiên, hành trình này mới chỉ bắt đầu”, bà Nguyễn Phương Lan khẳng định.
Tại phần thảo luận, một số đại biểu đã chia sẻ những băn khoăn, đề xuất liên quan đến thực hiện Đề án 5695 nhằm đảm bảo sự thống nhất, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; Cần tổ chức một hội thi hoặc sân chơi chung giữa các cụm thi đua, các tỉnh thành để lan tỏa chương trình và phát hiện những tài năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhân rộng mô hình Đề án 5695 của TP.HCM, trong đó TP.Hà Nội đã sẵn sàng triển khai đề án.
Ngành giáo dục cần nhân rộng làm theo Đề án 5695
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, biểu dương kết quả của Đề án 5695 mà ngành giáo dục TP.HCM đạt được. Ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, Đề án 5695 được thực hiện kịp thời, đúng mục tiêu, thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo TP và quyết tâm dám nghĩ dám làm của Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai cụ thể Nghị quyết 29, chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả này tạo động lực cho việc triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai ngay sau Kết luận số 91.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Đề án 5695 là việc của TP.HCM nhưng thấy hiệu quả thì các tỉnh, thành cần nhân rộng mô hình tương tự nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chú trọng đến ngoại ngữ, tin học. Trong đó, Đề án 5695 có nhiều chữ được: Học sinh được nâng cao phẩm chất toán – khoa học – tiếng Anh, giáo viên được nâng cao trình độ, nhà trường được tăng cường cơ sở vật chất nâng cao chất lương, cán bộ trường và bộ môn thì được phong trào, được năng lực phẩm chất khác của học sinh; các em học sinh được tự tin giao tiếp trong cuộc sống, đủ tự tin để học các môn học khác; phụ huynh được niềm tin với nhà trường và ngành giáo dục,..
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Đề án 5695 thể hiện tính hiệu quả của công tác xã hội hóa. “Nếu không có xã hội hóa thì trên 30.000 học sinh của TP không có cơ hội tiếp cận chương trình chất lượng như vậy; hợp tác công tư phù hợp với xu thế. Đây là kết quả của hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục”, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định và cho rằng 5 bài học kinh nghiệm thành công của Đề án là: Có sự quan tâm của lãnh đạo TP và các quận, huyện; Sự chủ động tham mưu của lãnh đạo Sở GD&ĐT; Công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai minh bạch về chương trình; Ý nghĩa của hợp tác công tư, tìm được đối tác đủ năng lực; và quyết định nhất là yếu tố con người, từ những người lãnh đạo cao nhất TP đến quận, huyện và giáo viên.
Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ ngành giáo dục TP.HCM tiếp tục nghiên cứu mở rộng thêm số trường, số lớp và một số môn học khác ngoài Toán và Khoa học trong điều kiện có thể để có thể giảng dạy bằng tiếng Anh, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đối với băn khoăn của một số Sở GD&ĐT về chương trình, Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng “Muốn làm phải học tập, phải có sự quyết tâm cao. Nếu chỉ ngồi băn khoăn chờ đợi Bộ mà không tổ chức hội nghị, hội thảo thì không thể tìm ra lối đi. Muốn thực hiện được thì các Sở phải suy nghĩ trước để có giải pháp về: cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, giáo viên, xã hội hóa, kiểm tra đánh giá, phương pháp đánh giá và giảng dạy,…”.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM biểu dương kết quả của các đơn vị thực hiện Đề án 5695. Trong đó, yếu tố thành công của đề án là sự quan tâm của phụ huynh, đồng hành với thầy cô giáo thì mới thực hiện thành công chương trình. “Nếu chương trình thành công thì đầu tiên phải ghi nhớ công ơn của phụ huynh học sinh bởi nếu phụ huynh không tham gia thì không thể có kết quả như ngày hôm nay. Bên cạnh đó là ý chí quyết tâm đeo bám của các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường khi tham gia thực hiện chương trình này, sự quyết tâm thực hiện đề án của lãnh đạo Sở GD&ĐT”, bà Trần Thị Diệu Thúy khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất tiếp tục tổ chức thực hiện đề án 5695 trong thời gian tới, mở rộng áp dụng chương trình để học sinh được tăng điều kiện tiếp cận và có thể nghiên cứu thêm một số hình thức đào tạo để học phí thấp hơn, có giáo viên bản ngữ hoặc giáo viên Việt Nam có trình độ tương đương.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, ban đầu, Đề án 5695 được triển khai tại một số trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và tại một số quận trung tâm của thành phố. Từ những kết quả tích cực đạt được ở các đơn vị được triển khai đầu tiên, nhu cầu cha mẹ học sinh tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện đã mở rộng ra nhiều trường khác.
Từ năm 2014 đến 2024, số lượng học sinh tham gia chương trình tăng dần qua các năm: Năm 2014: 18 trường, 3 quận huyện, 600 học sinh; Năm 2024: trên 160 trường, 20 quận huyện, trên 30,000 học sinh.
Trong năm học 2023-2024, con số này đã tăng lên trên 30,000 học sinh. Điều này cho thấy nhu cầu học tiếng Anh, kết hợp với các môn kiến thức khoa học, ngày càng tăng cao.