Y học

TP.HCM phát triển y tế chuyên sâu cả bệnh viện công lập lẫn tư nhân

An Quý 21/10/2023 12:38

Để góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo các chuyên gia, ngành y tế Thành phố cần xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.

Mới đây, ngành Y tế TP.HCM đã tổ chức thành công hội nghị “Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM”. Hội nghị đã tạo cơ sở khoa học để xây dựng đề án phát triển y tế chuyên sâu tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

TP.HCM thuận lợi phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

Đặc biệt ngành y tế cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; giải pháp để TPHCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

phuat-thuat-nam-khoa-tai-benh-vien-binh-dan.jpg
Đặc biệt ngành y tế Thành phố cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân

Hệ thống y tế của TP.HCM bao gồm 129 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ Ngành, 32 bệnh viện Thành phố, 19 bệnh viện Quận/Huyện và 66 bệnh viện tư nhân), 22 Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức (trong đó 4 trung tâm y tế có giường bệnh nội trú), 310 Trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện gồm Trung tâm cấp cứu 115 và 39 trạm cấp cứu vệ tinh.

Trong đó, 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, 45 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là cơ sở đào tạo liên tục.

Bên cạnh các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trên địa bàn Thành phố còn có các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành như Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 30 tháng 4… là những bệnh viện phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của TP.HCM và khu vực phía Nam.

anh-dung-pgs-so-y-te-tphcm.jpg
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố không chỉ công lập mà còn tư nhân đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh,

“Hệ thống y tế tư nhân của Thành phố cũng ngày càng lớn mạnh, tạo thuận lợi cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay, Thành phố có 66 bệnh viện tư nhân trên tổng số 335 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ gần 20% số), chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh toàn Thành phố.

Nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt được các chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe,” TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm Thành phố hiện có 08 trường Đại học đào tạo nhân lực y tế (Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng), 20 trường dạy nghề đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật viên… Đây là điều kiện thuận lợi để Thành phố xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

TP.HCM phát triển 3 cụm y tế chuyên sâu

Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất lãnh đạo Thành phố chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành phố thành 3 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 31-NQ/TW.

Theo TS.BS Anh Dũng, “Cụm y tế trung tâm” bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu trên địa bàn các quận trung tâm của Thành phố, tiếp tục giữa vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu.

“Cụm y tế Tân Kiên” đang trên lộ trình hiện thực hóa thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế vùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

benh-vien-nhi-dong-thanh-pho.jpg
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thuộc “Cụm y tế Tân Kiên”. Ảnh minh họa

Cụm thứ ba là “Cụm y tế Thủ Đức” khi hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển y tế vùng Đông Nam bộ.

Ngày 12/10/2023, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) đã đồng chủ trì buổi họp để thảo luận và thống nhất định hướng phát triển TP Thủ Đức trở thành cụm y tế chuyên sâu thứ ba của TP.HCM.

Ưu tiên phân bổ đất đã được quy hoạch là đất y tế và là đất trống, có thể triển khai đầu tư ngay đối với các cơ sở y tế công lập hiện hữu nhưng đang bị quá tải, xuống cấp, bao gồm: BV Lê Văn Thịnh cơ sở 2 (0,9 ha), BV Lê Văn Việt cơ sở 2 (1,5 ha), BV TP Thủ Đức xây mới (5,8 ha) đề xuất bằng ngân sách, vay vốn kích cầu.

Ngoài ra, cuộc họp đã thống nhất cao việc ưu tiên dành khu đất trống (0,8 ha) để xây mới Bệnh viện Mắt cơ sở 2 bằng nguồn vay kích cầu, cũng như thống nhất cao xây mới Trung tâm Tầm soát bệnh bằng công nghệ cao (2,9 ha) bằng kêu gọi nguồn vốn tư nhân. Phương thức PPP cũng được đề xuất và thống nhất cao để xây mới một bệnh viện chuyên khoa đột quỵ (loại hình bệnh viện chuyên khoa này hiện chưa có tại TP.HCM).

Bên cạnh Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM, việc ưu tiên đất để phát triển thêm các cơ sở đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao đã đạt được sự thống nhất cao của UBND TP Thủ Đức và Sở Y tế TP.HCM.

Trong quy hoạch đất cho y tế của TP Thủ Đức, nhiều khu đất dành cho mô hình viện - trường như cơ sở 2 của BV Đại học Y Dược TP.HCM, dành cho các trường đại học Y khoa của các nước có hệ thống y tế phát triển (Nhật, Anh, Mỹ,…). Ngoài ra, cụm y tế Thủ Đức còn dành đất cho các trường điều dưỡng, gắn liền với các bệnh viện thực hành như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện TP Thủ Đức…

TP.HCM không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước.

“Trong đánh giá chất lượng bệnh viện, TP.HCM hiện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước. Không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,50 điểm như hướng tới người bệnh, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động chuyên môn, hoạt động cải tiến chất lượng, đặc thù chuyên khoa,” PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Để TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đưa ra 5 nhóm giải pháp. Bao gồm: Liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc; Phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; Đột phá y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế; Hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2023).

Hội thảo giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN do Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền phong và Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức vào ngày 19/10 tại TP.HCM.

Tại hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên rất cao. Toàn cầu, khu vực ASEAN và cả Việt Nam đều đang đối mặt mô hình bệnh tật kép; các bệnh lây nhiễm, nổi lên như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng…; bệnh không lây nhiễm như ung thư, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, béo phì, đái tháo đường, thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa…

Bên cạnh đó là vấn đề an toàn thực phẩm, từ nhập khẩu đến nuôi trồng, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật; thực phẩm đông lạnh; đặc biệt hiện nay, biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội như triều cường, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ biến đổi, khói bụi, ô nhiễm chì… là những thách thức đối với một thành phố lớn như TP.HCM.

"Việt Nam còn đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Việt Nam có hơn 10 triệu người già và mỗi người già có đến 4 - 5 bệnh, gây gánh nặng y tế rất lớn cho chính hệ thống y tế," PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển y tế chuyên sâu cả bệnh viện công lập lẫn tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO