TP.HCM phát động "mỗi đơn vị kinh doanh là một điểm đến thân thiện"
Lễ phát động chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh là một điểm đến thân thiện” đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong nỗ lực nâng tầm ngành du lịch TP.HCM.
Sáng ngày 27/12 tại Công viên Queenland – Khu Sky Garden (Quận 7), Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường và UBND Quận 7 cùng các Sở ngành, đơn vị tổ chức Lễ phát động chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh là một điểm đến thân thiện”.
Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm xây dựng hình ảnh TP.HCM trở thành điểm đến du lịch thân thiện, an toàn và chuyên nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Chương trình mang ý nghĩa thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ: “Chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” là một phần quan trọng trong đề án phát triển du lịch bền vững của TP.HCM giai đoạn 2025-2030. Đây không chỉ là lời kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, mà còn là cam kết của Thành phố trong việc nâng tầm trải nghiệm du lịch, tạo dấu ấn văn hóa đặc sắc và sự thân thiện mà du khách sẽ nhớ mãi”.
Tiêu chí đánh giá “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện”
Trong khuôn khổ Lễ phát động chương trình, các hoạt động thiết thực đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực từ các đơn vị kinh doanh, như: ban hành tiêu chí đánh giá “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” với các tiêu chí cụ thể.
Các tiêu chí gồm: Sản phẩm/dịch vụ: Sản phẩm đa dạng, sáng tạo, đảm bảo chất lượng và an toàn; áp dụng công nghệ tiên tiến; đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhiều đối tượng khách hàng. Cung cấp dịch vụ chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng; tạo được trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Thái độ phục vụ: Đội ngũ nhân viên có thái độ thân thiện, tận tâm và chuyên nghiệp trong việc phục vụ khách hàng; luôn lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả; có thực hiện các hình thức đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng (như phiếu khảo sát lấy ý kiến khách hàng, phản hồi trực tiếp từ khách hàng, đánh giá trực tuyến, …); có công khai đường dây nóng (hotline) sẵn sàng phục vụ du khách.
Môi trường và bảo vệ môi trường: Cam kết bảo vệ môi trường. Quản lý rác thải góp phần duy trì môi trường xanh, sạch. Sử dụng các nguồn lực, năng lượng tái tạo, hạn chế ô nhiễm và công nghệ thân thiện với môi trường.
Cộng đồng xã hội: Đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự xã hội. Chung tay vào các hoạt động cộng đồng tại địa phương; tham gia và đóng góp vào các hoạt động xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động; cung cấp thông tin các sự kiện, lễ hội tại địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện cho du khách tương tác với người dân địa phương. Chủ động sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách; tham gia lắp đặt và gắn biển hiệu ‘Điểm vệ sinh miễn phí’, biển chỉ dẫn nhà vệ sinh công cộng góp phần nâng cao chất lượng môi trường du lịch và đảm bảo số lượng nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân và du khách.
Triển khai cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng
Sở Du lịch TP.HCM cũng công bố triển khai Đề án “Cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 – 2025”.
Nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra như: Tuyên tuyền, vận động để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc hỗ trợ người dân, khách du lịch trong việc tiếp cận, sử dụng NVSCC khi có nhu cầu và nâng cao chất lượng phục vụ của nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố; Nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh công cộng hiện hữu; Đầu tư mới, bổ sung nhà vệ sinh công cộng.
Bên cạnh đó, vận động các chủ sở hữu hoặc/và đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, cây xăng, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, đào tạo, siêu thị, cửa hàng, bến xe, bưu điện...) đồng ý cho khách du lịch, người dân được sử dụng nhà vệ sinh hiện hữu tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: “Mỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dù lớn hay nhỏ, đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thành phố thân thiện, chuyên nghiệp và khác biệt; trong đó, mỗi nhân viên sẽ là những ‘đại sứ’ du lịch luôn sẵn sàng phục vụ và mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách”.
Lễ phát động nhận được sự ủng hộ tích cực từ các sở, ngành thành phố; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu điểm tham quan du lịch và các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, các tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng địa phương cũng cam kết đồng hành, góp phần tạo nên một hệ sinh thái du lịch bền vững và thân thiện.
Chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tổ chức lễ phát động “Chương trình mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” và công bố tiêu chí đánh giá mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện với mục tiêu tạo không khí cạnh tranh sôi nổi, đổi mới chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm đến du lịch trên địa bàn TP.HCM.
- Giai đoạn 2: Triển khai đăng ký, tiếp nhận đăng ký và tổ chức đánh giá, xét chọn, thực hiện trong năm 2025.
Lễ phát động chương trình “Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện” đã đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong nỗ lực nâng tầm ngành du lịch TP.HCM. Chương trình không chỉ là lời cam kết về chất lượng dịch vụ mà còn thể hiện khát vọng xây dựng một môi trường du lịch văn minh, bền vững góp phần nâng cao vị thế của TP.HCM trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.