TP.HCM hướng tới đô thị số để trở thành 'Thành phố thông minh và bền vững'
Ngày 22/11, tại TP.HCM, Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2024, với chủ đề "Xã hội số - Dẫn dắt tương lai bền vững của Việt Nam" thu hút đông đảo các chuyên gia thảo luận.
Diễn đàn do Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững thuộc Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
Xã hội số là xu thế tất yếu
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh phải phát triển được vấn đề xã hội số tại Việt Nam.
TP.HCM là trung tâm kinh tế, xã hội và là đầu tàu khoa học công nghệ thì việc phát triển đô thị số, xã hội số lại càng quan trọng. Có 3 điểm chính liên quan đến xã hội số là công dân số, kết nối kỹ thuật số, văn hóa số. Ba yếu tố này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách liên quan đến việc phát triển kỹ thuật số ở Việt Nam.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, Thành phố vừa ra mắt Ứng dụng (app) công dân số TP.HCM. Đây là phương tiện kết nối giữa chính quyền thành phố và người dân. Thông qua phương tiện này, TP.HCM mong muốn có sự gắn kết giữa hai bên để xây dựng xã hội số.
“Những mục tiêu phát triển đô thị thông minh cũng như phát triển chính quyền số của Thành phố sẽ không đạt được mục tiêu nếu không có sự gắn kết với người dân”, bà Trinh nhấn mạnh.
Theo bà Trinh, phát triển xã hội số sẽ tác động đến vấn đề tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, cải thiện dịch vụ công và quản trị. Đây là một trong những khía cạnh mà Việt Nam muốn nhấn mạnh.
"Chúng ta thường nghĩ rằng chính quyền số thường cung cấp các dịch vụ số. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, xã hội số phát triển sẽ thúc đẩy chất lượng của chính quyền số. Đây là một hướng đi có thể cải thiện được vấn đề cung cấp các dịch vụ công, quản trị xã hội. Khi chúng ta phát triển về xã hội số thì chúng ta cung cấp dịch vụ công tốt hơn", bà Trinh nói.
Cũng theo bà Trinh, xã hội số là sự gắn kết giữa công nghệ và thói quen sinh hoạt hằng ngày của cá nhân trong việc vận dụng kỹ thuật số một cách hiệu quả. Trong câu chuyện phát triển về xã hội số cũng như phát triển về chính quyền số, sự gắn kết những kỹ năng tham gia vào các hoạt động đóng vai trò quan trọng, tạo được thói quen liên quan đến kỹ thuật số.
Bà Trinh dẫn chứng, thay vì mua sắm truyền thống, người dân có thể mua sắm trên nền tảng internet, thanh toán trực tuyến,... Đặc biệt, trong môi trường mạng thì phải phát triển giữa câu chuyện chuyển đổi số và văn hóa số.
Trước kia, ở xã đảo Thạnh An, người dân khó tiếp cận được với các dịch vụ y tế. Gần đây, TP.HCM ứng dụng công nghệ để chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân ở xã đảo này.
TP.HCM có nhiều thuận lợi
Tại chương trình, ông Brent Stewart - Phó tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM - nhấn mạnh Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có tiềm năng lớn để phát triển thành phố thông minh và xã hội số, quan trọng là hướng tới phát triển bền vững. Ông Stewart tin tưởng chuyển đổi số và thành phố thông minh sẽ tận dụng công nghệ để cải thiện đời sống của người dân và môi trường sống.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Việt Nam nói chung và TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, với dân số trẻ và kinh tế tăng trưởng.
Cũng theo TS Vũ, nhiều cuộc thảo luận của lãnh đạo TP.HCM đã nhắc về phát triển bền vững, chuyển đổi số và thành phố toàn cầu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế cũng chỉ là một chỉ số trong quá trình phát triển. Các chỉ số liên quan đến công dân ảnh hưởng quan trọng đến việc hướng đến thành phố toàn cầu.
TS Vũ cho biết, từ các nghiên cứu về bài học xây dựng thành phố toàn cầu tại Thái Lan, Hàn Quốc, họ cũng gặp nhiều thách thức. Theo TS Vũ, huy động nguồn lực không chỉ về tài chính mà còn nhân sự. Ông kỳ vọng Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững sẽ có nhiều ý tưởng, mối quan hệ hợp tác đối với TP.HCM và vì TP.HCM.
Đặt con người làm trung tâm
Tại chương trình, các chuyên gia cũng nhận định rằng, cần quan tâm nhiều hơn đến việc công nghệ tác động đến người dân như thế nào hơn là chỉ nghĩ về công nghệ.
GS Takehiko Nagumo - Giám đốc Đại diện Viện nghiên cứu Thành phố Thông minh Nhật Bản - chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh tại Nhật Bản. Ông cho biết, trước đó, khi bắt đầu thực hiện các dự án, trọng tâm chủ yếu là công nghệ. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, ông nhận ra rằng cách tiếp cận này có thể chưa phù hợp và ông đặt câu hỏi: "Mục tiêu của việc áp dụng công nghệ là gì và hướng đến ai?".
GS Takehiko Nagumo nhấn mạnh rằng, ban đầu, đội ngũ của ông chưa đặt con người làm trung tâm. Thay vào đó, họ tập trung vào công nghệ. Tuy nhiên, bài học rút ra từ thực tiễn tại Nhật Bản là công nghệ cần phải phục vụ mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa con người, hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ đó, đội ngũ đã thay đổi cách tiếp cận, xây dựng các chỉ số về mức độ đáng sống tại Nhật Bản và tích hợp chúng vào chương trình chuyển đổi số. Ông nhấn mạnh rằng mọi sáng kiến công nghệ phải bắt nguồn từ nhu cầu thực sự của con người.
"Hãy bắt đầu từ con người, đo lường những điều mà họ thực sự mong muốn", GS Takehiko Nagumo chia sẻ.
Theo PGS Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, lãnh đạo của Trung tâm thành phố thông minh và bền vững (APAC Smart & Sustainable Cities Hub – SSC Hub), Đại học RMIT Việt Nam, để xây dựng một xã hội số lấy con người làm trọng tâm, cần phát triển xã hội số và công dân thông minh - những người có năng lực số, có trách nhiệm trên môi trường mạng và tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển đô thị.
Cũng theo PGS Trung, các đô thị lớn như TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và kỳ vọng của cư dân, doanh nghiệp ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các quốc gia trong khu vực.
"Phát triển xã hội số và công dân thông minh hứa hẹn sẽ là giải pháp quan trọng trong việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững và nâng cao chất lượng sống cho cư dân", ông Trung nói.