TP.HCM cùng với khát vọng về nền giáo dục hiện đại, vươn tầm khu vực và thế giới
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, TP.HCM không ngừng khẳng định vị thế là trung tâm giáo dục - đào tạo hàng đầu cả nước. Bước vào kỷ nguyên số, Thành phố đang nỗ lực xây dựng nền giáo dục hiện đại, chất lượng cao, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế.
Giáo dục không chỉ là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nền tảng tạo nên sức mạnh cạnh tranh của TP.HCM trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, Thành phố đang đứng trước nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động và sự phát triển bền vững.
Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội thảo khoa học “TP.HCM – Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển”, tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Các bài tham luận của lãnh đạo trung ương, địa phương và các chuyên gia giáo dục đều thể hiện rõ tâm huyết và trách nhiệm, đóng góp cho quá trình kiến tạo một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
.png)
Nền tảng giáo dục toàn diện và hiện đại
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Thành phố hiện có mạng lưới giáo dục toàn diện, bao gồm 50 cơ sở giáo dục đại học, hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM với 6 trường thành viên và 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Những trường đại học danh tiếng như Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM… không chỉ đào tạo nhân lực chất lượng cao mà còn là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu.
Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được chú trọng, thông qua các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên – giảng viên và hợp tác nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài, đồng thời nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trên bản đồ khu vực.
Đặc biệt, nhiều trường đã có bước chuyển mạnh mẽ về cơ cấu ngành đào tạo, phù hợp xu thế phát triển khoa học – công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, phòng thí nghiệm tiên tiến, tạo điều kiện lý tưởng cho học tập và nghiên cứu.
“Đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học ngày càng khăng khít, từ đó cho ra đời nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố”, bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
TP.HCM cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục. Từ năm 2023, Thành phố triển khai chương trình “Trường học số”, tích hợp công nghệ trong giảng dạy, quản lý và học tập. Đồng thời, là địa phương đầu tiên triển khai giáo dục STEM trên diện rộng, giúp học sinh phát triển tư duy logic và sáng tạo.
.png)
Thành phố còn đặc biệt chú trọng việc dạy tiếng Anh tăng cường từ tiểu học và triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp ở bậc phổ thông, chuẩn bị nền tảng ngoại ngữ cho thế hệ trẻ hội nhập toàn cầu.
Song song đó, nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo đã ra đời như SIHUB và IEC (thuộc ĐHQG TP.HCM), tạo cầu nối giữa nhà trường – viện nghiên cứu – doanh nghiệp khởi nghiệp. Với hơn 50% doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước tập trung tại đây và mật độ doanh nghiệp/1.000 dân cao gấp 3 lần trung bình cả nước, TP.HCM đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút trí tuệ sáng tạo, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức.
Nguồn cung chưa theo kịp cầu
Theo thống kê, TP.HCM có khoảng hơn 10 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 4,7 triệu người, chiếm 8,62% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,2%, trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (chiếm 10,6%). Dù vậy, TP.HCM vẫn đối mặt với những khoảng trống đáng lo ngại.
TS Hoàng Thùy Linh - Giảng viên khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Văn Lang cho rằng, dù chất lượng nguồn nhân lực TP.HCM được đánh giá cao nhất cả nước nhưng năng lực thực tế và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
“So với khu vực ASEAN và châu Á, nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố còn hạn chế về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, sự năng động, sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Đây là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố”, TS Hoàng Thùy Linh chia sẻ.
.png)
Theo TS Hoàng Thùy Linh, hai nút thắt trọng yếu là chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Thành phố thiếu nhóm nhân lực tinh hoa dẫn dắt, đội ngũ trí thức chưa mạnh tầm quốc tế, và đặc biệt là thiếu đội ngũ tham mưu giỏi, chuyên sâu cho lãnh đạo.
Khảo sát cho thấy cán bộ cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu mới, với tỷ lệ đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ còn thấp. Đáng chú ý, thị trường lao động TP.HCM có đến 28% nguồn nhân lực chưa qua đào tạo và 26% mới được đào tạo ở mức sơ khởi.
Sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu và nguồn cung lao động cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Nhu cầu lao động trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp lại cao hơn so với nguồn cung trình độ đại học, phản ánh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực có trình độ cao và nhu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Về cơ chế chính sách, dù đã có những nỗ lực thu hút nhân tài, nhưng hiệu quả chưa cao do thiếu cơ chế đãi ngộ đặc thù và cạnh tranh. Tình trạng "chảy chất xám" ra nước ngoài hoặc sang khu vực tư nhân vẫn diễn ra.
Chỉ số phát triển con người của TP.HCM chưa đạt như kỳ vọng, dẫn đến việc nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong nhiều ngành kinh tế trọng điểm, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng do thiếu ứng viên có tay nghề cao chiếm từ 50-80%. Ngay cả trong ngành công nghệ thông tin, dù có nhiều trường đào tạo, nhưng phần lớn sinh viên tốt nghiệp vẫn cần được đào tạo lại.
Tìm lời giải cho bài toán nhân lực
Để khắc phục các bất cập nêu trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tạo hành lang pháp lý cho thành phố thực hiện các giải pháp đột phá trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, và tổ chức bộ máy.
Trên cơ sở Nghị quyết 98, TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2673/QĐ-UBND phê duyệt "Đề án phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
.png)
Đề án đặt mục tiêu tổng quát là nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ với Đề án Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành mũi nhọn). Thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo lên 87% vào cuối năm 2025 và 89% vào năm 2030.
Tiếp tục chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao, trong Quý I/2024, TP.HCM đã triển khai Chương trình số 49 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Đồng thời, Chuyên đề năm 2024 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng được triển khai, gắn việc này với thu hút nhân lực chất lượng cao, coi đây là vấn đề trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
“Để gỡ được những nút thắt về giải bài toán nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM cần những giải pháp mang tính hệ thống, toàn diện, tác động trực tiếp tới các yếu tố quy định sự phát triển của nguồn nhân lực. Từ việc định hình những thang bảng nguồn nhân lực đến đổi mới phương cách giáo dục - đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài”, TS Hoàng Thùy Linh chia sẻ.
Hướng đến trung tâm giáo dục khu vực và quốc tế
Theo PGS.TS.Nhà giáo ưu tú Ngô Minh Oanh - Giảng viên Cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ngành Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, trở thành trung tâm đào tạo của khu vực và thế giới.
.png)
Các đề án như phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, chương trình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành mũi nhọn, và tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đang được triển khai mạnh mẽ. Mục tiêu chiến lược của ngành giáo dục TP.HCM là phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến châu Á vào năm 2045.
Trong 50 năm qua, Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp to lớn vào sự phát triển của thành phố và cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc giải quyết những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế chính sách là vô cùng quan trọng để TP.HCM có thể tiếp tục phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu.
“Với những định hướng và giải pháp cụ thể, cùng với sự quyết tâm của chính quyền và ngành giáo dục, TP.HCM đang nỗ lực hướng tới một tương lai với nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, vươn mình trở thành đô thị thông minh và điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2045”, PGS.TS Ngô Minh Oanh chia sẻ.