M-TALKS 2025: Kết nối chiến lược cho ngành điện tử Việt Nam thời công nghệ số
Diễn đàn công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 đã chính thức mở đầu chuỗi hội thảo chuyên ngành trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế NEPCON Vietnam 2025.

Với chủ đề “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng AI, Tự động hóa và Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”, sự kiện thu hút hơn 250 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý, tạo nên một diễn đàn đa chiều thảo luận về khả năng cạnh tranh, chuyển đổi công nghệ và tiềm năng tăng trưởng của ngành điện tử Việt Nam.
Trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt Nam đang từng bước chuyển mình từ “công xưởng sản xuất” trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ cao của khu vực. Với kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD năm 2024 và xu hướng tăng trưởng mạnh trong 2025, cùng sự hiện diện ngày càng lớn của các trung tâm R&D như Qualcomm, NVIDIA và chiến lược phát triển bán dẫn đến 2030, Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
M-TALKS 2025 – do RX Tradex tổ chức, là chuỗi diễn đàn thường niên mang tính chiến lược, nơi các xu hướng như AI, bán dẫn, tự động hóa và hội nhập chuỗi cung ứng được phân tích dưới góc nhìn đa chiều từ doanh nghiệp, nhà nước, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế.
Với chủ đề lần này song hành cùng NEPCON Vietnam, M-TALKS nhấn mạnh ba vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam: Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; và AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực.

Các diễn giả nổi bật bao gồm: bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI); ông David Bergman - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện tử Toàn cầu (IPC) - Giám đốc điều hành, WHMA; TS. Nguyễn Khánh Linh - Giám đốc Công nghệ, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Bộ Tài chính; PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, VNPT Technology; ông Tôn Minh Hiếu – Giám đốc Quốc gia, IPC Việt Nam và ông Phương Đăng Hồ - Đào Tạo Viên Trưởng, IPC Việt Nam đã chia sẻ các phân tích chuyên sâu và giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Kết nối chiến lược giữa công nghệ – doanh nghiệp – chính sách
Trong bối cảnh ngành điện tử toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam nổi lên như một điểm đến chiến lược mới trong chuỗi cung ứng khu vực. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử Việt Nam đạt 134,5 tỷ USD – con số cho thấy vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng của ngành điện tử Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ đến từ ba trụ cột: đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo và tự động hóa; chiến lược phát triển ngành bán dẫn; và khả năng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các chính sách thu hút FDI và chuyển giao công nghệ.
Tại diễn đàn, các diễn giả từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Điện tử Toàn cầu IPC, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), VNPT Technology và Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng trao đổi về cách thức nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trong làn sóng chuyển đổi công nghệ. Những nội dung như ứng dụng AI trong sản xuất, tiêu chuẩn hóa chất lượng, phát triển nhân lực R&D, bảo vệ chuỗi cung ứng hay đổi mới giáo dục kỹ thuật đã được phân tích sâu sắc.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành VEIA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ VASI – cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà phải tham gia vào giai đoạn thiết kế, sáng tạo và sở hữu công nghệ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học trong chiến lược phát triển nhân lực và đầu tư dài hạn.”
Giải bài toán nguồn lực và công nghệ cho doanh nghiệp Việt
Phiên thảo luận mở tại M-TALKS 2025 đặt ra những câu hỏi then chốt cho tương lai ngành điện tử Việt Nam: Làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua rào cản tiếp cận AI và tự động hóa? Chính phủ cần làm gì để thu hút FDI chất lượng cao thay vì chỉ thu hút theo số lượng? Các trường đại học kỹ thuật cần đổi mới chương trình đào tạo ra sao để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ?

Ông David Bergman – Phó Chủ tịch Hiệp hội IPC toàn cầu – nhận định: “Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất điện tử thông minh nếu chú trọng hơn vào chuẩn hóa, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn kết sâu với hệ sinh thái R&D toàn cầu.”
M-TALKS 2025 cũng nhấn mạnh vai trò của RX Tradex không chỉ là đơn vị tổ chức sự kiện quốc tế, mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp – công nghệ – chính sách. Chuỗi hội thảo chuyên ngành song hành cùng NEPCON Vietnam là nền tảng để thúc đẩy hợp tác chiến lược, mở rộng mạng lưới và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữa các bên liên quan trong ngành.
NEPCON Vietnam 2025 – Điểm hẹn chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Từ ngày 10–12/9/2025, NEPCON Vietnam – triển lãm quốc tế lần thứ 18 về thiết bị và công nghệ sản xuất điện tử – sẽ trở lại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội. Với chủ đề “Hội tụ công nghệ – Nâng tầm điện tử Việt”, sự kiện quy tụ hơn 300 thương hiệu toàn cầu và dự kiến chào đón 10.000 khách tham quan thương mại từ hơn 30 quốc gia.
NEPCON Vietnam là một phần trong chuỗi triển lãm quốc tế NEPCON được tổ chức định kỳ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Tại Việt Nam, sự kiện đã trở thành nền tảng quan trọng kết nối doanh nghiệp sản xuất điện tử với các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị, giải pháp và dịch vụ trong toàn chuỗi giá trị.
Triển lãm năm nay tập trung trưng bày các nhóm sản phẩm trọng điểm: công nghệ Hàn Bề Mặt (SMT), bán dẫn và cảm biến, lắp ráp mạch in (PCB/PCA), kiểm tra quang học tự động (AOI), tích hợp hệ thống và sản xuất thông minh. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận những xu hướng công nghệ mới nhất trong thời kỳ AI và dữ liệu lớn đang làm thay đổi sâu sắc ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.
Một điểm nhấn nổi bật của triển lãm là Cuộc thi Hàn Tay Điện Tử IPC, nơi các kỹ thuật viên Việt Nam sẽ tranh tài theo tiêu chuẩn quốc tế. Người chiến thắng sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết toàn cầu tại Munich (Đức) vào tháng 11/2025. Cuộc thi không chỉ là sân chơi kỹ thuật mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và xây dựng nguồn nhân lực chuẩn hóa.
Hệ sinh thái giao thương toàn diện cho ngành điện tử
NEPCON Vietnam 2025 không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, mà còn tạo lập một hệ sinh thái kết nối toàn diện, hướng đến giá trị thực tiễn và hiệu quả cho các bên tham gia. Chuỗi hoạt động gồm:
Business Matching: kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác phù hợp.
Factory Visit: tham quan thực tế nhà máy, đánh giá năng lực sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng.
Onsite Automatic Matching: hệ thống kết nối tự động giúp khách tham quan tiếp cận đúng đối tác, đúng công nghệ theo nhu cầu cụ thể.
Với hành trình 17 năm phát triển và sự đồng hành của nhiều hiệp hội chuyên ngành trong nước và quốc tế, NEPCON Vietnam tiếp tục khẳng định vai trò là sự kiện trọng điểm của ngành điện tử khu vực. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa theo hướng công nghệ cao, NEPCON không chỉ là triển lãm, mà còn là nền tảng đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình nâng tầm giá trị.