Y học

ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh: Phấn đấu mang lại nụ cười cho mọi người

Thiên Chương 10/02/2024 14:00

Hơn 35 năm công tác, ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM đưa ra nhiều sáng kiến phục vụ sức khỏe người dân.

bs3.jpg
ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM

Hạnh phúc khi thấy bệnh nhân khỏi đau răng!

- Phóng viên: Ngày đầu năm mới, ôn lại chút kỷ niệm cũ. Cơ duyên nào khiến cậu học trò Nguyễn Đức Minh ngày đó quyết định chọn nghề cho mình là Nha khoa, thưa bác sĩ?

ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM: Cuộc đời mọi thứ đều do duyên. Và cũng có những thứ chỉ khởi nguồn từ những gì mình nhìn thấy mà cho mình cảm giác thân thuộc. Ngành y với tôi cũng vậy. Cái duyên đến với ngành y của tôi có lẽ bắt nguồn từ việc người anh trai của tôi là bác sĩ. Khi vẫn còn là cậu học trò nhỏ, tôi thường được anh chở đến chơi tại trường ĐH Y dược TP.HCM. Nhìn thấy khuôn viên trường, thấy nếp sinh hoạt của các sinh viên ngành y, rồi lại thấy cảnh tấp nập bệnh nhân ra vào tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở gần đó... Những hình ảnh này đã nhen nhóm trong tôi ấp ủ ước mơ vào ngành y. Khi bày tỏ mong muốn, tôi được anh trai khuyên “anh đã học y rồi, nên em thích thì có thể học nha”. Vậy là tôi nghe lời anh trai mình để học răng hàm mặt.

- Điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi chọn ngành Răng Hàm Mặt?

Vào đại học, sau những bỡ ngỡ ban đầu, tôi dần phát hiện ngành này có nhiều điều mới mẻ và thú vị lắm. Người ta nói “Nhất đau răng, nhì đau mắt”, với ngành Răng Hàm Mặt, việc chữa trị cho kết quả ngay lập tức. Bệnh nhân đang đau, bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị xong thì hết đau ngay. Hoặc bệnh nhân mất răng sún răng, đang mặc cảm và gặp khó khăn trong giao tiếp thì chỉ vài ngày đã có răng mới, khiến bệnh nhân rất vui. Điều này cũng làm mình hạnh phúc.

Ra trường bắt đầu đi làm, càng chữa trị được cho những bệnh nhân, niềm đam mê làm nghề lại sâu đậm thêm trong tôi. Tôi không bao giờ quên những chuyến đi làm thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa. Nụ cười tươi và lời cảm ơn của những bệnh nhân đến nhổ răng, trám răng đã là món quà lớn nhất đối với tôi, giúp tôi vững tâm hơn với nghề.

- Ông có thể chia sẻ về những ngày đầu làm bác sĩ Răng Hàm Mặt đã mang lại điều gì cho “con đường phấn đấu không ngừng để mang để niềm hạnh phúc cho người bệnh” của ông trong hơn 35 năm qua?

Ra trường từ năm 1988, công việc đầu tiên của tôi là bác sĩ tại Phòng Y tế của Tổng cục Hóa chất, sau đó tôi về Quận 11 làm Nha học đường, rồi Trung tâm Y tế Quận 11 trước khi về làm tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt từ năm 2000 cho đến nay.

Những ngày làm Nha học đường tại Quận 11, thời điểm đó mọi thứ còn rất khó khăn, máy móc rất đơn giản, tuy nhiên khi khám cho các em học sinh, tôi phát hiện tỷ lệ sâu răng của các bé là rất cao, đây chính là trăn trở để về sau khi làm quản lý, tôi luôn chú tâm đến những chính sách dự phòng sao cho giảm tỷ lệ sâu răng, giảm tỷ lệ “sâu răng – mất răng – trám răng”, nâng cao sức khỏe răng miệng cho người dân. Tất cả những gì chứng kiến trong giai đoạn đi khám răng từ sau khi bắt đầu làm bác sĩ, tôi đều ghi chép lại, sau này chúng đã trở thành những góp ý cho ngành, cho Ủy ban Nhân dân TP.HCM về chiến lược chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cho dân thành phố.

bs2.jpg
Nhà báo Bùi Hương - Phó TBT phụ trách Tạp chí Khoa học Phổ thông (thứ 3 từ trái qua) cùng ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM (thứ 4 từ trái qua) và BS.CKII Võ Đức Tuấn - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện RHM TP.HCM (bìa trái) đến thăm bệnh nhân L.H.M tại bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM sau cuộc phẫu thuật.

- Sáng kiến “Chăm sóc răng miệng người dân thành phố và các yếu tố liên quan” mà nhiều người hay nhắc đến khi nói về những đóng góp của ông phải chăng cũng được hình thành từ những trăn trở khi làm Nha học đường?

Đúng vậy. Khi làm việc liên quan đến sức khỏe cộng đồng, chúng tôi đã có những đánh giá trước khi triển khai. Sau thời gian thực hiện, việc đánh giá lại để nhận xét kết quả đã thực hiện. Cụ thể năm 1990, đợt kiểm tra sức khỏe răng miệng trong cả nước ghi nhận chỉ số sâu răng ở lứa tuổi 12 đến 90%, chỉ số “sâu-mất- trám” của mỗi người trung bình 3-4 răng. Tuy nhiên sau 10 năm vận động ý thức chăm sóc răng miệng trong cộng đồng và triển khai nhiều hoạt động chăm sóc răng miệng, đến năm 2002, chỉ số “sâu-mất-trám” giảm còn một nửa, chỉ số sâu răng chỉ còn 75%; năm 2012 các chỉ số đều giảm; riêng năm 2022 tỷ lệ sâu răng ở trẻ 12 tuổi của các vùng ngoại thành có tăng nhẹ do chương trình nha học đường gián đoạn và chương trình súc miệng bằng flour ở trẻ nhỏ cũng ngưng do có hiện tượng nhiễm flour nhẹ.

Ngoài sáng kiến trên, tôi và các đồng nghiệp còn thực hiện nhiều chương trình khác như “Tình trạng sức khỏe răng miệng của tân binh tại Quân đoàn 4” (năm 2017) nhằm khảo sát và đánh giá sức khỏe răng miệng của tân binh, từ đó có cơ sở lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe răng miệng cho đối tượng này theo chương trình Quân Dân Y kết hợp của Sở Y tế và Quân đoàn 4). Hay “Khảo sát kiến thức của bệnh nhân về thực hành chăm sóc sức khỏe tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt”; “Hiệu quả chương trình hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân từ 14 đến 17 tuổi trong điều trị chỉnh nha tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt”; “Khảo sát tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của bệnh nhân nội trú tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt”… Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng sức khỏe răng miệng cho người dân.

- Bác sĩ nhận định ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng của người dân hiện nay ra sao?

Nhìn chung, ý thức và cả việc thực hiện chăm sóc sức khỏe răng miệng của người dân hiện nay đã khá hơn trước rất nhiều. Xã hội phát triển, kinh tế phát triển, truyền thông sức khỏe phổ biến rộng rãi, cùng với các chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng được triển khai liên tục… là những thứ đã khiển hàm răng của người Việt được chú trọng nhiều hơn, cha mẹ đã biết quan tâm răng miệng của con, bản thân của trẻ cũng tự biết chăm sóc hàm răng của mình nhiều hơn.

Ngày nay, chúng ta đã dần qua rồi cảnh chỉ lo răng sâu hay nhổ răng trám răng… thay vào đó là mối quan tâm làm đẹp. Chữa trị răng cũng bắt đầu thiên về thẩm mỹ, về vẻ đẹp của hàm răng như răng không ngay, không đều, màu răng không như ý…

Bác sĩ cần lắm một trái tim nhân hậu

bs1.jpg
Ths.BSCK2 Nguyễn Đức Minh trong một lần phát biểu tại lễ hợp tác giữa Bệnh viện Răng Hàm Mặt với Trường ĐH Văn Lang

- Từ ngày giữ vai trò giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt đến nay cũng hơn 10 năm, ông đã chú tâm vào những vấn đề gì?

Theo tôi nhà quản lý nào chắc cũng sẽ chú tâm nhiều về nguồn nhân lực. Khi tôi làm giám đốc, bệnh viện dù là hạng 1 nhưng vẫn chưa đủ chuẩn, nên có những thời điểm tôi đã cho đi học nâng cao kiến thức đến hơn 50% lượng nhân sự. Ban đầu bệnh viện gặp khó khăn thiếu vắng nhân sự do anh chị em đi học, nhưng 3 năm sau đó, chúng tôi tự tin khi đã có đủ các bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, tiến sĩ…Song song đó, các anh chị em cũng được nâng cấp trình độ chính trị từ trung cấp đến cao cấp.

Cùng với việc cũng cố trình độ nhân sự, tôi cũng nâng cấp bệnh viện trở nên khang trang sạch đẹp hơn, trang thiết bị cũng được nâng cấp nhiều hơn, việc tập huấn nâng cấp thái độ giao tiếp ứng xử cũng được chú tâm. Trong tương tác với người bệnh, tôi luôn yêu cầu nhân viên phải tạo cho bệnh nhân có được sự hài lòng, thoải mái, để mỗi bệnh nhân sau khi đến bệnh viện sẽ trở thành một kênh quảng bá cho những người khác đến với bệnh viện.

Từ những cố gắng hướng đến lấy bệnh nhân làm trung tâm, nhiều năm liền bệnh viện đã có những kết quả đáng mừng. Có những năm, bệnh viện ghi nhận phát triển đến 40% so với năm trước đó. Hiện tại trung bình bệnh viện cũng tăng khoảng 10% lượng bệnh nhân.

Ngoài việc chăm sóc người bệnh, chính sách dành cho nhân viên cũng là lưu tâm số một. Suốt 11 năm qua khi tôi làm giám đốc, chỉ có 1-2 trường hợp nhân viên nghỉ việc. Đoàn kết, quan tâm nhau đã trở thành văn hóa chung của bệnh viện.

- Y tế tư nhân hiện nay phát triển rất nhanh, nhiều phòng Nha tư nhân mọc lên như nấm, vậy ở một bệnh viện công lập có những thuận lợi và khó khăn gì?

Luật Khám chữa bệnh không phân biệt tư nhân hay công lập. Hệ thống y tế tư nhân cũng đóng góp vai trò quan trọng cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tôi rất đồng tình với sự phát triển này của Nha khoa bởi bệnh viện công lập như chúng tôi cũng không thể đủ sức để làm hết. Tuy nhiên hạn chế của bệnh viện tư là chưa thể làm quảng bá hình ảnh, chính vì thế nhiều người dân vẫn chưa biết đến. Đây có lẽ là điểm hạn chế cơ bản khiến không ít người chưa mạnh dạn đến bệnh viện công để làm đẹp răng miệng, trong khi chúng tôi với trình độ chuyên môn cao và luôn có đầy đủ các thiết bị và các kỹ thuật hiện đại nhất.

Bệnh viện Răng Hàm Mặt có 2 mảng điều trị, đó là mảng Nha khoa và mảng Bệnh lý Hàm mặt, tại bệnh viện chúng tôi, với lợi thế có hệ thống phòng mổ, có bác sĩ gây mê, bác sĩ điều trị, bác sĩ cấp cứu… mảng Hàm mặt vì thế phát triển rất mạnh. Tất cả các kỹ thuật cấy ghép nha khoa, trên thế giới làm được gì thì chúng tôi đều có thể thực hiện tốt. Riêng kỹ thuật Implant mỗi năm bệnh viện đặt khoảng từ 3.000-4.000 trường hợp.

- Ngày nay, công tác quan hệ quốc tế luôn được mọi lĩnh vực lưu tâm, với Bệnh viện Răng Hàm Mặt, công tác quan hệ quốc tế trong thời gian qua có gì đáng lưu tâm thưa bác sĩ?

Muốn phát triển, chúng ta không thể không có những mối quan hệ quốc tế, không phải chỉ có tôi, những người tiền nhiệm như giám đốc Trịnh Công Khởi, giám đốc Huỳnh Đại Hải đã đặt rất nhiều nền móng là những mối quan hệ với các nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan (TQ)… Đến nay, chúng tôi vẫn thừa hưởng và tiếp tục giữ vững đồng thời phát triển thêm các mối quan hệ quốc tế để làm tốt hơn nữa việc quản lý bệnh viện cũng như trình độ chuyên môn điều trị cho bệnh nhân Việt Nam.

- Ở vai trò của một người thầy trên bục giảng đào tạo bác sĩ cho ngành Răng Hàm Mặt, anh thường gửi đến các học trò của mình điều gì?

Giảng dạy ở nhiều nơi, tất nhiên điều đầu tiên tôi truyền cho các học viên vẫn phải là kiến thức chuyên môn để đảm bảo các em có thể vững tay nghề khi điều trị cho người bệnh, tuy nhiên tôi đặc biệt chú trọng niềm đam mê nghề nghiệp và tính nhân văn trong nghề của mình.

Tôi vẫn thường nói với các bạn phải xem bệnh nhân như là người thân của mình. Anh em, cha mẹ trong gia đình mình đối xử thế nào thì với bệnh nhân mình phải đối xử giống như vậy. Tay nghề cao, nắm chắc kỹ thuật chuyên môn là một chuyện, song người bác sĩ cần lắm một trái tim nhân hậu”.

ThS.BSCKII. Nguyễn Đức Minh hiện là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Bộ môn Răng Hàm Mặt - Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Cấy ghép răng TPHCM, thành viên Ban Chấp hành Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam.

ThS.BS.CKII. Nguyễn Đức Minh đã được phong tặng danh hiệu
Thầy thuốc Ưu tú năm 2013, là Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2016, Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2014, Bằng khen của UBND thành phố năm 2016, 2018…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ThS.BS.CKII Nguyễn Đức Minh: Phấn đấu mang lại nụ cười cho mọi người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO