Giáo dục

Thông tư 29 đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ quản lý chứ không cấm

Võ Liên 13/02/2025 - 18:17

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - khẳng định rằng Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm dạy thêm, học thêm mà đưa hoạt động này vào khuôn khổ để quản lý.

ong-ho-tan-minh-chanh-van-phong-so-gddt-13-2.jpg
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Ngày 13/2, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực vào ngày 14/2/2025. Ông Minh khẳng định thông tư này không cấm việc dạy thêm, học thêm, mà đưa việc dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ, thực hiện theo đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ghi nhận nhu cầu học thêm ngày càng lớn phù hợp với mục tiêu phát triển của TP.HCM khi địa phương trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Tuy nhiên, Sở nhấn mạnh cần phải xác định học thêm là hoạt động hoàn toàn tự nguyện.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang có văn bản lấy ý kiến các sở ngành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.HCM và sẽ sớm ban hành hướng dẫn.

Việc dạy thêm ở ngoài nhà trường, giáo viên có được dạy thêm hay không, ông Minh khẳng định là không ai cấm, nhưng dạy thêm phải đúng quy định. Theo đó, giáo viên tổ chức dạy thêm phải dạy ở nơi có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, giáo viên trường công lập thì không được tổ chức, điều hành dạy thêm. Theo thông tư 29, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh tham gia lớp học chính khóa. Nếu học sinh đã học chính khóa thì thầy cô phải tổ chức dạy học trên lớp chính khóa để học sinh phát triển năng lực. Điều này giúp học sinh hình thành được năng lực tự học, không phải đi học thêm vì một bài kiểm tra hay kỳ thi.

Cũng theo ông Minh, việc tổ chức dạy thêm không thu tiền tại trường học dành cho 3 đối tượng: học sinh chưa đạt về kiến thức kỹ năng, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp. Đây là trách nhiệm nhà trường phải thực hiện. Theo đó, mức kinh phí cho các giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp, bồi dưỡng cho học sinh yếu sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Chia sẻ thêm về thực trạng giáo viên tiểu học nhận giữ trẻ sau giờ học để chờ phụ huynh đến đón có đúng quy định không? Ông Hồ Tuấn Minh cho rằng thông tư chỉ yêu cầu không dạy thêm bậc tiểu học nhưng ngoại trừ các trường hợp dạy học những môn kỹ năng, năng khiếu như học đàn, bơi lội, vẽ, rèn chữ đẹp.

"Sau giờ học, học sinh có thể tham gia vào nhiều câu lạc bộ như thể thao, văn nghệ, STEM… Có rất nhiều hoạt động bổ ích thay vì tiếp tục dạy học kiến thức cho học sinh. Đối với học sinh tiểu học, việc học hai buổi ở trường/ngày đã đủ. Do đó, chúng ta cần rèn cho các em những kỹ năng, năng khiếu để phát triển toàn diện", ông Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tư 29 đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ quản lý chứ không cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO