vien-chan-thuong-chinh-hinh-benh-vien-quan-y-175.jpg
Sống xanh

Thiếu tướng - PGS. TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn:Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi công nghệ, kỹ thuật điều trị

Vân Điển 03/03/2025 11:48

Bên cạnh công tác quản lý, giảng dạy, Thiếu tướng - PGS. TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn còn là một người có duyên và đam mê với sự nghiệp xây dựng bệnh viện với những ý tưởng đột phá, hữu ích.

Không chỉ góp phần xây dựng và sự phát triển Bệnh viện Quân y 175 trong thời gian dài, ông còn là góp phần vào việc kiến tạo nên diện mạo Bệnh viện Hồng Đức (1998, 25 giường là 1 trong 3 bệnh viện tư đầu tiên của TP.HCM); Bệnh viện An Sinh (2003, 150 giường); Trung tâm Y tế Trường Sa (2014); Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 (2014, 500 giường); Bệnh viện đa khoa - Bệnh viện Quân y 175 (2017, 1000 giường). Ông luôn trăn trở: Phải làm sao để kiến trúc bệnh viện cũng trở thành liều thuốc quý, làm sao để người bệnh đến bệnh viện phải có cảm nhận được điều trị chứ không phải bị điều trị.

Khoa học Phổ thông - Sống Xanh đã có cuộc phỏng vấn thú vị với Thiếu tướng - PGS. TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn.

Thưa PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn, được biết ông là người có nhiều ý tưởng về quy hoạch kiến trúc bệnh viện, cơ duyên nào khiến ông gắn bó với công việc này?

Nhiều khi tôi vẫn nghĩ đó là sự may mắn mà cuộc đời đã dành cho tôi. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, mỗi lần được đi công tác nước ngoài, tôi say sưa ngắm nhìn những công trình y tế nước bạn. Khát khao, ước mơ từ cái bơm tiêm điện, máy điện tim, máy thở… cho tới xe Ambulance, labo xét nghiệm, phòng mổ và trực thăng cấp cứu... Khi nào Y tế Việt Nam sẽ có những “đồ chơi” như vậy!? Và cũng không hiểu sao tôi thích sưu tầm và nghiên cứu những cuốn sách về thiết kế bệnh viện.

tuong-nguyen-hong-son-trong-chuyen-cong-tac-tai-nam-sudan.png
Thiếu tướng PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn trong chuyến công tác tại Nam Sudan

Và cơ duyên làm bệnh viện đã tự nhiên đến. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, sự bùng nổ y tế ngoài công lập ở TP.HCM đã tạo ra một diện mạo rất mới của thị trường y tế thành phố. Sự cạnh tranh giữa y tế tư nhân và công lập, y tế tư nhân với y tế tư nhân, y tế công lập với y tế công lập đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, thay đổi cả lượng và chất trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Từ những trải nghiệm thực tiễn và kiến thức của những cuốn sách này, tôi ra ý tưởng đề bài cho các kiến trúc sư, chúng tôi ngồi với nhau để tìm ra những gì tốt nhất, hoàn thiện nhất. Chúng tôi đặt người bệnh là đối tượng được thụ hưởng giá trị tốt nhất của một công trình y tế được đầu tư. Vấn đề không phải là bao nhiêu giường bệnh mà là giá trị đầu tư bao nhiêu trên một giường bệnh, đây là điều được các kiến trúc sư hết sức đồng thuận.

vien-chan-thuong-chinh-hinh-benh-vien-quan-y-175.jpg
Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175

Trong thời gian qua Bệnh viện Quân y 175 đã liên tục nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: Huân chương Lao động Hạng Nhất (2015); danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ nhất (2020); Huân chương Chiến công Hạng Nhất (2022); Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Quân y 175 nhận danh hiệu AHLLVTND lần thứ 2 (2024)

Trí tuệ nhân tạo hiện đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Là một người từng tham gia xây dựng nhiều bệnh viện, ông nghĩ thế nào về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế?

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế chúng ta rất nhiều công việc. Nhưng điều chắc chắn là trí tuệ nhân tạo không thể thay thế trí tuệ, cảm xúc và vì thế, không thể thay thế được chúng ta và đặc biệt không thể thay thế được Y đức. Xã hội nào cũng vậy, nghề nào cũng vậy, cũng phải có đạo đức nghề nghiệp mà đối với ngành y, điều này lại rất quan trọng và khắt khe hơn rất nhiều.

Trí tuệ nhân tạo không thay đổi được trí tuệ, cảm xúc, y đức nhưng chắc chắc sẽ góp phần giúp ngành y tế Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng hiện đại và đột phá hơn?

Chắc chắn rồi. Trong cuộc cách mạng công nghệ này, trí tuệ nhân tạo sẽ cho ra những nghiên cứu ứng dụng có tính chất đột phá, thay đổi công nghệ, kỹ thuật điều trị. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho Y tế Việt Nam bởi chúng ta đang có một cơ cấu bệnh lý hết sức phong phú và đa dạng.

du-la-voi-ai-tro-nguoi-linh-hay-thay-thuoc-thieu-tuong-nguyen-hong-son-van-mot-phong-thai-lac-quan-yeu-doi.png
Dù với vai trò một người lính hay một người thầy thuốc, Thiếu tướng PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn đều tận tụy hết mình và gửi vào đó rất nhiều cảm xúc

Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt trí tuệ nhân tạo, theo ông, còn những yếu tố nào có thể giúp ngành y tế Việt Nam có thể vươn tầm khu vực trong thời gian tới?

Chúng ta có một đội ngũ rất lớn các nhà khoa học Y - Dược gốc Việt, họ là những người rất thành đạt và nổi tiếng. Nếu được trải thảm, họ có thể mang kiến thức trở về đóng góp cho tổ quốc, cho đồng bào. Chúng ta cũng có một số lượng rất lớn lao động trẻ về công nghệ, có ý chí, khát vọng và trình độ năng lực. Tôi tin chắc với thực lực và tiềm năng của y tế Việt Nam nếu được định hướng chiến lược đúng đắn, đầu tư thỏa đáng, tận dụng tối đa sức sáng tạo của y tế công lập và ngoài công lập, chính sách, thể chế phù hợp, khuyến khích, chắc chắn y tế Việt Nam sẽ nằm trong top 10 châu Á những năm 2040-2045.

Vậy định hướng chiến lược đúng đắn theo quan điểm của ông là gì? Chúng ta cần tạo cơ hội để y tế Việt Nam có thể phát triển bứt phá, hội nhập quốc tế thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn hóa cơ chế, thể chế quản lý và hội nhập. Có chiến lược nghiên cứu bài bản, đồng bộ (nghiên cứu căn bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu thử nghiệm). Phát triển tổng thể các ngành (module): Y học dự phòng, y học điều trị, y học phục hồi. Kết hợp phát triển giữa y học hiện đại và y học dân tộc. Phát huy và tận dụng tối đa năng lực của y tế tư nhân. Tạo điều kiện tối đa, mời gọi các nhà đầu tư y tế nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực (xuất nhập khẩu lao động y tế). Đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ người bệnh, đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch sức khỏe.

z6368684191223_83cb57a141c814ccbb0df0788a52e750.jpg
Thiếu tướng, TS.BS.TTND Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) và Thiếu tướng PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn tiếp đón Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025)

Về việc đào tạo nguồn nhân lực, ông có điều gì muốn gửi gắm đến độ ngũ bác sĩ thế hệ kế thừa?

Nghề y là nghề thực hành, kết quả điều trị người bệnh thể hiện năng lực, trình độ của bạn. Thực tiễn lâm sàng đặt ra những vấn đề để các bạn cần học tập, nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và kiến thức nâng cao sẽ soi sáng và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị. Không chịu học tập, nghiên cứu bạn sẽ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu bạn chỉ biết thực hành, không có ngoại ngữ, suốt đời bạn chỉ cúi xuống làm. Nếu bạn có ngoại ngữ và bài báo, bạn tự tin ngẩng mặt nói với cả thế giới bạn đang làm gì và làm như thế nào. Khả năng Thực hành - Kiến thức - Ngoại ngữ sẽ là “Thành tựu”.

Thiếu tướng PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hải Phòng. Ông nhập ngũ năm 1979, tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1985, sau đó, ông về công tác tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

Năm 1989, ông tốt nghiệp chuyên khoa I - Gây mê Hồi sức Khóa I Đại học Y Dược TP.HCM; bảo vệ Luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1996 tại Học viện Quân y; trở thành Phó Giáo sư năm 2011. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng và làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 giai đoạn 2012-2022. Ông còn là một người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ khi ông tham gia công tác giảng dạy.

Từ năm 1996, ông là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Quân y, Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Sau khi thôi chức vụ Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 vào năm 2022, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn Miền Nam, Ban Bảo vệ Sức khỏe Cán bộ Trung ương.

Theo Sống Xanh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tướng - PGS. TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn: Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi công nghệ, kỹ thuật điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO