Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn "chìm" trong khó khăn
Sau nỗ lực đấu thầu vào sân bay Long Thành bất thành, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục phải đối mặt với khó khăn nội tại. Doanh nghiệp này cũng chấp nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023.
Đối mặt nguy cơ phá sản…
Đại hội cổ đông bất thường lần hai của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, doanh nghiệp này sẽ lỗ tiếp trong năm 2023. Tính đến cuối quý 2/2023, HBC lỗ lũy kế hơn 2.800 tỉ đồng, sau khi lỗ hơn 700 tỉ đồng trong quý 2/2023. Trong khi đó, áp lực tài chính chưa hề dễ thở.
Ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HBC nói, doanh thu năm 2023 của HBC ước tính đạt khoảng 7.800 tỉ đồng. Kết quả này chỉ bằng một nửa doanh thu đạt được trong năm 2022. Vị lãnh đạo này lí giải, kế hoạch kinh doanh năm 2023 bị ảnh hưởng do các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề về pháp lý và bán hàng. Mặt khác, lợi nhuận âm do không bán được công ty con, do đối tác cũng gặp khó khăn về tài chính. Trước đó, HBC nói đã đạt được thỏa thuận bán Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC và một phần máy móc, thiết bị cho đối tác với giá 1.100 tỉ đồng.

Kinh doanh khó khăn, nhưng các chi phí vẫn ở mức cao, tăng thêm gánh nặng cho nỗ lực hồi sinh của HBC. Trong nửa đầu năm 2023, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng bất thường là nguyên nhân chính khiến HBC lỗ lớn. Đây chủ yếu là khoản dự phòng cho các khoản nợ khó đòi. Đáng chú ý, chỉ riêng chi phí lãi vay đã ngốn hơn 270 tỉ đồng. Khoản chi phí này cao gấp rưỡi mức lợi nhuận gộp mà công ty kiếm được. Điều này cho thấy điểm yếu của HBC là vay quá nhiều.
Đến cuối quý 2/2023, số nợ phải trả của HBC đã gần bằng tổng tài sản, nghĩa là hơn 96% tài sản mà tập đoàn này đang sở hữu được hình thành từ nợ. Ngoài ra, tỉ lệ nợ ngắn hạn đã ngấp nghé mức tài sản ngắn hạn. Nói cách khác, HBC đang đối mặt với nguy cơ phá sản rất gần.
Trong báo cáo tài chính cuối quý 2/2023, đơn vị kiểm toán cũng nhắc đến rủi ro này. Đơn vị kiểm toán (Ernst & Young Việt Nam) ghi nhận, HBC có các khoản nợ vay đã quá hạn, trong đó có một số khoản vay đã được ngân hàng đồng ý gia hạn. HBC đang thương thảo với các ngân hàng để gia hạn các khoản vay này. Những điều này dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Trong các nỗ lực nhằm đẩy lùi nguy cơ phá sản, HBC cho biết đến ngày 16/10/2023, tập đoàn đã trả hơn 1.300 tỉ đồng cho các ngân hàng. Đồng thời, HBC cũng tăng cường thu hồi nợ từ các đối tác và đã thu được hơn 300 tỉ đồng từ Tập đoàn FLC.
Xoay xở vượt khó
Để thoát khó, HBC đưa ra nhiều định hướng tái cấu trúc.
Về mặt kinh doanh, tập đoàn này cho biết trong giai đoạn 2024 – 2028 sẽ tập trung vào ba mảng gồm thị trường dân dụng trong nước, thị trường xây dựng công nghiệp và hạ tầng trong nước, đồng thời phát triển xây dựng dân dụng nước ngoài.
Cụ thể, HBC đặt mục tiêu vào năm 2028, thị trường nước ngoài (chủ yếu là châu Phi) sẽ chiếm 50% tổng doanh thu, tương đương 1 tỉ USD. Thời điểm đó, HBC sẽ đạt doanh thu 2 tỷ USD, gấp 5 lần kết quả kinh doanh 2023. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch. Trong quá khứ, lãnh đạo tập đoàn này cũng từng đặt ra nhiều kế hoạch lớn hơn nhiều, nhưng đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng. Chẳng hạn, vào cuối năm 2020, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HBC đặt mục tiêu đạt 20 tỉ USD doanh thu vào năm 2028, trong dịp chuyển giao chức tổng giám đốc cho con trai Lê Viết Hiếu. Đến năm 2022, ông Hải nhắc lại mục tiêu này nhưng thời hạn là năm 2032.
Về mặt tài chính, bên cạnh việc tích cực thu hồi nợ và xin ngân hàng gia hạn nợ, HBC cũng muốn phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Theo đó, HBC sẽ phát hành 274 triệu cổ phiếu với giá từ 12.000 đồng/cổ phiếu trở lên, trong giai đoạn cuối năm 2023 hoặc đầu 2024.

Cụ thể, HBC sẽ phát hành tối đa 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty. Giá trị hoán đổi nợ khoảng 650 tỉ đồng. Tính đến cuối quý 2/2023, các khoản phải trả ngắn hạn của HBC khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Như vậy, số tiền hoán đổi nợ bằng cổ phiếu chỉ giúp HBC giải quyết được phần nhỏ vấn đề.
Do đó, phần 220 triệu cổ phiếu còn lại được HBC kì vọng sẽ giúp thanh toán các khoản nợ khác và bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Số này trị giá hơn 2.600 tỉ đồng, được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Kế hoạch này được xem là khá tham vọng của lãnh đạo HBC. Bởi giá cổ phiếu HBC từ đầu năm 2023 tới nay chỉ xoay quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Phát hành cho nhà đầu tư chiến lược với mức giá cao hơn thị trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bán với giá cao hơn thị giá đến 50% thì không phải chuyện dễ. Khó hơn nữa là tìm được đối tác chiến lược đồng hành với HBC trong bối cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay.
Đánh giá về kế hoạch tái cấu trúc này, một chuyên gia tài chính doanh nghiệp nhận xét, kế hoạch tái cấu trúc của HBC khó thành công nếu không có nguồn lực bên ngoài giúp sức. Tại HBC, ông Lê Viết Hải nắm quyền tối thượng suốt 33 năm kể từ khi thành lập năm 1987. Sự chi phối quyền lực này có vẻ vẫn còn kéo dài cho đến nay. Đến khi chuyển giao quyền tổng giám đốc, ông Hải cũng trao cho con trai của ông là Lê Viết Hiếu. “Tại các nước phát triển trên thế giới, khi gặp khó khăn lớn, doanh nghiệp sẽ thay người lãnh đạo cao nhất. Tại HBC, doanh nghiệp vẫn chưa tái cấu trúc ban lãnh đạo”, vị này nói.
Trong bối cảnh đa phần quyền lực tại HBC đều nằm trong tay gia đình nhà sáng lập Lê Viết Hải, việc tìm được đối tác chiến lược chịu bỏ ra số tiền lớn để cứu doanh nghiệp, vẫn còn là câu hỏi lớn.