Tài chính

Vì sao Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản?

Nguyễn Dương 18/10/2023 - 11:28

Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đang có khoản nợ quá hạn hàng ngàn tỉ đồng, bên cạnh khoản nợ 18 tỉ đồng chưa trả với Công ty Cổ phần Lilama 45.3.

Bị mở thủ tục phá sản vì không trả nợ 18 tỉ đồng

Ngày 9/10, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Đến ngày 11/10, DLG đã đề nghị tòa án xem xét lại quyết định này.

Ngọn nguồn sự việc bắt đầu từ dự án nhà máy thủy điện Thủy điện Đăk Pô Cô tại tỉnh Kon Tum do DLG đầu tư. Dự án này có vốn đầu tư gần 530 tỉ đồng, khởi công cuối năm 2015 và hoàn thành cuối năm 2017. Lilama 45.3 (L43) là đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị cho dự án thủy điện trên.

Đầu năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có bản án buộc DLG phải trả cho L43 tổng số tiền nợ gốc và lãi trả chậm là gần 18 tỉ đồng. Đến ngày 25/7, L43 tiếp tục gửi đơn cho Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với DLG vì không đòi được nợ.

dlg-1.jpg
Tòa án Gia Lai đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Như vậy, sau 5 năm hợp tác với DLG, L43 vẫn không thu được nợ. Gần nửa năm sau khi tòa án buộc DLG phải trả nợ nhưng vẫn không đòi được, L43 mới dùng biện pháp mạnh tay là yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.

Trước quyết định của Tòa án Gia Lai, Tổng giám đốc DLG là ông Nguyễn Tường Cọt, cho biết, đã gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị đình chỉ quyết định này.

Chia sẻ trên website DLG, ông Cọt cho biết, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku đã mời đại diện của hai bên để thống nhất việc thi hành án. “Tại đây, DLG đề xuất trả nợ cho L43 phân kỳ theo lộ trình từ năm 2023 đến năm 2026, nhưng đại diện Lilama 45.3 vẫn không chấp thuận, tỏ ra thiếu thiện chí”, vị lãnh đạo này nói. Theo ông Cọt, khoản nợ với L43 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa tới 0,3% tổng tài sản của DLG, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của DLG. Do đó DLG không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.

Tổng giám đốc DLG nói dù gặp khó khăn tài chính nhưng DLG không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản khoảng 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính từ hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, đủ khả năng trả nợ cho các đối tác và ngân hàng.

DLG bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

L43 là thành viên của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama). Từ năm 2021 đến nay, L43 lỗ liên tục. Đòi nợ khách hàng để bù đắp các khoản thiếu hụt về tài chính cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi DLG đã nợ hơn 5 năm.

Tuy nhiên, đến mức kiện đối tác để mở thủ tục phá sản thì phải tình hình có lẽ đã đến nước cuối. Xét kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của DLG trong thời gian gần đây, cho thấy lo lắng của L43 cũng không phải không có cơ sở.

Trong vài năm gần đây, DLG đều đạt doanh thu ngàn tỉ nhưng cũng lỗ cả ngàn tỉ đồng. Gần nhất, trong năm 2022, DLG lỗ hơn 1.200 tỉ đồng. Trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023, đơn vị kiểm toán ghi nhận, DLG đang lỗ lũy kế hơn 2.000 tỉ đồng. Các khoản nợ quá hạn của DLG cũng không hề nhỏ. Tính đến cuối quý 2/2023, DLG nợ ngắn hạn gần 1.200 tỉ đồng, nhưng có hơn 1.000 tỉ đồng là nợ quá hạn.

dlg-2-no.png
DLG nợ ngắn hạn gần 1.200 tỉ đồng, nhưng có hơn 1.000 tỉ đồng là nợ quá hạn.

Đặc biệt, đến cuối quý 2/2023, DLG đang có nợ ngắn hạn hơn 2.700 tỉ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ khoảng 1.500 tỉ đồng. Theo quy tắc kế toán, khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, doanh nghiệp đó sẽ bị nghi ngờ không thể hoạt động liên tục (có khả năng phá sản).

Để giải quyết mối lo không thể hoạt động liên tục, DLG đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ. DLG cho biết đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản bảo lãnh và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn 2023-2025. Tuy nhiên, kiểm toán cho rằng chưa xác định được giá trị của các tài sản trên cũng như kế hoạch trả nợ của DLG.

DLG cho biết đang sở hữu tài sản gần 6.000 tỉ đồng. Tập đoàn này đang có 4 công ty con gồm Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắc Nông, Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai, Công ty TNHH Mass Noble Investment và Công ty Cổ phần ĐT&PT Điện năng Đức Long Gia Lai. Tập đoàn này cũng có một công ty liên kết là Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Giao thông Gia Lai.

Trong nửa đầu năm 2023, hơn 90% doanh thu của DLG đến từ bán linh kiện điện tử và dịch vụ trạm thu phí BOT, còn lại đến từ bán đá và điện thương phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO