Bộ Tư pháp làm việc với TP.HCM sau khi sắp xếp mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Chiều 5/7, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác tư pháp của cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp tại TP.HCM.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Văn Thọ cùng lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM và các đơn vị liên quan.
Công tác của ngành tư pháp TP.HCM trong 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo tại buổi làm việc, 6 tháng đầu năm 2025, ngành Tư pháp TP.HCM đã hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng nhiều nội dung công tác. Các chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm đã được ban hành kịp thời, triển khai đều khắp từ cấp Thành phố đến quận, huyện, thành phố Thủ Đức và xã, phường, thị trấn; nội dung bám sát các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật của Trung ương, Bộ Tư pháp, UBND TP.HCM, phù hợp với thực tiễn quản lý trên địa bàn, tạo sự chủ động và thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Một số kết quả nổi bật như: công tác xây dựng thể chế phục vụ chính quyền Thành phố quản lý, điều hành và công tác rà soát văn bản pháp luật được tiến hành thường xuyên, có chất lượng, qua đó đã loại bỏ hoặc kiến nghị loại bỏ những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, văn bản trái quy định, góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố.
Công tác kiểm tra, xử lý văn bản đã được thực hiện thường xuyên, đảm bảo ý kiến pháp lý, công tác rà soát theo chuyên đề đã được quan tâm triển khai có kết quả, đặc biệt đã tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND Thành phố và UBND Thành phố hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2024 (134 VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ và 16 VBQPPL hết hiệu lực một phần); qua đó, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật Thành phố.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp TP.HCM đã góp ý, thẩm định 1.058 dự thảo văn bản, tăng 407 dự thảo so với cùng kỳ năm 2024. Các ý kiến góp ý, thẩm định dự thảo VBQPPL của Sở đảm bảo chất lượng, nhiều ý kiến góp ý, thẩm định được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu. Thực hiện tư vấn 376 vụ việc, tăng 71 vụ việc so với cùng kỳ năm 2024. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho 2.112 người/vụ việc; phối hợp tổ chức 200 cuộc truyền thông và thực hiện TGPL ở cơ sở tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với trên 55.831 người tham dự, qua đó, thực hiện tư vấn pháp luật…
Một số đề xuất kiến nghị
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đã chia sẻ về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách trước và sau khi hợp nhất 03 Sở Tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM, Sở Tư pháp Bình Dương, Sở Tư pháp Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo đó, sau khi hợp nhất, Sở Tư pháp TP.HCM (mới) có có cấu tổ chức gồm 09 phòng chuyên môn: Văn phòng; Phòng Tổ chức; Phòng Văn bản pháp quy; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Bổ trợ tư pháp; Phòng Hộ tịch - Quốc tịch; Phòng Kiểm tra văn bản; Phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Phòng Kiểm tra và quản lý pháp chế (giảm từ 18 phòng chuyên môn còn 09 phòng chuyên môn, tỷ lệ giảm 50%).
Đối với các đơn vị sự nghiệp, sau khi hợp nhất 03 Sở Tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM (mới) tiếp nhận nguyên trạng 18 đơn vị sự nghiệp trước khi sáp nhập của 03 Sở Tư pháp (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương), thay đổi pháp nhân, tên gọi, con dấu thành đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp TP.HCM (mới) cho phù hợp tình hình thực tiễn. Đồng thời, tiếp nhận nhân sự của 03 Sở Tư pháp, số công chức, viên chức, người lao động của 03 Sở Tư pháp là 498 người, trong đó có: 114 công chức, 241 viên chức và 137 người lao động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã nêu một số khó khăn, vướng mắc đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn, giải quyết như việc thực hiện các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp bắt đầu từ ngày 01/7/2025, theo quy định pháp luật, các thủ tục hành chính được phân quyền, phân cấp giải quyết có các điều kiện, tiêu chuẩn cần được kiểm tra, xác minh trước khi giải quyết. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở dữ liệu quản lý các thông tin nêu trên trong phạm vi cả nước dẫn đến việc kiểm tra, xác minh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết theo quy định; việc thực hiện ủy quyền, phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đề xuất, kiến nghị về việc cấp nhà công cụ cho cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; về nguồn nhân lực cho công tác tư pháp phải đảm bảo sự chính quy, chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu công việc hiện nay.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở Tư pháp Thành phố cũng nêu những khó khăn, vướng mắc đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết như vấn đề về số hóa hồ sơ chứng thực; về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; về việc về các quy định trong việc chuyển giao phòng công chứng trên địa bàn…
Tại buổi làm việc, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp đã ghi nhận, trao đổi và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của Sở Tư pháp TP.HCM trong công tác phân cấp phân, phân quyền, ban hành VBQPPL… Đồng thời, hướng dẫn Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện công tác truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, việc triển khai, hướng dẫn thực hiện, kết nối phần mềm liên thông.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Văn Thọ đã ghi nhận những kết quả đạt được của Sở Tư pháp Thành phố. Đồng thời nhấn mạnh, TP.HCM cùng với các sở, ngành, địa phương đang tích cực triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp nhằm tinh gọn bộ máy, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Trong bối cảnh đó sẽ có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi phải có sự nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cũng mong muốn Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm hỗ trợ ngành tư pháp Thành phố tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà TP.HCM đang gặp phải, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý phát sinh của Thành phố, là nền tảng giúp Thành phố triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Về những kiến nghị của ngành tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Thọ đề nghị Sở Tư pháp rà soát, tập hợp những kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc để giải quyết, đối với trường hợp vượt thẩm quyền đề nghị báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố để có hướng dẫn giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh biểu dương TP.HCM
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Sở Tư pháp TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Sở Tư pháp TP.HCM đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, tham mưu, củng cố, triển khai, hoàn thiện nhiều VBQPPL, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP.HCM.
Đối với các đề xuất kiến nghị, đề nghị các đơn vị Bộ Tư pháp trả lời, hướng dẫn cụ thể đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm giải quyết dứt điểm. Liên quan đến nội dung kiến nghị số hóa hồ sơ, về phân cấp ủy quyền, về chuyển đổi Phòng Công chứng… Bộ Tư pháp ghi nhận, xem xét đồng thời tham mưu để có hướng dẫn chỉ đạo giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, công tác cán bộ, động viên cán bộ, nhất là cán bộ địa phương yên tâm công tác, khắc phục khó khăn vì lợi ích chung.
Đồng thời, bám sát nhiệm vụ ngành tư pháp, của Bộ Tư pháp góp phần thực hiện tốt chủ trưởng của Đảng, Nhà nước và phục vụ Nhân dân tốt hơn; tiếp tục rà soát, tham mưu, tăng cương bố trí cán bộ có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND TP.HCM ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Cùng với đó, quan tâm, tập huấn truyền thông chính sách, pháp luật bằng hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân; rà soát các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo hiện nay để tham mưu, đề xuất tháo gỡ; quan tâm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu… Đồng thời, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản, nâng cao chất lượng văn bản; hướng dẫn cụ thể các ban, ngành xây dựng VBQPPL đúng quy định, thẩm thịnh văn bản, trong đó phải thể hiện rõ vai trò của ngành tư pháp với tư duy mới, cách thức mới…
Thay mặt Sở Tư pháp TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp nói chung và Đoàn công tác nói riêng. Đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và hoàn thiện báo cáo cũng như làm rõ nội dung kiến nghị để gửi cho Đoàn. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh khẳng định trong thời gian tới Sở Tư pháp TP.HCM sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
*Cùng ngày, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh làm trưởng đoàn đã đến thăm và khảo sát Trung tâm hành chính công phường Sài Gòn, TP.HCM.