Kinh doanh

Tập đoàn Masan được quỹ ngoại rót 200 triệu USD, đang làm ăn ra sao?

Nguyễn Dương 11/10/2023 - 17:16

Tập đoàn Masan thu về mức lãi sau thuế gần ngàn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, so với cùng kỳ hai năm gần đây, con số này chưa hẳn khiến nhà đầu tư hài lòng.

Từ gánh nặng tài chính…

Tập đoàn Masan đón tin vui vào đầu tháng 10/2023 khi được Quỹ đầu tư Bain Capital cam kết rót 200 triệu USD dưới hình thức mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức và chuyển đổi. Quỹ này sẽ mua cổ phiếu Masan (MSN) với giá 85.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch chưa được công bố cụ thể.

Masan sẽ dùng số tiền thu được để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của Masan. Nói cách khác, Masan như “vớ được cọc” khi số vốn đầu tư 200 triệu USD có thể giúp tập đoàn này giải tỏa phần nào áp lực tài chính đang đè nặng. Áp lực này có thể thấy rõ qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2023, Masan đạt hơn 37.000 tỉ đồng (tăng nhẹ so với cùng kỳ) và gần 900 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm hơn 70%). Masan cho rằng đây là hệ quả của việc không có thu nhập bất thường như nửa đầu năm trước. Báo cáo tài chính hồi cuối tháng 6/2022 cho thấy, Masan có thêm khoản lãi bất thường nhờ nâng định giá Công ty Phúc Long sau khi mua lại cổ phần và lãi từ bán mảng thức ăn chăn nuôi (ProConco). Tuy nhiên, trong năm nay, các khoản chi phí tài chính cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm lợi nhuận của tập đoàn này.

Chi phí tài chính tăng bất thường là nguyên nhân đáng kể khiến lợi nhuận Masan giảm mạnh. Nửa đầu năm 2023, chi phí tài chính của Masan đạt hơn 4.000 tỉ đồng (gấp 1,4 lần cùng kỳ), riêng chi phí lãi vay cũng tăng đột biến lên hơn 3.500 tỉ đồng (bằng 1,6 lần cùng kỳ).

142.jpg
Chi phí tài chính tăng bất thường là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Masan giảm mạnh.

Các chi phí này là kết quả của việc đảo nợ (giảm nợ ngắn hạn và tăng nợ dài hạn) và thanh toán trái phiếu. Đến cuối tháng 6/2023, Masan đang nợ hơn 100.000 tỉ đồng. Nói cách khác, gần ba phần tư tài sản của tập đoàn này đang được hình thành từ nợ. Riêng các khoản vay (vay, trái phiếu và nợ thuê tài chính), đến cuối quý 2/2023, Masan đang nợ hơn 68.000 tỉ đồng (giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm).

Đáng chú ý, trừ đi khoản nợ vay ngân hàng và nợ thuê tài chính (không đáng kể), Masan đang nợ hơn 23.000 tỉ đồng trái phiếu (gần 1 tỉ USD). Theo ghi nhận của tập đoàn này, trong vòng 12 tháng tính vào cuối quý 2/2023, Masan phải trả nợ ngắn hạn hơn 13.000 tỉ đồng. Đây là việc không dễ dàng nếu chỉ dựa vào nguồn lợi nhuận trồi sụt trong vài năm gần đây. Vì vậy, các hoạt động hút vốn mới như đi vay hay bán cổ phần được xem là giải pháp khả dĩ giúp Masan bớt lo lắng.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Masan liên tục tìm các gói vay mới và đạt được cam kết vay gần 1 tỉ USD. Cụ thể, cuối năm 2022, Masan được giải ngân khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD (được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank). Đến tháng 3/2023, Masan tiếp tục được một số tổ chức tài chính quốc tế cam kết giải ngân 375 triệu USD nữa. Cùng với đợt bán cổ phần cho Quỹ đầu tư Bain Capital mới đây, có thể thấy, Masan rất giỏi huy động vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Nhưng ngược lại, áp lực tài chính của Masan hiện không hề nhỏ.

Ngoài áp lực tăng nợ, tài sản gia tăng trong khi hiệu quả kinh doanh chưa tăng tương ứng khiến các chỉ số hiệu quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đơn cử, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ROE) nửa đầu năm 2023 của Masan chỉ còn 2,3%, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 8% và 4,4% trong năm 2021. Với vị thế là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, có vẻ hiệu quả này chưa đủ khiến nhà đầu tư và cổ đông hài lòng. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giảm gần 30%, hiện xoay quanh mức 72.000 đồng/cổ phiếu.

Đến tham vọng bành trướng quy mô

Masan là doanh nghiệp có lợi thế thương hiệu về mặt hàng gia vị và mì gói. Trong giai đoạn trước năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang – vị chủ tịch có kinh nghiệm kinh doanh từ Đông Âu, giúp Masan gặt hái được không ít thành tích tăng trưởng. Nhưng kể từ năm 2022, khi Masan mua lại hệ thống Vincommerce từ Vingroup và khởi đầu cho tham vọng bành trướng, hiệu quả kinh doanh của Masan bắt đầu đi xuống.

Đầu năm 2020, Masan cho biết đã bỏ ra khoảng 5.400 tỉ đồng để nắm hơn 80% cổ phần công ty sở hữu hệ thống Vinmart và VinEco. Bước đi này giúp Masan hiện thực hóa tham vọng lấn sân vào ngành bán lẻ và đang duy trì lợi thế đứng đầu thị trường. Sau đó là một loạt các thương vụ mua bán và sát nhập (M&A) để bành trướng quy mô.

Cuối năm 2021, Masan cho ra mắt một loạt cửa hàng CVLife – cửa hàng Winmart+ tích hợp nhiều tiện ích như nhà thuốc Phano, quầy hàng café Phúc Long và ngân hàng Techcombank. Mô hình này thể hiện tầm nhìn dài hạn của chủ tịch Nguyễn Đăng Quang là phục vụ phần lớn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong một cửa hàng. Chiến lược này được gói gọn bằng cụm từ “Point of Life”.

2022.jpg
Masan muốn phục vụ phần lớn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong một cửa hàng.

Chiến lược này được hình thành từ nhiều thương vụ và tiêu tốn không ít tiền bạc của Masan. Đối với thương hiệu trà và café đứng số 2 thị trường về thị phần là Phúc Long, Masan đã bỏ ra gần 6.500 tỉ đồng để được sở hữu 85% cổ phần. Masan cũng sở hữu hơn 46% cổ phần Công ty Dr.Win (thương hiệu Phano) trong khi Techcombank là công ty liên kết từ lâu của Masan (Masan nắm gần 20% cổ phần ngân hàng này).

Bên cạnh thương vụ Phúc Long, Masan cũng chi gần 300 tỉ đồng để mua 70% cổ phần Công ty Mobicast (trước đó tên là Reddi) vào tháng 9/2021. Ngoài ra, vào tháng 4/2022, Masan cho biết đã chi ra 65 triệu USD (hơn 1.500 tỉ đồng) để mua lại 25% cổ phần của công ty Trusting Social – một đơn vị chuyên về chấm điểm tín dụng người tiêu dùng.

Nếu như các thương vụ trên mang lại giá trị tích hợp cho chiến lược “Point of Life” của ông Quang, thì các thương vụ trong ngành khoáng sản giúp tăng giá trị sản phẩm cho mỏ Núi Pháo mà Masan sở hữu. Giữa năm 2020, Masan chi gần 1.100 tỉ đồng để mua lại nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của H.C. Starck. Đến năm 2022, Masan tiếp tục bỏ ra thêm gần 1.300 tỉ đồng (45 triệu bảng Anh) để đầu tư vào Nyobolt - công ty phát triển pin hiệu suất cao và sạc nhanh, sử dụng vonfram làm nguyên liệu.

Dễ thấy, ngoài chiến lược “Point of Life” nhằm chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan còn tham vọng lấn sân sang nhiều ngành khác. Các thương vụ M&A từ năm 2020 đến nay làm Masan tiêu tốn khoảng 16.000 tỉ đồng. Tham vọng này khiến lợi nhuận mà Masan kiếm được suy giảm liên tục trong khi nợ nần tăng nhanh. Nếu trong giai đoạn nửa đầu năm 2019, Masan lãi gần 2.200 tỉ đồng và nợ 32.000 tỉ đồng, thì trong nửa đầu năm 2023, Masan chỉ lãi chưa tới 900 tỉ đồng nhưng nợ tăng lên mức hơn 103.000 tỉ đồng.

Sa đà vào nợ nần để bành trướng quy mô nhưng hiệu quả một số thương vụ chưa thể hiện rõ, nhất là Wincommerce. Ngay khi mua lại, Masan đã phải gánh khoản lỗ cũ tới 100 triệu USD. Cho đến nay, chuỗi bán lẻ này vẫn liên tục thua lỗ. Năm đầu tiên sau khi mua lại, Wincommerce báo lỗ hơn 1.200 tỉ đồng. Đến năm 2021, Wincommerce lỗ gần 148 tỉ đồng và lỗ tiếp hơn 445 tỉ đồng trong năm 2022. Trong nửa đầu năm 2023, đơn vị này lỗ hơn 380 tỉ đồng. Chưa tính khoản lỗ cũ, Wincommerce đang khiến Masan gánh lỗ hơn 2.200 tỉ đồng.

winmart88.jpg
Wincommerce đang khiến Masan gánh lỗ hơn 2.200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng CVLife – nằm trong chiến lược “Point of Life” của Masan cũng khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn. Hiệu quả của mô hình tích hợp quầy café, nhà thuốc và ngân hàng vào cửa hàng tiện lợi Winmart+ chưa được Masan công bố chi tiết. Một số nhà đầu tư cho rằng, mô hình này khó mang về kết quả ấn tượng.

Còn ông Mã Thanh Danh – Chủ tịch Công ty Tư vấn quốc tế (CIB) thì nhận xét, mô hình quầy café trong siêu thị mini không đủ lí do giữ chân khách hàng. “Mô hình này chỉ thích hợp ở các nước phương Tây, mang đến tiện lợi cho những người đi làm không có nhiều thời gian. Hơn nữa, người tiêu dùng đi chợ thích ngồi “nhiều chuyện” với nhau ở các quán café vỉa hè – vốn rất dày đặc ở Việt Nam”, vị này nói. Còn đối với giới trẻ, nhất là thế hệ GenZ, một khi đã uống café sang để “check in” như Phúc Long, họ không chọn vào các siêu thị mini có không gian chật hẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Masan được quỹ ngoại rót 200 triệu USD, đang làm ăn ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO